Trồng Khoai Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Để tránh tình trạng việc trồng khoai lang không theo quy hoạch dẫn đến mất mùa, không bán được giá, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu theo quy trình sản xuất sạch VietGAP tại ấp Thành Hậu (xã Thành Đông, huyện Bình Tân).
Hiện đã có 43 hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu (CĐM) khoai lang trên diện tích 40ha đang bước vào vụ thu hoạch. So với những hộ ngoài mô hình, những hộ dân này vui hơn vì chi phí sản xuất thấp nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn.
Ông Trần Thanh Hoàng, nông dân tham gia CĐM khoai lang ấp Thành Hậu, phấn khởi: “Tôi có 8 công (8.000m2) khoai lang làm theo quy trình sản xuất VietGAP. Theo tôi tính, chi phí cho một công sẽ giảm khoảng 3 triệu đồng so với trước khi vào mô hình, đặc biệt là chất lượng khoai rất đẹp và sạch”.
Chúng tôi tìm hiểu được biết, thay vì sử dụng phân hóa học, khi tham gia mô hình CĐM, người dân toàn sử dụng phân sinh học nên rất có lợi cho môi trường. Hơn nữa, dây và củ khoai phát triển rất tốt, hiếm có sâu bệnh xuất hiện, nếu có xuất hiện cũng với mật độ rất thấp và dễ phòng trị.
Theo tính toán của nhiều hộ nông dân tham gia mô hình, trong vụ khoai đầu tiên này, năng suất khoai đạt bình quân từ 36 đến 37 tạ (60kg)/công, cao hơn ngoài mô hình từ 1 đến 2 tạ/công, theo đó khoai thu hoạch loại 1 cũng nhiều hơn ngoài mô hình từ 300 -500kg/công.
Mặt khác tham gia mô hình chi phí sẽ giảm 30% nên lợi nhuận thu về nhiều hơn khoảng 3 triệu đồng/công. Với giá khoai từ 820 -850 nghìn đồng/tạ thì người dân sẽ thu lời từ 135-150 triệu đồng/ha.
Khoai lang Bình Tân là nhãn hiệu tập thế
Được biết, khoai lang Bình Tân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Cùng với việc triển khai mô hình trên, đây là bước ngoặt mới mở ra cho khoai lang Bình Tân chỗ đứng có tính bền vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Võ Văn Theo- Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bình Tân, cho biết: “Tham gia mô hình CĐM khoai lang thì người dân sẽ có nhiều cái lợi là hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, tiết kiệm được chi phí, biết áp dụng các loại thuốc sinh học. Ngoài ra, bà con còn ghi được nhật ký ngoài đồng, bảo vệ môi trường, người dân tiêu thụ sản phẩm sẽ an tâm hơn”.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, việc phát triển diện tích khoai lang ở huyện Bình Tân là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, nhằm đẩy mạnh việc đưa cây màu xuống đất ruộng kém hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, theo kế hoạch, đến cuối năm 2014 này, diện tích trồng khoai lang của huyện Bình Tân sẽ đạt gần 1.000ha. Theo đó, mô hình CĐM khoai lang này cũng sẽ được mở rộng thêm ở một số địa phương lân cận xã Thành Đông.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm này là lúc bà con nông dân phải xuống đồng để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân. Nhưng, nhiều cánh đồng vẫn còn lênh láng nước, chưa được đấu úng nên nhiều nguy cơ vụ đông xuân sẽ gieo cấy chậm trể.

Nấm rơm là loại nấm dễ trồng, có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao nên ngày càng được nhiều nông dân tham gia sản xuất. Việc trồng nấm rơm trái vụ ngay trên đồng ruộng giúp tiết kiệm chi phí nhà xưởng, tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có, đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất theo ý muốn của nông dân.

Từ nhiều năm nay người dân xã A Vao, huyện Đakarông (Quảng Trị) đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích đất sản xuất. Trong đó, mô hình phát triển, trồng và khai thác cây bời lời đỏ được triển khai ban đầu đã cho hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo bền vững.

Từ đó, anh mở rộng quy mô chăn nuôi với 3 khu chuồng trại gồm 3 trại nuôi gà, 1 trại nuôi heo, được đầu tư hiện đại, bố trí khoa học, hợp lý. Trung bình một năm anh nuôi 3 - 4 lứa gà, mỗi lứa 3.500 con. Ở trại heo luôn có 5 heo nái, trên 80 heo thịt.

Tại Quảng Nam, những giải pháp mạnh tay đã được đưa ra nhằm ngăn chặn việc phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm.