Trồng Dưa Leo, Khổ Qua Cho Thu Nhập Cao

Năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1973) ở ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên (Bình Dương) đã mạnh dạn chuyển một phần đất trên diện tích cao su của gia đình sang trồng dưa leo, khổ qua. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Hùng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Với diện tích gần 2 ha, trước đây cũng như nhiều nông dân khác gia đình anh Hùng phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cao su. Năm 2010, anh quyết định chuyển đổi trên 5.000m2 cao su sang trồng mới dưa leo, khổ qua. Với ưu điểm của dưa leo, khổ qua rất dễ trồng và thích hợp với đất, tập quán canh tác của người dân địa phương, thời gian cho thu hoạch nhanh nên anh Hùng cho rằng, đây là cách lấy ngắn nuôi dài.
Theo anh Hùng, chi phí đầu tư ban đầu thấp với khoảng 4 triệu đồng/1.000m2; sau 35 - 40 ngày xuống giống là thu hoạch; thời gian thu hoạch liên tục 20 - 25 ngày kế tiếp. Vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày gia đình anh Hùng thu hoạch bình quân từ 50 - 60kg/1.000m2 đối với dưa leo, từ 40 - 50kg/1.000m2 đối với khổ qua.
Với giá bán 6.000 - 8.000 đồng/kg, đầu vụ giá có thể lên 11.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình anh Hùng thu lợi nhuận 140 - 150 triệu đồng từ diện tích 5.000m2 đất. Về đầu ra, hiện nay thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận vườn để thu mua nên không mất chi phí vận chuyển, tìm đầu ra…
Hiệu quả đem lại từ khổ qua, dưa leo lớn, anh Hùng vừa chuyển đổi thêm gần 7.000m2 diện tích cao su sang trồng dưa leo, khổ qua. Theo chia sẻ của anh Hùng, việc trồng, chăm sóc dưa leo, khổ qua so với các loại rau củ quả khác đơn giản hơn. Trong quá trình chăm sóc, nông dân nên bón phân, phun thuốc theo chu kỳ.
Bên cạnh đó, chú ý quan sát lá, quả để kịp thời phát hiện sâu bệnh, phun thuốc phòng trừ. Đặc biệt là thời kỳ dưa leo, khổ qua bắt đầu cho trái. Sau 3 vụ trồng liên tiếp, nhà vườn cần cải tạo đất để đất có thêm dinh dưỡng nuôi cây.
Với thành quả đã đạt được, anh Hùng được huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 3 năm liền từ năm 2011-2013; năm 2014, anh được đề xuất lên tỉnh xét danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Từ mô hình trồng dưa leo, khổ qua của gia đình anh Hùng, nhiều hộ dân trong xã đã học hỏi, trồng thử bước đầu cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Cao Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tân, cho biết: “Trồng dưa leo, khổ qua là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cũng như cải thiện đáng kể đời sống cho nhiều hộ dân. Hiện tại, diện tích trồng dưa leo và khổ qua của toàn xã trên 5 ha.
Trong thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ cho các hộ vay vốn, mời Trung tâm Khuyến nông thị xã xuống tư vấn giúp người dân có thêm kiến thức về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đúng hướng, phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay thời tiết thuận lợi, bà con nông dân chịu đầu tư chăm sóc nên vụ cà phê được mùa hơn so với các năm trước. Từ niềm vui được mùa, được giá, nhiều nông dân đã tính chuyện mở rộng diện tích trồng cà phê.

Hiện sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều hộ nông dân ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn đầu tư thu mua nguyên liệu rơm để làm nấm an toàn. Nghề này đang đem lại cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Đời sống kinh tế - xã hội của xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm (năm 2011 là 25,28%, đầu năm 2012 là 22,18%, phấn đấu năm 2013 còn khoảng 18%). Mặc dù hiện tại, gần 80% số hộ gia đình ở Hoành Mô có mức sống từ trung bình trở lên nhưng công tác giảm nghèo vẫn luôn được xã chú trọng, coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã đưa nhiều mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả vào sản xuất. Trong đó mô hình nuôi gà Tiên Yên của ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đông Thành, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) là một ví dụ điển hình.

Nhiều nông dân ở xã Trí Phải (H.Thới Bình, Cà Mau) có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ tận dụng bờ bao vuông tôm để trồng mía.

Trong những ngày đầu tháng 10/2012, Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai mô hình thực nghiệm nuôi gà bằng chế phẩm thiên nhiên cho 2 hộ dân thuộc xã Hòa Thành. Số gà được nuôi theo mô hình này là 1.500 con gà Lương Phượng.