Trồng Điều Bonsai Độc Đáo

Chỉ với 2 năm tuổi, loại điều đặc biệt này đã cho năng suất tới 2 tấn hạt/ha và được kỳ vọng sẽ giúp hàng vạn hộ nông dân trồng điều nhanh chóng cải thiện thu nhập…
Với mô hình trồng điều bonsai đầu tiên tại Việt Nam, nông dân Nguyễn Hải Dương (ngụ ấp 5, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai) đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của những người gắn bó với cây điều.
Chỉ với 2 năm tuổi, loại điều đặc biệt này đã cho năng suất tới 2 tấn hạt/ha và được kỳ vọng sẽ giúp hàng vạn hộ nông dân trồng điều nhanh chóng cải thiện thu nhập…
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) là người đặc biệt quan tâm đến công tác cải tạo vườn điều, gia tăng thu nhập cho người nông dân để họ an tâm gắn bó lâu dài với cây điều. Vì thế, khi biết thông tin ở Đồng Nai có nông dân Nguyễn Hải Dương đang trồng và nhân giống điều bonsai khá lạ, cho năng suất và chất lượng điều rất cao, lập tức ông rủ chúng tôi đi tham quan.
Đến ấp 5, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, chúng tôi gặp ông Dương vừa mới đi thăm bạn ở Trảng Bom về, nét mặt còn phảng phất nét vui tươi, hớn hở. “Giống điều mới AB 0508 này lạ lắm, chỉ năm thứ 2 đã cho hạt với năng suất 2 tấn/ha. Riêng 2.000 m2 của tôi năm thứ 3 đã thu hoạch được 7 tạ hạt (tương đương 3,5 tấn/ha).
Dự đoán vào năm thứ 5 tức giai đoạn sung mãn, 1 ha giống điều mới có thể thu được 5 - 6 tấn hạt. Vì thế, tôi gọi vui giống này là “mì ăn liền”, cứ trồng năm thứ 2 đã có trái để thu tiền rồi!”.
Là người có kinh nghiệm 29 năm trồng điều nên cách đây hơn 2 năm, ngay khi có người giới thiệu cho xem giống điều AB 0508 cây nhỏ xíu, thấp lè tè mà chĩu chịt quả, ông đã nhận ra tiềm năng của nó.
“Tôi hỏi mua ngay 50 cây về trồng thử, thấy giống mới lên rất nhanh, vài tháng sau tôi mua thêm 200 cây nữa để mở rộng diện tích. Đến năm thứ 2, những cây điều này bắt đầu ra bông. Trên mỗi cành mọc thành từng chùm 40 - 50 bông, 1 bông thu được tới 1 lạng hạt và mỗi cành tôi chỉ cần dưỡng 30 bông là có 3 kg hạt rồi”, ông Dương chia sẻ.
Nếu so sánh với giống điều truyền thống phải mất 4 - 5 năm mới bắt đầu cho trái và năng suất ban đầu chỉ vài tạ/ha, thì giống mới này cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.
Nhìn những chùm điều mọc sum xuê trên thân cây chỉ có chiều cao khoảng 1,5 mét, chúng tôi không khỏi tấm tắc bật lời khen ngợi. Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas nói: “Tôi có thử rồi, hạt điều giống mới này khá lớn (120 - 130 hạt/kg), tỷ lệ nhân cao (300 gram/kg), mùi vị không khác biệt so với giống điều cũ.
Cái hay của ông Dương là có sáng kiến trồng điều theo kiểu bonsai, cứ thu hoạch trái xong thì cắt đi toàn bộ cành nhỏ, chỉ để lại gốc và các cành lớn (như kiểu chăm sóc cây kiểng, mai hay đào khi hết tết); đồng thời tận dụng thời gian đầu để thu hoạch nhân”.
Ngoài ra, gọi là điều bonsai cũng là cách hiểu nông dân phải chăm sóc kỹ lượng, không thể lơ là như cách trồng điều truyền thống, vì sâu rầy chỉ cần phá đi 1 bông trên cành là mất 1 lạng hạt điều rồi. Đặc biệt nữa, mô hình này còn tính hiệu quả kinh tế cụ thể trên mỗi m2, mật độ trồng rất dày, cây cách cây chỉ 2 mét, tức 4 mét vuông có 1 cây điều.
“Mô hình trồng điều ghép giống mới của ông Dương rất phù hợp với diện tích đất nhỏ của hàng vạn hộ nông dân. Bất cứ ai, chỉ cần có diện tích đất vườn kha khá cũng có thể trồng giống điều mới này để tăng thu nhập cho gia đình ngay từ năm thứ 2 trở đi”, ông Thanh nói.
Ngoài 250 cây điều giống mới bonsai, ông Dương đang sở hữu 3 ha trồng điều giống cũ (tuổi đời trên 20 năm), năng suất trung bình đạt 2,7 tấn/ha.
Để thay thế dần những cây điều già cỗi có hiện tượng bị bệnh “cách niên” (1 năm có trái, 1 năm không), ông Dương đang chuyển dần 1 ha sang trồng giống điều mới để gia tăng năng suất và sản lượng trên cùng một diện tích.
“Tuy nhiên, việc nhân giống giống điều mới này khá khó vì cây rất ít đọt, mọc 10 mầm thì hết 9 là bông, chỉ có 1 đọt để làm giống thôi!”, ông Dương nói.
Để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu trong nước, Vinacas đã đề nghị Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà máy, cơ sở chế biến cùng tham gia xây dựng vùng nguyên liệu bằng việc ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm (theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ).
DN có thể cung cấp dịch vụ, hỗ trợ nông dân trong công tác khuyến nông, cải tạo vườn điều, chuyển giao nhanh các giống tốt vào SX; tổ chức SX, trồng trọt, thu hái, bảo quản, phòng ngừa tổn thất sau thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Khoai tây là cây trồng trong vụ đông có năng suất ổn định và có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích trồng khoai tây có xu thế tăng chậm, nguyên nhân chính là nguồn lao động trong nông thôn ngày một giảm do chuyển sang kinh doanh dịch vụ hay đi lao động ở các ngành nghề khác. Mặt khác chi phí sản xuất trồng khoai tây thường cao, nhất là khâu làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều hộ nông dân không dùng rơm rạ phục vụ đời sống dân sinh, rơm rạ cũng ít được sử dụng làm phân hữu cơ. Xuất phát từ thực tế đó, vụ đông năm 2011 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hưng Yên đã triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ, góp phần giải quyết những khó khăn trên.

Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) về cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bước đầu đạt được những kết quả đáng mừng...

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, các huyện thuộc vùng U Minh Thượng rộ lên phong trào nuôi tôm sú "châu Phi". Giống này được các cơ sở tôm giống bán với giá rất cao (75 đồng/con, cao hơn từ 25 - 30 đồng/con so với tôm giống bình thường), kèm theo những lời quảng cáo về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của loại tôm này.

Do lũ rút, cua đồng ít dần nên giá cua tại các chợ huyện, thị, thành ở tỉnh An Giang đã tăng đáng kể. Cụ thể giá cua từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, còn càng cua giá 120.000 - 160.000 đồng/kg.

Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu. Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích.