Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Đậu Phụng Trên Đất Lúa

Trồng Đậu Phụng Trên Đất Lúa
Ngày đăng: 23/07/2014

Mô hình trồng đậu phụng có sức chịu hạn tốt trên những chân đất lúa bấp bênh nước tưới ở xã Bình Đào (Thăng Bình) đã mở ra một hướng mới trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương.

Đầu vụ hè thu 2014 này, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình triển khai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một số hộ dân ở thôn Vân Tiên thuộc xã Bình Đào trồng khảo nghiệm giống đậu phụng mới L23 trên 80 sào đất lúa không chủ động nước tưới.

Ông Trần Đình Tân - một người dân tham gia mô hình cho biết, do quá bấp bênh nguồn nước tưới nên hàng chục năm nay vụ hè thu nào 500m2 đất sản xuất lúa của ông cũng cho năng suất rất thấp.

Cách đây hơn 3 tháng, được sự trợ giúp tích cực của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở, ông Tân chuyển số diện tích đó sang canh tác giống đậu phụng L23 theo mô hình trình diễn. Ông Tân nói: “Qua theo dõi cho thấy, giống đậu phụng này có thời gian sinh trưởng 95 ngày. Từ đầu đến cuối vụ, ruộng đậu khảo nghiệm phát triển rất tốt và ít bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm”.

Theo ông Tân, trước đây gieo sạ lúa trên 500m2 đất ấy ông chỉ thu về 100kg lúa khô. Bán với giá 6 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt được là 600 nghìn đồng. Bây giờ trồng đậu, ông thu hoạch được 150kg khô. Nếu tính theo thị trường hiện nay 1kg đậu phụng L23 có giá 20 nghìn đồng thì quy ra giá trị đạt 3 triệu đồng.

Ông Võ Văn Nghi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư Quảng Nam cho biết, ngoài mô hình ở xã Bình Đào (Thăng Bình), vụ hè thu 2014 này đơn vị còn phối hợp với trạm khuyến nông các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước hỗ trợ nhiều hộ dân khác sản xuất khảo nghiệm giống đậu phụng mới L23 trên những chân đất lúa bấp bênh nước tưới với quy mô 4ha/mô hình.

“Thực tế cho thấy, tất cả mô hình ở những địa phương vừa nêu đều cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1 sào đất trồng giống đậu phụng L23 mang lại cho nhà nông mức thu nhập hơn 3,4 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lại lãi ròng gần 2 triệu đồng, cao hơn 4 - 5 lần so với làm lúa” – ông Nghi nói.

Ông Lê Văn Để - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình cho biết, nhờ nông dân ứng dụng bài bản quy trình canh tác tiên tiến do đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyển giao nên toàn bộ 80 sào đất lúa sản xuất giống đậu phụng L23 của mô hình trình diễn ở xã Bình Đào đều mang lại hiệu quả cao.

Ông Để chia sẻ: “Nhờ sử dụng nguồn giống có chất lượng, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng và áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp nên tất cả ruộng đậu phụng L23 khảo nghiệm ít bị bệnh chết ẻo, gỉ sắt, đốm lá, sâu xanh gây hại hơn so với các chân ruộng đậu phụng canh tác trên đất màu”.

Theo tính toán của ông Để cũng như nhiều hộ dân tham gia mô hình, nếu trồng 1ha đậu phụng L23 xen canh với đậu xanh, đậu đỏ thì sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, tổng mức lãi ròng đạt được là 39,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu làm lúa, dù được mùa lắm cũng chỉ lãi khoảng 8,6 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình cho hay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nên những năm gần đây thời tiết diễn biến hết sức phức tạp khiến việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo ông Vũ, vì nắng nóng khốc liệt, hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên vụ hè thu nào Thăng Bình cũng có ít nhất 2.000ha đất sản xuất lúa hoặc phải bỏ hoang hoặc cho năng suất thấp.

Ông Vũ nói: “Thành công của mô hình trồng giống đậu phụng mới L23 trên những chân ruộng lúa bấp bênh nước tưới ở xã Bình Đào trong vụ sản xuất hè thu 2014 này được xem là một hướng mở để các cơ quan có trách nhiệm của huyện Thăng Bình sớm nghiên cứu hỗ trợ nông dân nhân ra diện rộng”.


Có thể bạn quan tâm

Hải Lăng thành công với giống lúa mới trên cánh đồng lớn Hải Lăng thành công với giống lúa mới trên cánh đồng lớn

Khảo nghiệm lúa là công việc được tiến hành thường xuyên và liên tục nhằm lựa chọn các giống lúa tối ưu nhất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán canh tác của địa phương để thay thế dần các giống lúa bị thoái hóa. Là huyện trọng điểm lúa của tỉnh, Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng đến công tác khảo nghiệm giống lúa mới để bổ sung và thay thế dần những giống cũ trong bộ giống lúa của huyện nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn.

21/05/2015
Vĩnh Long phối hợp chặt chẽ, đảm bảo không lây lan lở mồm long móng trên đàn bò Vĩnh Long phối hợp chặt chẽ, đảm bảo không lây lan lở mồm long móng trên đàn bò

Trước thực trạng lây lan bệnh lở mồm long móng từ bò của các chương trình, dự án sau khi hỗ trợ cho hộ có hoàn cảnh khó khăn đã sang bò địa phương ở một số nơi thời gian qua, Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long đã có buổi làm việc với đơn vị liên quan, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục.

21/05/2015
Ninh Thuận tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo số 1996/UBND-KTN ngày 18-5 về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

21/05/2015
Nông dân điêu đứng vì chưa tìm được đầu ra cho sữa bò Nông dân điêu đứng vì chưa tìm được đầu ra cho sữa bò

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi bò ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển, nhiều hộ dân làm giàu từ việc chăn nuôi bò, nhất là bò sữa. Tuy nhiên, hiện nay không ít người nuôi bò thấp thỏm lo âu vì doanh nghiệp thu mua sữa tuyên bố ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những hộ nuôi bò sữa mới phát sinh.

21/05/2015
Gỡ khó cho hộ nuôi gia súc Gỡ khó cho hộ nuôi gia súc

Thiếu vốn sản xuất, khó mở rộng mặt bằng, đầu ra chưa ổn định là ba khó khăn lớn nhất mà người chăn nuôi ngoại thành đang gặp phải hiện nay.

21/05/2015