Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Đậu Phộng Xen Sắn, Hiệu Quả Thấy Rõ Ở Phú Yên

Trồng Đậu Phộng Xen Sắn, Hiệu Quả Thấy Rõ Ở Phú Yên
Ngày đăng: 09/12/2012

Lâu nay, nông dân ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) trồng sắn theo phương thức quảng canh là chủ yếu nên năng suất thấp; đồng thời còn làm đất bị rửa trôi bạc màu, hoang hóa. Để sử dụng hợp lý tài nguyên đất canh tác sắn, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình trồng đậu phộng xen sắn trên đất đồi liên tục qua 4 vụ, chẳng những đã khắc phục được những tồn tại trên mà còn cho hiệu quả kinh tế cao. 
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, diện tích trồng sắn toàn huyện trong năm nay có 4.100 ha, năng suất đạt 18,5 tấn/ha, sản lượng 75.850 tấn. Tuy năng suất sắn có tăng so với những năm trước đây nhưng chưa tương xứng tiềm năng. Chính vì vậy, chọn được giống sắn chất lượng và canh tác bền vững theo cách xen canh với cây đậu phộng thì năng suất, chất lượng củ sắn sẽ nâng cao làm tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, đồng thời giữ cho đất không bị bạc màu.

Năm 2012 là lần thứ 4 liên tiếp, mô hình trồng đậu phộng xen sắn được thử nghiệm trên 2,5 ha tại xã Xuân Phước bằng giống đậu phộng LDH.01 và đậu lỳ (một giống đậu địa phương) được trồng xen với giống sắn SM 2075-18, KM 98-5, NA1 và BKA 900. Kết quả, mô hình cho thu nhập 67,3 triệu đồng/ha, so với trồng sắn thuần chỉ đạt 30,5 triệu đồng/ha; lãi ròng của mô hình trên 50 triệu đồng/ha. Năng suất của giống đậu phộng LDH.01 đạt 17,2 tạ/ha, trong khi đó giống đậu thuần chỉ gần 11 tạ/ha. Cũng qua mô hình này, năng suất sắn của các giống mới trồng khảo nghiệm dao động từ 27,2-40,5 tấn/ha, trong khi đó năng suất sắn giống KM94 (đối chứng) chỉ đạt từ 25-30 tấn/ha. Điều đáng quan tâm là hàm lượng tinh bột sắn trong mô hình đạt từ 25,2-26,5%, còn giống sắn KM94 chỉ đạt 23% độ bột. Cũng qua công tác khảo nghiệm, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân đã chọn các giống sắn SM 2075-18, KM 98-5, NA1 và BKA 900 thay thế giống KM94 bị bệnh chổi rồng.

Ông Lương Sơn ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước), một nông dân tham gia mô hình, cho biết: Mô hình này không những nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn bổ sung vào đất một lượng chất hữu cơ từ cây đậu phộng hạn chế thoái hóa đất. Khi trồng đậu phộng xen với sắn, cả hai loại cây này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, ít cỏ dại hơn. Còn ông Lê Duy Trinh ở thôn Phú Hội (xã Xuân Phước) cũng thực hiện mô hình cho rằng: Trồng đậu phộng xen sắn trên đất gò đồi cho năng suất, chất lượng cao. Mô hình này làm thay đổi tập quán trồng trọt của bà con nông dân, hạn chế trồng sắn thuần vì có chi phí cao do bón nhiều phân.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: “Huyện Đồng Xuân có địa hình đồi dốc lớn, mùa mưa dễ xói mòn. Nhiều vùng gò đồi qua trồng sắn một thời gian, đất bị rửa trôi, khó canh tác dẫn đến bỏ hoang. Với kỹ thuật trồng đậu phộng xen sắn đã cải thiện được vấn đề xói mòn, rửa trôi đất. Phát huy hiệu quả của mô hình, huyện đã tổ chức tập huấn cho 100 hộ nông dân để họ hiểu ý nghĩa, vai trò của việc trồng đậu phộng xen sắn, đồng thời nắm vững kỹ thuật thâm canh 2 loại cây trồng để cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của việc trồng đậu phộng xen sắn bằng giống mới để người nông dân chứng kiến tận mắt những thành quả mà mô hình mang lại”.

Còn tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho rằng: “Trồng đậu phộng xen sắn, trước mắt tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, còn về lâu dài là hướng đến sản xuất bền vững. Vì sau khi thu hoạch đậu phộng, một phần thân và lá dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, một phần được sử dụng để ủ và chế biến thành thức ăn vỗ béo bò. Từ kết quả mô hình trồng đậu phộng xen sắn ở huyện Đồng Xuân, chúng tôi đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đưa vào cơ cấu giống cây trồng, nhân rộng mô hình để nông dân canh tác bền vững”.


Có thể bạn quan tâm

Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Gạo Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Gạo Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.

26/08/2013
Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín Rô Mô - Mùa Sầu Riêng Chín

Chúng tôi muốn tham quan các vườn cây trái đẹp, nhưng thôn trưởng Võ Văn Lộc lắc đầu, vì hơn 70 hộ tạm trú làm vườn đều đã đóng cửa nhà đi chơi, ăn tết Đoan ngọ. Trong thôn chỉ còn một số nhà, trong đó có ông mà ông thì cũng đang rộn ràng với tết…

19/06/2013
Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn

Do chuột và sâu bệnh nên năng suất lúa hè thu năm nay của nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chỉ đạt 49 tạ/ha. Tuy nhiên, nỗi buồn này phần nào được bù đắp khi cây sắn vừa được mùa lẫn được giá.

27/08/2013
Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Trên Chim Cút Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Trên Chim Cút

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ 2/7/2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số hộ chăn nuôi chim cút tại tỉnh Tiền Giang; một số chim cút mắc bệnh và phải tiêu hủy là hơn 26 ngàn con, nguy cơ dịch lây lan sang đàn gia cầm là rất cao.

06/08/2013
Mô Hình Trồng Sắn Xen Đậu Phộng Cho Hiệu Quả Cao Mô Hình Trồng Sắn Xen Đậu Phộng Cho Hiệu Quả Cao

Nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến việc canh tác theo hướng xen canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; kỹ sư Đặng Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 3 đã thực hiện thành công mô hình trồng sắn xen đậu phộng ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).

07/08/2013