Trồng Chuối Thu Tiền Tỉ Mỗi Năm Từ Đồng Vốn Nhỏ

Khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng, sau vài năm trồng chuối và thêm cả buôn chuối, Phạm Năng Thành (xã Đại Tập, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã thu được trên 1 tỉ đồng mỗi năm.
Năm 2006, Thành đến với nghiệp trồng chuối sau khi đã nếm đủ mùi cay đắng với những vườn cam, vườn bưởi… năm nào cũng lỗ. Góp nhặt, vay mượn thêm anh em chòm xóm, bạn bè được 10 triệu đồng, Thành chọn cây chuối với niềm tin sẽ “lấy lại những gì đã mất”.
Mua cây chuối tiêu hồng giống xong, Thành bắt đầu trần mình hì hụi đào đất, trồng thử nghiệm trên mảnh ruộng rộng chừng 1 ha. Trong lúc chờ cây lớn, Thành tìm đến các bậc “tiền bối” trong nghề trồng chuối ở làng trên xóm dưới để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc chuối sao cho năng suất cao, quả to đều và trông bắt mắt.
Một nắng hai sương bón phân, tưới nước, tỉa lá, dọn cỏ dại cho vườn chuối, ngay mùa thu hoạch đầu tiên, Thành đã được nếm vị ngọt của sự thành công khi thu về vài chục triệu đồng. Thừa thắng xông lên, Thành mượn và thuê thêm đất, từng bước đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối. Sau mỗi vụ thu hoạch, vườn chuối của Thành lại rộng thêm, khi thì một héc ta, lúc vài ba héc ta. “Bây giờ em đã có trong tay 10 ha chuối. Mỗi đợt thu hoạch trừ chi phí, lúc đắt bù lúc rẻ, tính chung lãi ròng khoảng 4 triệu đồng/sào. Năm vừa rồi em đút túi trên 1 tỉ đồng đấy anh ạ”, Thành khoe.
Theo lời của chàng tỉ phú chân đất này, con số 1 tỉ này bao gồm cả tiền lãi từ việc buôn chuối. Ở mỗi xã trong vùng, Thành đặt một “vệ tinh”, thu gom chuối của người dân, rồi đem bỏ mối cho trên 30 đại lý ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chiếc xe tải vài chục tấn của Thành và hai chiếc xe thuê khác chạy suốt ngày đêm để chở chuối đi khắp nơi tiêu thụ. Vườn chuối và cửa hàng buôn chuối của vợ chồng Thành đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập ổn định khoảng 150.000 đồng/người/ngày.
“Chuối là loại cây dễ trồng, không phải quá kỳ công và tốn kém vốn liếng, thậm chí không cần chăm sóc thì cây vẫn trổ buồng và cho thu hoạch. Ai cũng có thể trồng được chuối. Nhưng để chuối đẹp thì cũng cần phải có kỹ thuật, giờ chúng em trồng chuối tập trung, quy mô nên chuối đẹp hơn ở các nơi khác. Càng chịu khó chăm sóc thì buồng chuối, nải chuối càng đẹp, dễ bán, hiệu quả kinh tế vì thế cũng càng cao”, Thành nói. Tỉ phú trồng chuối bật mí thêm, người trồng chuối chỉ cần nắm vững vài bí quyết không khó lắm, như làm thế nào để giữ tàu lá đến lúc chặt buồng vẫn xanh hoặc chụp bao ni lông như thế nào cho chuối thêm đẹp là có thể “sống được với cây chuối”.
Theo Thành, bây giờ ở khắp Khoái Châu và nhiều vùng quê khác trong tỉnh Hưng Yên đã có rất nhiều người trồng chuối và “sống được” nhờ cây chuối. Trong đó có không ít tỉ phú trồng chuối như Thành.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.

Năm 2014 được đánh giá là năm thắng lợi của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 3.294 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,3% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực đạt 479.554 tấn, bằng 101,3% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với năm 2013.

Với nhiều ngư dân thì có một chiếc tàu lớn đủ sức vươn khơi dài ngày đã là một sự chắt chiu trong nhiều năm, thậm chí cả đời vẫn không có. Thế nhưng ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), một ngư dân bỏ ra một số tiền “khủng” đóng mới 3 chiếc tàu công suất lớn cùng một lúc. Đó là anh Nguyễn Văn Hiền.

Sau một năm vươn khơi vật lộn với sóng dữ, đương đầu với thiên tai, hoạn nạn trên biển, nhiều tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn cũng mang đầy “thương tích”. Tranh thủ những ngày biển động bà con ngư dân lại hối hả đưa tàu lên bờ “làm nước” để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi dịp cuối năm.

Thời gian thực hiện mô hình được duy trì thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015). Con giống thực hiện mô hình là giống vịt bầu dòng bố, mẹ thuần chủng loại 10 ngày tuổi, được Trạm Khuyến nông huyện ký hợp đồng chuyển giao từ Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 122,3 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 85,2 triệu đồng.