Trồng Chuối Tây Bằng Phương Pháp Cấy Mô Thâm Canh Trên Đất Dốc Ở Hà Giang

Cuối năm 2012, HTX Vân Nam (Quang Bình - Hà Giang) triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô thâm canh trên đất dốc tại huyện Quang Bình”. Mô hình được thực hiện với mục tiêu chung đó là góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo sản phẩm hàng hóa; giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao thu nhập...
Qua khảo sát thực tế tại các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên cho thấy, các địa phương triển khai thành công mô hình trồng chuối bằng phương pháp cấy mô, hiện nay đã được tập trung nhân rộng. Trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô có ưu điểm là hệ số nhân giống cao, có thể sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, cây giống có độ đồng đều, mang đầy đủ đặc tính của cây mẹ đã tuyển chọn.
Ngoài ra còn có thể kiểm tra, loại bỏ được một số bệnh ở cây mà hình thức nhân giống thông thường không thể thực hiện được. Cây chuối tây trồng bằng giống cây cấy mô có tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng đồng đều, chu kỳ của một vụ được rút ngắn hơn, năng suất cao hơn phương pháp trồng hom từ 15 đến 20%. Qua thực tế khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác, nguồn nhân lực trên địa bàn huyện, HTX Vân Nam xây dựng Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô thâm canh trên đất dốc tại huyện Quang Bình” và được tỉnh phê duyệt. Dự án bắt đầu triển khai thực hiện vào những tháng cuối năm 2012, kết thúc mô hình vào tháng 11.2013. Mô hình thực hiện tại thôn Nà Tho, xã Tân Bắc, diện tích 2 ha trên đất dốc dưới 150, mật độ trồng 2.500 cây/ha tập trung.
Bước vào thực hiện mô hình, HTX Vân Nam đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chuối tây cấy mô cho các xã viên và người dân tham gia. Đồng thời ký kết hợp đồng cung cấp cây giống với Viện Khoa học Sự sống (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên). Đồng thời ký kết hợp đồng cung ứng phân bón với Công ty Vật tư huyện Quang Bình nhằm đảm bảo đủ lượng giống, phân bón đáp ứng yêu cầu thực hiện mô hình. Đến đầu tháng 12.2012, người dân thôn Nà Tho bắt đầu triển khai trồng tập trung trên diện tích đã đăng ký dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông.
Hiện nay, sau 3 tháng trồng, cây chuối tây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Về đầu ra cho sản phẩm, trên thị trường hiện có nhiều đơn vị đăng ký bao tiêu sản phẩm chuối tây phục vụ nội địa cũng như xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm trên địa bàn tỉnh cũng khá ổn định. Theo đánh giá, tính toán từ Dự án, với khả năng sinh trưởng, phát triển của cây chuối tây có chu kỳ thu hoạch trong 3 năm với giá cả thị trường hiện tại, dự kiến tổng thu nhập cho cả chu kỳ 3 năm đạt trên 215 triệu/ha, bình quân đạt trên 71 triệu/ha/năm.
Mô hình trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô trên đất dốc tại xã Tân Bắc bước đầu được đánh giá có khả năng thu nhập cao so với một số loại cây trồng khác, kỹ thuật và thực hiện không quá phức tạp. Thông qua mô hình, người dân cũng nắm bắt được kỹ thuật trồng chuối tây bằng phương pháp mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với hình thức trồng thông thường. Mô hình báo hiệu mở ra hướng sản xuất hàng hóa tập trung cũng như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Bên cạnh đó, sau khi dự án được triển khai, nhân rộng diện tích sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết nguồn thức ăn bổ sung phục vụ phát triển chăn nuôi, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng nguồn sinh thủy phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Có thể bạn quan tâm

"Phát triển cây cao su các tỉnh Bắc Trung Bộ" là chủ đề cuộc hội thảo vừa được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Sở NNPTNT Quảng Trị phối hợp tổ chức, ngày 30/10.

Năm nay không những nuôi tôm càng xanh đạt năng suất cao hơn hẳn các năm trước, mà giá tôm và thức ăn chăn nuôi cũng khá ổn định, nên nhiều hộ nuôi tôm ở Tân Phú (Đồng Nai) trúng lớn.

Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn xây dựng mô hình khép kín chăn nuôi heo siêu nạc, gia đình chị Nguyễn Thị Duy, thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc (Bố Trạch - Quảng Bình) thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này.

Đây là kết quả thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím trong điều kiện trái vụ trên địa bàn TP Hải Dương”.

Mô hình được triển khai tại thôn Bắc Phố, xã Thạch Hội huyện Thạch Hà với quy mô 1.480 con, tại 100 hộ gia đình. Với mục đích soạn thảo và ban hành quy chế nuôi lợn theo từng nhóm hộ có sự tham gia của hộ chăn nuôi; quy trình phòng dịch bệnh; nhằm từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm người chăn nuôi trong việc bảo vệ môi trường chung, đoàn kết, giúp đỡ nhau, từ đó hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống nông dân.