Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Cây Tam Thất Cần Thận Trọng Khi Tăng Diện Tích

Trồng Cây Tam Thất Cần Thận Trọng Khi Tăng Diện Tích
Ngày đăng: 17/07/2014

Tuy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, điều kiện thổ nhưỡng ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phù hợp, nhưng người dân nơi đây cần phải thận trọng khi mở rộng diện tích trồng loài cây này bởi sản phẩm chưa có đầu ra ổn định.

Trồng chơi, ăn thật

Là địa phương có nhiều vùng đất cát, trồng hoa màu kém hiệu quả nên những năm gần đây, các hộ dân ở xã Ninh Ích đã chuyển sang trồng cây tam thất. Hiện nay, toàn xã có hơn 2ha trồng cây tam thất, phần lớn là đất vườn ở các thôn: Tân Phú, Phú Hữu, Vạn Thuận, Tân Ngọc, Ngọc Diêm.

Ông Nguyễn Dân (thôn Tân Ngọc) cho biết: “Năm 2010, khi các hộ xung quanh rộ lên phong trào trồng cây tam thất, tôi cũng trồng vài chục gốc. Tam thất là cây thân mềm, rất dễ sống, có thể trồng bằng củ hay cây con ở những nơi đất cát, xốp, thoáng mát. Trồng dưới 1 năm, mỗi củ có thể đạt 1,5 lạng, hơn 1 năm có thể đạt 3 lạng”.

Hiện nay, gia đình ông Dân trồng hơn 100 cây tam thất. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 40kg củ. Với giá bán 350.000 - 400.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Trưởng thôn Tân Ngọc cho biết, hầu như hộ dân nào trong thôn cũng trồng cây tam thất. Nhà trồng ít thì 5, 7 chục cây, nhà trồng nhiều hơn 100 cây; có hộ trồng ở đất vườn trong nhà, cũng có người tận dụng chậu cây cảnh để trồng. Mới đầu, người dân chỉ trồng tam thất như là cây thuốc chữa những bệnh thông thường; nhưng gần đây, có nhiều người hỏi mua, bán được giá cao nên các hộ dân bắt đầu trồng để nâng cao thu nhập.

Ở thôn Tân Ngọc, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy là hộ trồng cây tam thất với quy mô lớn nhất xã với hơn 600 cây. Bà Thúy không chỉ bán củ tam thất mà còn bán cả lá và hoa để người ta làm trà thanh nhiệt. Trồng cây tam thất không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ tưới nước và bón phân chuồng nên chi phí khá thấp. Mỗi năm, bà Thúy thu được hơn 100 triệu đồng từ cây tam thất.

Đầu ra chưa ổn định

Theo nhiều hộ trồng cây tam thất, từ đầu năm đến nay, nhiều người ở các địa phương trong tỉnh như: TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, TP. Cam Ranh và ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến tận nhà mua củ tam thất. “Trồng cây tam thất phải gần 1 năm mới có củ, nhưng người mua thu gom với số lượng nhiều (khoảng 5 - 6kg/lần) nên tôi không có đủ để bán. Họ phải đi gom hết nhà này đến nhà khác”, bà Thúy nói.

Liên hệ với một số người đến mua tam thất ở xã Ninh Ích, chúng tôi được biết, phần lớn họ mua về để chữa bệnh chứ không phải kinh doanh. Vừa tìm đến nhà bà Thúy mua tam thất, ông Trần Minh Cảnh (đường Hoàng Diệu, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi thường dùng củ tam thất để cầm máu và bồi bổ cơ thể. Nghe ở Ninh Ích có trồng cây tam thất nên tôi tìm đến mua cho gia đình và bạn bè”.

Do đầu ra còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng cá nhân nên giá bán tam thất không ổn định, mạnh ai nấy bán, mỗi người một giá và có xu hướng giảm. Những năm trước, 1kg củ tam thất tươi có thể bán được 700.000 đồng, nhưng hiện nay chỉ còn 300.000 - 400.000 đồng, cũng có hộ chỉ bán với giá 200.000 đồng.

Tuy chưa có đầu ra ổn định nhưng khi thấy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc nên nhiều người dân ở Ninh Ích vẫn lên kế hoạch mở rộng diện tích. Ông Trương Quốc Tường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích cho biết: “Điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương khá phù hợp để trồng cây tam thất.

Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc vào kh`ách hàng nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, Ninh Ích là vùng thường xảy ra khô hạn. Nếu người dân mở rộng diện tích trồng cây tam thất thì cần phải tính toán đến nguồn nước tưới”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã phải chịu tổn thất lớn do sản xuất nông nghiệp theo trào lưu, không tính toán đến nhu cầu của thị trường. Do đó, người dân xã Ninh Ích cần thận trọng nếu muốn mở rộng diện tích trồng cây tam thất khi đầu ra chưa ổn định.

Ông Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa: Theo nhiều tài liệu y học cổ truyền, cây tam thất có tác dụng cầm máu, dùng trong các trường hợp chảy máu, bị đánh tổn thương, vì ứ huyết mà sưng đau. Ngoài ra, tam thất còn được xem là một vị thuốc bổ không kém nhân sâm, dùng thay nhân sâm.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Mít Nghệ Làm Giàu Từ Mít Nghệ

Bên cạnh hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, cây mít nghệ cũng đang là loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi xã nghèo Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).

22/07/2014
Tập Huấn “Kỹ Thuật Sản Xuất Và Ương Ngao Giống” Tập Huấn “Kỹ Thuật Sản Xuất Và Ương Ngao Giống”

Tại lớp tập huấn, học viên được nghe giảng về nhiều nội dung. Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên được đi tham quan Trại Sản xuất giống ngao Cồn Cống, tỉnh Tiền Giang.

08/12/2014
Mặt Hàng Nông Sản Xuất Khẩu Của Lâm Đồng Không Bị Nhiễm Dư Lượng Dioxin Mặt Hàng Nông Sản Xuất Khẩu Của Lâm Đồng Không Bị Nhiễm Dư Lượng Dioxin

Trong tháng 9/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin về hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin (chất độc Màu da cam) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nước ta, nhất là thị trường xuất khẩu trà.

08/12/2014
Trăn Trở Đầu Ra Sản Phẩm Táo Trăn Trở Đầu Ra Sản Phẩm Táo

Mặc dù thời gian “định cư” ở Ninh Thuận chưa lâu nhưng cây táo xanh đã nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Táo Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, đầu ra bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường là thực tế khiến nhiều nông dân lo lắng.

22/07/2014
Xã Hiệp An (Đức Trọng) Trồng 245ha Lay-Ơn Phục Vụ Thị Trường Tết Xã Hiệp An (Đức Trọng) Trồng 245ha Lay-Ơn Phục Vụ Thị Trường Tết

Ngày 4/12, ông Vương Hưng Tuân cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, nông dân trong xã đã trồng được 380ha hoa lay-ơn, trong đó có 245ha dự tính sẽ nở vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

08/12/2014