Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Cây Tam Thất Cần Thận Trọng Khi Tăng Diện Tích

Trồng Cây Tam Thất Cần Thận Trọng Khi Tăng Diện Tích
Ngày đăng: 17/07/2014

Tuy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, điều kiện thổ nhưỡng ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phù hợp, nhưng người dân nơi đây cần phải thận trọng khi mở rộng diện tích trồng loài cây này bởi sản phẩm chưa có đầu ra ổn định.

Trồng chơi, ăn thật

Là địa phương có nhiều vùng đất cát, trồng hoa màu kém hiệu quả nên những năm gần đây, các hộ dân ở xã Ninh Ích đã chuyển sang trồng cây tam thất. Hiện nay, toàn xã có hơn 2ha trồng cây tam thất, phần lớn là đất vườn ở các thôn: Tân Phú, Phú Hữu, Vạn Thuận, Tân Ngọc, Ngọc Diêm.

Ông Nguyễn Dân (thôn Tân Ngọc) cho biết: “Năm 2010, khi các hộ xung quanh rộ lên phong trào trồng cây tam thất, tôi cũng trồng vài chục gốc. Tam thất là cây thân mềm, rất dễ sống, có thể trồng bằng củ hay cây con ở những nơi đất cát, xốp, thoáng mát. Trồng dưới 1 năm, mỗi củ có thể đạt 1,5 lạng, hơn 1 năm có thể đạt 3 lạng”.

Hiện nay, gia đình ông Dân trồng hơn 100 cây tam thất. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 40kg củ. Với giá bán 350.000 - 400.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Trưởng thôn Tân Ngọc cho biết, hầu như hộ dân nào trong thôn cũng trồng cây tam thất. Nhà trồng ít thì 5, 7 chục cây, nhà trồng nhiều hơn 100 cây; có hộ trồng ở đất vườn trong nhà, cũng có người tận dụng chậu cây cảnh để trồng. Mới đầu, người dân chỉ trồng tam thất như là cây thuốc chữa những bệnh thông thường; nhưng gần đây, có nhiều người hỏi mua, bán được giá cao nên các hộ dân bắt đầu trồng để nâng cao thu nhập.

Ở thôn Tân Ngọc, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy là hộ trồng cây tam thất với quy mô lớn nhất xã với hơn 600 cây. Bà Thúy không chỉ bán củ tam thất mà còn bán cả lá và hoa để người ta làm trà thanh nhiệt. Trồng cây tam thất không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ tưới nước và bón phân chuồng nên chi phí khá thấp. Mỗi năm, bà Thúy thu được hơn 100 triệu đồng từ cây tam thất.

Đầu ra chưa ổn định

Theo nhiều hộ trồng cây tam thất, từ đầu năm đến nay, nhiều người ở các địa phương trong tỉnh như: TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, TP. Cam Ranh và ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến tận nhà mua củ tam thất. “Trồng cây tam thất phải gần 1 năm mới có củ, nhưng người mua thu gom với số lượng nhiều (khoảng 5 - 6kg/lần) nên tôi không có đủ để bán. Họ phải đi gom hết nhà này đến nhà khác”, bà Thúy nói.

Liên hệ với một số người đến mua tam thất ở xã Ninh Ích, chúng tôi được biết, phần lớn họ mua về để chữa bệnh chứ không phải kinh doanh. Vừa tìm đến nhà bà Thúy mua tam thất, ông Trần Minh Cảnh (đường Hoàng Diệu, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi thường dùng củ tam thất để cầm máu và bồi bổ cơ thể. Nghe ở Ninh Ích có trồng cây tam thất nên tôi tìm đến mua cho gia đình và bạn bè”.

Do đầu ra còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng cá nhân nên giá bán tam thất không ổn định, mạnh ai nấy bán, mỗi người một giá và có xu hướng giảm. Những năm trước, 1kg củ tam thất tươi có thể bán được 700.000 đồng, nhưng hiện nay chỉ còn 300.000 - 400.000 đồng, cũng có hộ chỉ bán với giá 200.000 đồng.

Tuy chưa có đầu ra ổn định nhưng khi thấy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc nên nhiều người dân ở Ninh Ích vẫn lên kế hoạch mở rộng diện tích. Ông Trương Quốc Tường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích cho biết: “Điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương khá phù hợp để trồng cây tam thất.

Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc vào kh`ách hàng nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, Ninh Ích là vùng thường xảy ra khô hạn. Nếu người dân mở rộng diện tích trồng cây tam thất thì cần phải tính toán đến nguồn nước tưới”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã phải chịu tổn thất lớn do sản xuất nông nghiệp theo trào lưu, không tính toán đến nhu cầu của thị trường. Do đó, người dân xã Ninh Ích cần thận trọng nếu muốn mở rộng diện tích trồng cây tam thất khi đầu ra chưa ổn định.

Ông Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa: Theo nhiều tài liệu y học cổ truyền, cây tam thất có tác dụng cầm máu, dùng trong các trường hợp chảy máu, bị đánh tổn thương, vì ứ huyết mà sưng đau. Ngoài ra, tam thất còn được xem là một vị thuốc bổ không kém nhân sâm, dùng thay nhân sâm.


Có thể bạn quan tâm

Èo uột rau VietGAP Èo uột rau VietGAP

Mặc dù vùng rau sạch Ninh Đông (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã được công nhận đủ điều kiện SX nông nghiệp tốt (VietGAP) song vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm.

11/09/2015
Nuôi nhím hết thời Nuôi nhím hết thời

Nghề nuôi nhím sinh sản một thời hái ra tiền, “một vốn bốn lời”, “buôn tài không bằng xài lông nhím”. Nhà nhà đua nhau nuôi nhím.

11/09/2015
1 sào đậu tương = 3 sào lúa 1 sào đậu tương = 3 sào lúa

Đậu tương vốn là cây trồng tưởng chỉ xuất hiện ở vụ đông nhưng Hà Nội đang đi tiên phong trong phát triển đậu tương hè với năng suất và hiệu quả kinh tế thực sự gây ấn tượng…

11/09/2015
Nhãn chín muộn Hà Nội Nhãn chín muộn Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều giống nhãn muộn nhưng phổ biến là HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm là quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình 50 - 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác tới 30 - 45 ngày.

11/09/2015
Tiến bộ kỹ thuật sản xuất vụ đông Tiến bộ kỹ thuật sản xuất vụ đông

Nhiều giải pháp kỹ thuật trong SX vụ đông đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) giới thiệu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả SX nông sản.

11/09/2015