Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng cây địa liền ở thôn Nam Hả Trong (Ba Chẽ - Quảng Ninh)

Trồng cây địa liền ở thôn Nam Hả Trong (Ba Chẽ - Quảng Ninh)
Ngày đăng: 18/08/2015

Nam Hả Trong có 121 hộ dân thì hầu hết bà con đều trồng địa liền, người ít cũng vài trăm m2, người nhiều lên tới khoảng 1ha, từ địa liền đã giải quyết được nhiều cái khó cho cuộc sống của họ. Trước đó bà con chỉ trồng lúa, thế nhưng toàn thôn chỉ có hơn 16ha ruộng cấy, các thửa ruộng manh mún, nằm xen kẽ với rừng đồi, hệ thống kênh mương của thôn chưa được hoàn chỉnh, nên việc cấy trồng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước thiên nhiên. Nếu như chỉ trông chờ vào lúa, màu thì bà con Nam Hả Trong rất khó thoát nghèo. Trước đây, lác đác trong thôn cũng đã có hộ trồng địa liền, nhưng chỉ có một vài khóm để phòng khi “trái gió trở trời” chữa bệnh cho người trong gia đình. Năm 2008, nhận thấy địa liền là cây phù hợp với thổ đất của xã Nam Sơn, nhiều hộ trong xã đã trồng theo hướng sản xuất hàng hóa với diện tích lớn.

Đặc tính của địa liền có thể trồng xen kẽ với các loại cây khác, cây rất ít phải tưới tiêu, củ sau khi thu hoạch có thể bảo quản được lâu, thậm chí để vài tuần không hao cân, không mất mùi. Vào dịp sau Tết Nguyên đán, người dân bắt tay vào trồng, khoảng 10 tháng sau địa liền được thu hoạch, ước tính năng suất khoảng 6 tấn củ/ha. Ông Trìu Văn Thức là người có thâm niên trồng địa liền ở thôn Nam Hả Trong, ông bảo: “Từ trồng địa liền, thu nhập của người dân Nam Hả Trong cao hơn nhiều lần so với trước đây. Đặc tính của loài này không ưa nước, trong khi các sườn đồi dốc khi tạnh mưa là nước thoát đi ngay.

Sau khi bà con thu hoạch củ, còn thân cây bỏ lại, phân hủy trở thành nguồn chất bón hữu cơ tự nhiên cho các rừng keo rất tốt”. Từ các kết quả này, năm 2012, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã Nam Sơn đã hỗ trợ 50% tiền giống cho các hộ trồng địa liền. Người dân tăng dần diện tích trồng, kể từ năm 2013 đến nay, bà con thu hoạch được từ 90 - 100 tấn củ hàng năm.

Địa liền thuộc họ gừng không sợ bị chuột ăn. Người dân Nam Hả Trong nhiều năm còn phải đối mặt với nạn chuột rừng vào cắn lúa, chuột cắn cây lúa từ khi đang làm đòng cho đến khi lúa gia hạt, có những năm Nam Hả Trong bị mất khoảng 30% diện tích lúa do bị chuột cắn. Do vậy, cây địa liền là “cứu cánh” về kinh tế của thôn. Đa phần người trồng địa liền đều nhận định đây là loài cây giúp họ thoát nghèo, vì củ bán được quanh năm, không phải thu hoạch dồn dập liền một lúc như lúa hay nhiều loài cây ăn quả khác, nên không bị bán dồn, bán ép. Từ năm 2008 đến nay, khi địa liền gắn liền với kinh tế của thôn, hàng năm Nam Hả Trong có từ 2 - 5 hộ thoát nghèo, hiện nay thôn chỉ còn 10 hộ nghèo. Nhiều hộ bán địa liền mua sắm được các vật dụng đắt tiền trong nhà như ti vi, xe máy...

Tuy củ địa liền có giá trị kinh tế như thế, nhưng diện tích trồng địa liền của xã Nam Sơn vẫn khiêm tốn, chủ yếu ở thôn Nam Hả Trong khoảng 12ha và lác đác ở các thôn Lò Vôi, Bằng Lau mỗi nơi khoảng 5ha. Dù địa liền có thể trồng xen kẽ với các diện tích keo, thế nhưng nhiều thôn trồng keo của Nam Sơn người dân vẫn không trồng địa liền. Các thôn đã trồng địa liền được lâu năm không tăng thêm diện tích, đôi khi còn giảm đi, lý do vì giá địa liền hàng năm đều tụt xuống một chút so với năm trước.

Năm 2008, bà con bán được 27.000 đồng/kg củ, nay giá địa liền chỉ còn dao động từ 9.000 - 14.000 đồng/kg. Nguyên nhân do đầu ra của loại củ này chưa được mở rộng, người trồng địa liền thu hoạch bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc bị phụ thuộc về giá cả. Tuy địa liền không cần thu hoạch ngay vào mùa vụ, nhưng thời gian cầm chừng đó cũng chỉ kéo dài một vài tháng, người dân vẫn phải đào lên dù bán chưa được giá.

Địa liền từ lâu đã được người dân Việt Nam dùng làm thuốc, hoặc ngâm rượu để chữa các loại bệnh về đường tiêu hóa như dạ dày, đau bụng hoặc tức ngực, đau răng… Thiết nghĩ, loại củ này rất quen thuộc với người dân, lại rất hữu ích, nhưng Nam Sơn vẫn còn là xã nghèo, người dân mới biết trồng cây, vẫn còn xa lạ với việc tiếp thị để bán sản phẩm của mình, nên rất cần sự vào cuộc của xã, huyện để tạo hướng đi bền vững cho người dân nơi đây.


Có thể bạn quan tâm

Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm trong mùa mưa Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm trong mùa mưa

Đang là mùa mưa nên nhiệt độ thường giảm xuống, các chỉ số môi trường thay đổi liên tục; Do đó người nuôi tôm ở Sóc Trăng cần theo dõi thông tin khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là thông báo quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, diễn biến thời tiết, cảnh báo dịch bệnh… để bà con có 1 vụ nuôi thành công.

24/07/2015
Nỗ lực cứu sò huyết Ô Loan Nỗ lực cứu sò huyết Ô Loan

Sò huyết Ô Loan là đặc sản của Phú Yên, nhưng nhiều năm nay loài thủy sản này gần như bị cạn kiệt. Nuôi sò huyết là công việc mới nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu của đầm Ô Loan. Hiện Nhà nước đang đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi nhằm từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho người dân địa phương.

24/07/2015
40 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP 40 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP

Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 40 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Trong đó có 30 cơ sở nuôi cá tra, diện tích khoảng 224ha, 6 cơ sở tôm nước lợ, với khoảng 160ha.

24/07/2015
Quy hoạch vùng nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bớt nỗi lo cho người nuôi tôm Quy hoạch vùng nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bớt nỗi lo cho người nuôi tôm

Lâu nay, người nuôi tôm thường gặp khó khăn do dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, đầu ra cho sản phẩm cũng rất bấp bênh. Trước tình hình này, Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải (Bạc Liêu) quy hoạch lại vùng nuôi tôm sạch, liên kết với doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ con giống, chế phẩm vi sinh, bao tiêu sản phẩm… Từ đó giảm bớt nỗi lo cho người nuôi tôm trong huyện.

24/07/2015
Quảng Ninh thí điểm kế hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản Vịnh Hạ Long-Cát Bà Quảng Ninh thí điểm kế hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản Vịnh Hạ Long-Cát Bà

Tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chọn làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long để thực hiện thí điểm tiểu dự án 2 “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà” - dự án về lĩnh vực phát triển, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

24/07/2015