Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Ca Cao Xen Dưới Tán Xoài

Trồng Ca Cao Xen Dưới Tán Xoài
Ngày đăng: 22/04/2012

Những năm gần đây, cây ca cao được người dân huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) trồng xen dưới tán điều, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho không ít gia đình. Mới đây, tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), gia đình ông Huỳnh Văn Tiên đã thí điểm mô hình ca cao trồng xen dưới tán xoài, bước đầu khá hiệu quả.

Có mặt tại vườn ca cao trồng xen dưới tán xoài của gia đình ông Huỳnh Văn Tiên, thôn 4, xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy vườn ca cao xanh tốt, cây nhiều bông, xen lẫn dưới vườn xoài đầy trái. Lân la trò chuyện mới biết “cơ duyên” ông Tiên gắn bó với cách làm tương đối mới này. Khi thấy người dân các địa phương trong tỉnh có nguồn thu nhập kinh tế khá từ việc trồng ca cao dưới tán điều đã thôi thúc vợ chồng ông nghĩ ngay đến khu vườn trồng xoài của mình.

Thành quả đã đến với gia đình ông Huỳnh Văn Tiên khi vườn ca cao trồng xen dưới tán xoài cho trái.

Ban đầu ông nghĩ, ca cao chỉ trồng xen dưới tán điều là phù hợp, còn dưới tán xoài thì sao, khả năng sinh trưởng, phát triển và cho trái có hiệu quả không? Giữa 2 loại cây này có cạnh tranh dinh dưỡng, ảnh hưởng đến việc cho trái hay không?... Hàng loạt câu hỏi được ông đặt ra nhưng rồi với ý chí, ông quyết thử nghiệm ngay. Đầu tháng 6/2010, khu vườn 1 ha trồng xoài của ông đón hơn 32 hộ gia đình và cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Hàm Thuận Bắc) đến tổ chức buổi hội thảo đầu bờ về cách trồng ca cao. Được học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng ca cao xen dưới cây tạo bóng mát trên vùng đất phù hợp, ông mạnh dạn triển khai mô hình. Không bao lâu vườn xoài đã được thử nghiệm với 700 cây ca cao trồng xen. Ông Tiên cho biết, “Khi mới trồng cũng lo lắng lắm, nhưng mình quyết thì làm thôi, chăm sóc ca cao dưới tán xoài cũng giống như dưới tán điều. Nhưng chú trọng khâu tưới nước và bón phân nhiều đợt, cây sẽ sinh trưởng, phát triển nhanh. Qua 2 năm, cây cao to, tán xum xuê và đã cho trái nhiều”.

Thấy mô hình trồng xoài xen ca cao phát triển tốt, vợ chồng ông có phần yên tâm. Với nguồn vốn đầu tư trên 20 triệu đồng không phải là nhỏ đối với gia đình làm nông, vì thế chi phí bón phân, xịt thuốc được ông tính rất chu đáo, kỹ lưỡng, nhờ vậy mà tiết kiệm được chi phí rất nhiều. “Trong quá trình chăm sóc, thấy ca cao trồng xen dưới tán xoài cũng rất tiện lợi. Khi tưới nước, bón phân cho xoài thì ca cao cũng hấp thụ được nguồn dinh dưỡng và ngược lại. Giữa năm 2011 vườn ca cao cho trái lần đầu, tôi tiến hành lặt bỏ để nuôi dưỡng cây, lứa thứ hai mới cho đậu trái, hiện vườn ca cao đang ra bông, kết trái non rất nhiều, khả năng mang lại hiệu quả kinh tế trong năm nay là khả quan”, ông Tiên nói.

Không riêng gì ca cao sinh trưởng và cho trái tốt, mà vườn xoài cát Hòa Lộc 1 ha (10 năm tuổi) hàng năm cũng cho thu nhập khá cao. Mùa xoài vừa rồi, ông thu trên 7 tấn, trừ chi phí, lãi hơn 40 triệu đồng. Hiện vườn xoài có thêm cây ca cao, theo tính toán của ông thì trong năm nay, ca cao bắt đầu cho thu nhập, lúc đó hiệu quả sẽ cao hơn là điều chắc chắn.

Những năm qua, người dân Bình Thuận chỉ chú trọng đến việc trồng ca cao dưới tán điều. Thực tế tham quan mô hình ca cao trồng xen dưới tán xoài mới thấy ý chí và khát vọng của vợ chồng người nông dân nghèo nơi đây. Mô hình bước đầu thành công, người dân các địa phương nếu có điều kiện thuận lợi, nên mạnh dạn áp dụng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

Gạo Việt nhưng phải dùng bao bì nước ngoài để bán trong siêu thị Gạo Việt nhưng phải dùng bao bì nước ngoài để bán trong siêu thị

Hiện chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam vì gạo Việt Nam chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu.

09/11/2015
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ngày càng cao Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ngày càng cao

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.

09/11/2015
Không thương hiệu gạo Việt khó cạnh tranh Không thương hiệu gạo Việt khó cạnh tranh

Chuyển động sau khi TPP được công bố, VN phải thay đổi từ khâu chọn giống, sản xuất cho đến việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo..

09/11/2015
Gạo Việt biến mất trên thị trường hội nhập Gạo Việt biến mất trên thị trường hội nhập

Gạo Việt dường như biến mất trên thị trường thế giới vì không có thương hiệu và bị các nước nhập khẩu “thay tên, đổi chủ”.

09/11/2015
Nói chăn nuôi thua khi vào TPP là biện hộ cho trì trệ Nói chăn nuôi thua khi vào TPP là biện hộ cho trì trệ

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để ngành chăn nuôi sống tốt trong sân chơi TPP cần đổi mới phương thức sản xuất.

09/11/2015