Trồng Bơ Xen Cà Phê

Những năm gần đây, cây bơ ghép BLĐ (bơ Lâm Đồng) có mã số từ 01 – 036 cho năng suất cao và chất lượng tốt, được nhiều người dân ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, chọn trồng xen canh trong diện tích chè, cà phê vừa làm cây che bóng mát, vừa tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Nhờ trồng loại cây này nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu, điển hình là anh Nguyễn Đăng Trung ở xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, anh không chỉ giỏi về canh tác cây bơ mà còn đi tiên phong ghép giống bơ đầu dòng tạo ra thế hệ bơ mới có năng suất và chất lượng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Bảo Lâm cho biết: “Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu quanh năm mát mẻ, cây bơ sáp ở tỉnh Lâm Đồng nói chung, huyện Bảo Lâm nói riêng, phát triển rất mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng chất béo cao, thịt mịn và dẻo. Để mô hình trồng cây bơ phát triển bền vững, Phòng NN – PTNT phối hợp Trạm Khuyến nông thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trị một số bệnh trên cây bơ cho nông dân".
Hiện toàn huyện Bảo Lâm đã trồng được trên 300ha bơ, trong đó có một số trồng mới và hầu hết đã có thu hoạch, chủ yếu trồng xen trong diện tích chè và cà phê. Phòng NN- PTNT cũng đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu cây bơ sáp của huyện Bảo Lâm, định hướng trong những năm tới khuyến cáo nông dân tiếp tục mô hình trồng xen hiệu quả này.
Anh Nguyễn Đăng Trung cho biết, năm 2003 anh mua được một số cây bơ giống (một trong những giống bơ đầu dòng có mã số BLĐ 001 – 0010 của tỉnh) về trồng. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật cây bị chết gần hết, anh mày mò tìm kiếm thông tin trên sách báo và đặc biệt được kỹ sư Phạm S, cán bộ Sở NN-PTNT thời điểm đó trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trị một số bệnh trên cây bơ.
Anh Trung nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn bơ của mình, chỉ 2 năm sau cây bơ phát triển tốt cây nào cây nấy lúc lỉu quả, cho năng suất và chất lượng cao, nhiều trái đạt từ 1 – 1,2 kg, bán được giá cao gấp nhiều lần so với bơ bình thường. Từ những thành công ban đầu, anh vừa trồng vừa nghiên cứu ghép thêm giống mới, tới nay trang trại của anh đã có 700 cây bơ (cây 8 năm tuổi để làm chồi ghép) giống đầu dòng sạch bệnh, cho năng suất đạt từ 250 – 300kg trái/cây/năm.
Anh Trung cho hay, cây bơ rất dễ trồng, có thể trồng chuyên canh hoặc trồng xen canh trong vườn chè, vườn cà phê, vừa làm cây che bóng mát, vừa tăng thu nhập. Nếu trồng chuyên canh khoảng cách 6m x 6m, 1 ha trồng khoảng 260 cây; nếu trổng xen canh khoảng cách 10 m x 10m, 1 ha trồng 100 cây.
Cách trồng: Đào hố vuông, trộn phân chuồng hoai mục và đất mùn san phẳng, dùng dao sắc rạch bịch, hạ cây bơ giống xuống lấp chặt xung quanh, nếu trời mưa không cần tưới. Phân bón chủ yếu dùng phân NPK 20 – 20 - 10 với lượng không đáng kể, khi cây phát triển tốt sẽ bón tăng liều lượng theo năm tuổi.
Năm 2009 Sở NN – PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thi "Cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3", giống bơ ghép của anh Trung lọt vào tiêu chí bình chọn, được khảo sát, so sánh và cuối cùng hội đồng khoa học chọn và công nhận vườn bơ đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, đó là những cây có mã số: BLĐ 004; 005; 007; 012; 018; 034; 036. Hiện nay, mỗi năm anh cung cấp cho bà con nông dân khoảng 30.000 – 40.000 cây giống. Giá cả từ 25.000 – 40.000 đ/cây, tùy từng loại giống.
Ông Phạm Văn Hiệu, thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cho biết, trước đây gia đình trồng 3 ha cà phê, mấy năm trước cà phê rớt giá, nhiều người vội cưa bỏ để trồng chè cành hoặc cây khác. Đang loay hoay không biết nên để cây cà phê hay phá, thì có một người bạn giới thiệu, ở Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm chè và cây ăn quả Lâm Đồng đang có giống bơ sáp hay lắm, tôi liền đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Sau một thời gian cây bơ phát triển tốt, cây nào cũng quá trời trái. Tới nay cây bơ trồng đã được 8 năm rồi, năng suất cao, chất lượng tốt, bán có giá, bơ loại 1 bán từ 20.000 – 30.000đ/kg, bơ trái vụ tại thành phố Bảo Lộc, bán từ 70.000 – 80.000đ/kg.
Ông Hiệu cho hay, trồng xen cây bơ trong cà phê như vậy, năng suất cây cà phê hoàn toàn không bị giảm, mà ngược lại còn tăng thêm. Trồng xen cây bơ, vừa làm bóng mát, vừa chắn gió, vừa giữ độ ẩm, đỡ công tưới cho cà phê, giảm chi phí đầu tư. Năng suất cà phê đạt 4,5 tấn/ha, trong khi trồng độc canh cây cà phê năng suất bình quân đạt từ 3 – 3,5 tấn/ha.
Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 750 ha cây bơ trồng xen trong vườn cà phê, chè, trồng tập trung ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến đầu tháng 11, tiến độ sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Cẩm Khê vẫn được đẩy nhanh tốc độ. Cùng với chăm sóc các loại rau màu đã trồng, tiếp tục mở rộng diện tích rau, đậu, đỗ trong khung lịch cho phép, công tác phòng trừ sâu bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đợt II/2014 được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.

Theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi đến thăm, tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của một số cây trồng vụ đông ở xã Thành Hưng. Là xã sản xuất vụ đông khá phát triển của huyện Thạch Thành, với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, như: cây ngô, dưa chuột xuất khẩu, rau màu các loại...

Thực hiện phương châm “Gắn bảo vệ rừng với trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền để cán bộ và nhân dân nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác bảo vệ và trồng mới rừng.

Thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Hoằng Hóa đã tuyên truyền, vận động, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp và ký hợp đồng ủy thác cho nông dân vay vốn sản xuất.

Đáng chú ý, vụ đông năm nay, toàn tỉnh có 1.675 ha rau màu các loại đã được các công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm; trong đó, có 845 ha ớt, 280 ha ngô giống, 250 ha ngô ngọt và gần 300 ha dưa bao tử, dưa chuột. Ngoài những diện tích được bao tiêu sản phẩm, năm nay nhiều loại rau quả có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ lớn được đưa vào sản xuất và mở rộng diện tích, như: bí xanh, cà chua, măng tây...