Trồng Bí Rợ Hồ Lô Lãi Cao

An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển đều khắp nhờ có nhiều ưu thế về thổ nhưỡng, đặc biệt đất phù sa màu mỡ. Tính đến đầu năm 2013, An Giang có tới 23.930 ha đất trồng màu các loại. Những loại rau củ trồng có hiệu quả nhất hiện nay gồm các loại rau xanh, khoai lang, khoai mì, khoai cao, dưa hấu, dưa leo, bí rợ… Bí rợ (có nơi còn gọi là bí ngô, bí đỏ) gồm có nhiều giống khác nhau, hình dạng cũng khác nhau, từ loại trái tròn, dài, dẹp, oval cho đến hình hồ lô trông rất đẹp mắt. Ruột bí có loại màu vàng tươi, vàng đỏ hoặc cam, nhiều hạt. Thường loại bí nào thịt cũng dẻo, cũng ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn.
Ông Trần Văn Diễu ở ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang có 7 công đất trồng bí rợ hồ lô. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi vụ còn lời trên 15 triệu đồng. Ông cho biết, bí hồ lô là giống bí mới có năng suất cao (2 tấn/ công), vỏ dày, bảo quản được lâu ngày và bán được giá (5.000 đ/kg), bình quân mỗi trái cân nặng từ 1 - 1,5 kg.
So với các loại bí khác, bí hồ lô có nhiều ưu thế hơn, thời gian trồng chỉ mất 75 ngày kể từ khi xuống giống đến thu hoạch. Nếu muốn cho trái bảo quản được lâu, người trồng có thể kéo dài thêm thời gian cho trái chín già, vỏ cứng. Bí rợ trồng được quanh năm nhưng thích hợp nhất là vụ đông xuân. Thường sau vụ dưa người ta có thể trồng thêm bí rợ hoặc trồng trên ruộng lúa, vườn với điều kiện đất phải khô ráo, xung quanh đê bao chắc chắn.
Ông Diễu chia sẻ kinh nghiệm, đất trồng bí rợ hồ lô phải tơi xốp; giữa các liếp trồng phải có rãnh để thoát nước; dây bí rợ sinh trưởng tốt trong điều kiện cường độ ánh sáng mạnh, khả năng chịu hạn tốt nhưng tuyệt đối không để cho bị úng. Muốn cho dây bí phát triển tốt, trái to và chất lượng cao người trồng phải bón phân, cần nhất là bón lót gồm phân chuồng, vôi và NPK. Ngoài ra còn phải bón thúc lần I và lần II để giúp cho dây phát triển mạnh. Sau khi dây bí hồ lô ra nụ không cần rải phân nữa. Thường bông đực ra nhiều gấp 20 lần bông cái nên muốn cho trái đậu nhiều, ngoài thụ phấn tự nhiên, nên thụ phấn nhân tạo bằng cách ngắt bông bí đực úp lên bông bí cái. Thời gian thực hiện tốt nhất là từ 7 - 8 giờ sáng.
Bí rợ hiện nay được thị trường ưa chuộng vì đây là loại thực phẩm dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin A, đạm, chất béo và chất bột đường. Bí rợ có thể làm thành nhiều món ngon bổ dưỡng như nấu canh, hầm, xào. Ngoài trái ra, người ta còn sử dụng cả bông bí và đọt bí rất ngon và giàu chất xơ. Theo y học cổ truyền, bí rợ ăn thường xuyên giúp cho nhuận tràng, trị được bệnh tiểu đường và đề phòng bệnh tim mạch.
Ông Phạm Thanh Tâm, phó trưởng phòng NN&PTNT huyện An Phú cho biết, việc chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu tại An Giang là một hướng đi rất phù hợp với quá trình phát triển nông nghiệp của nước ta, đặc biệt là trồng theo hướng an toàn chất lượng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế nhưng Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (đều sinh năm 1990) không nộp đơn xin việc làm với chuyên ngành đã học mà lập trại nuôi thỏ tại xã Bình Nam (Thăng Bình - Quảng Nam).

Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.

Ngày 27/11/2013, tại Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã tổ chức buổi họp báo "Hội thi – Triển lãm Bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh lần IV - năm 2013". Được biết, hiện nay tổng số lượng bò sữa của TP khoảng 90.000 con, với chu kỳ cho sữa trung bình hàng năm là 6000 lít/con/chu kỳ cho sữa.

Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.

Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) là địa phương vốn có truyền thống trồng lạc thương phẩm, nhưng từ khi tham gia liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống thuộc “dự án cạnh tranh nông nghiệp”, bà con ở đây không chỉ có thêm thu nhập mà mở ra hướng làm ăn mới.