Trộm Cả Cam, Bưởi

Trong 2 tháng qua, nhiều nhà vườn trồng cam sành và bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ở ĐBSCL phải mất ăn, mất ngủ vì nạn trộm. Dù đã có kẻ bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhưng nạn trộm cắp vẫn chưa có chiều hướng giảm vì giá 2 loại nông sản này đang sốt
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có hơn 26.000 ha cây ăn trái. Trong đó, cam sành và bưởi chiếm hơn 20.000 ha. Đây cũng là địa phương đã xảy ra khá nhiều vụ trộm cam, bưởi. Do chưa đến kỳ thu hoạch rộ cộng với việc thời tiết năm nay không thuận lợi nên cam và bưởi ở ĐBSCL đang hút hàng.
Bán cả trái non
Thông thường, lúc thu hoạch rộ, bưởi Năm Roi bán theo chục chứ hiếm khi cân ký, có lúc giá chỉ khoảng 10.000 đồng/3 trái (hơn 1 kg). Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, thương lái đã vào tận vườn mua bưởi Năm Roi từ 16.000 đồng đến 22.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 35.000 đồng đến 38.000 đồng/kg.
Trước đây, giá cam sành có lúc chỉ còn vài ngàn đồng, nay tăng lên gần 30.000 đồng/kg (loại 1). Hiện nay, do nguồn cung 2 loại nông sản này không đủ nhu cầu, giá cao nên nhiều nhà vườn sẵn sàng bán cả trái còn xanh.
Bà Lê Thị Út, một thương lái trái cây ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Dạo này cam bưởi hút hàng quá nên tôi đành phải mua trái còn xanh, thậm chí cả trái non để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu tôi không mua, thương lái khác cũng mua để vừa giữ mối vừa giữ nguồn hàng không bị gián đoạn”.
Theo anh Phạm Văn Tâm, một nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ngoài việc bán được giá, nhiều nhà vườn còn tranh thủ thu hoạch cam, bưởi lúc còn xanh vì sợ bị trộm.
Không dám ngủ trưa
Hai tháng qua, nạn trộm cam, bưởi xảy ra nhiều nơi ở ĐBSCL. Vì vậy, nhiều nhà vườn phải phân công các thành viên trong gia đình thay nhau canh giữ. Mất trộm cam, bưởi thường xảy ra vào buổi trưa, lúc nắng gắt và vắng vẻ. Chị Nguyễn Thị Bích Như, một nhà vườn ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết: “Bọn trộm ít hái cam, bưởi vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm vì lúc ấy trái dễ bị dập the (vỏ ướt sương nên dễ bị dập khi va chạm nhau - PV), khó bán”.
Vừa qua, nhiều kẻ trộm đã bị bắt giữ nhưng vẫn còn quá ít so với thiệt hại của nhà vườn. Ngày 24-7, ông Nguyễn Văn Tùa - Trưởng Công an xã Phú Hữu, huyện Châu Thành - cho biết xã vừa bắt giữ 3 kẻ tham gia 2 vụ trộm cam, bưởi.
Ngày 22-5, Võ Thanh Phong (SN 1981, ngụ xã Phú Hữu) bị phát hiện khi vừa trộm một bao bưởi, bán được 450.000 đồng. Công an xã đã ra quyết định xử phạt Phong 1,5 triệu đồng và công khai trước dân để răn đe.
Sau đó, ngày 23-6, Đỗ Trọng Dương (SN 1984) và Cao Lập Đức (SN 1994) vào vườn bà Cao Thị Thu hái trộm gần 30 kg cam sành thì bị bắt giữ. Đức bị xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng, Dương bị truy cứu trách nhiệm hình sự do đã từng trộm cắp.
Mới đây, cơ quan công an ở các xã Mỹ Lộc, Loan Mỹ, Hòa Hiệp, Mỹ Thạnh Trung…, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cũng đã xử phạt một số vụ trộm cam, bưởi xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Hiếu (một nhà vườn ở xã Mỹ Lộc), trong khi trông chờ cơ quan chức năng truy bắt, người trồng cam, bưởi chỉ còn cách… cử người thường xuyên “tuần tra” bảo vệ tài sản của mình.
Có thể bạn quan tâm

Như vậy, nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón trung bình khoảng 45-50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất, cây trồng không sử dụng được chiếm 50-55% (tương đương trên 5 triệu tấn) thì mỗi năm ngành nông nghiệp đã lãng phí khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng.

Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.

Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho các giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.

Cùng với nhiều sản vật đặc trưng khác, cam sành Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo thu nhập cho người dân. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh đạt 5.000 ha.