Trời Nóng Làm Sốt Giá Chanh

Mùa nóng, giá nhiều loại trái cây có múi tăng nhưng “ấn tượng” nhất vẫn là trái chanh. Mùa nắng nóng năm nay đã góp phần đẩy giá chanh tăng gấp đôi chỉ trong vòng một tháng nay.
Tại chợ Cầu (Quang Trung, Gò Vấp), chị Trang ngồi bới thúng chanh, chọn mãi mới được một trái mà theo kinh nghiệm của chị là “có nước” để mua: 2.000đ/trái. Về tới nhà không đủ xài, chị sai thằng em ra đầu ngõ mua thì nó báo giá: “7.000 đồng hai trái. Nếu mua một trái thì 4.000 đồng”. Một số bạn đọc còn phản ánh với rằng, vào siêu thị có khi không có chanh để mua.
Chợ cạn nguồn, siêu thị cũng khan
Thực hiện chuyến khảo sát ở đầu nguồn cung, giá chanh các loại đang ở mức cao chưa từng có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Long An, nếu như giá chanh giấy, chanh núm chỉ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg, chanh không hạt 6.000 – 8.000 đồng/kg hồi giữa tháng 11.2013, thì nay tất cả đều tăng gần gấp năm lần.
Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có hơn 5.100ha chanh các loại, tăng hơn 600ha so cuối năm 2013. Phần lớn diện tích trồng chanh được chuyển đổi từ vùng đất trồng mía hiệu quả thấp thuộc các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Thủ Thừa…
Tỉnh Hậu Giang cũng có gần 200ha chanh các loại, nhưng chủ yếu là chanh không hạt.
Từ một tuần trở lại đây tại chợ Thạnh Trị (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), giá chanh không hạt đã được báo giá bán lẻ 50.000 đồng/kg nhưng hầu như không có “hàng” để giao với nhiều lý do. Chanh giấy bán lẻ: 1.500 – 2.000 đồng/trái. Bà Nguyễn Thị Mua, nhà vườn trồng chanh ở xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nói rằng, cả xứ cù lao cây trái này nhà vườn trồng xen chanh giấy với các loại cây có múi khác, hiện tại lái buôn đã gom sạch các vườn chanh với giá 20.000 đồng/kg.
Ở Đồng Tháp, giá chanh núm (có nơi còn gọi chanh hôi vì lượng tinh dầu trên vỏ trái rất nhiều) ở mức 10.000 đồng/kg hồi cuối năm ngoái nhà vườn đã mừng khấp khởi. Vậy mà hiện giá chanh loại này đã ở mức 21.000 đồng/kg.
Thương lái đã đẩy giá mua chanh để gom hàng cung ứng cho các đầu mối bán lẻ. Song, tình trạng khan hiếm không chỉ ở các chợ mà ngay trong các siêu thị cũng khó kiếm được trái chanh tươi có mẫu mã vừa ý. Tại siêu thị Big C Cần Thơ ngày cuối tuần hôm 10.5, trên quầy rau củ quả chỉ có duy nhất một loại chanh dây, nhưng mẫu mã của nó khiến cho hầu như không bà nội trợ nào chọn mua.
Chợ hiếm hàng, giá đắt khiến một ly đá chanh (chanh tươi) tại nhiều hàng quán đã tăng từ 8.000 đồng trước đó, nay 12.000 đồng, nhưng do nhu cầu hạ nhiệt, giải độc cho cơ thể buộc không ít người phải vét túi chi trả.
Vì sao... “không có nước”?
Phong trào trồng chanh không hạt bùng phát mạnh ở tỉnh Hậu Giang trong vài năm qua. Tuy nhiên, nhà vườn trồng loại chanh này thường “an phận” với mức giá “bao tiêu” thường xuyên của thương lái khoảng 6.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Kía, nhà vườn ấp Phú Trí B1 (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho rằng, chanh không hạt xuất khẩu mới bán được giá như vậy, các loại chanh hôi, chanh giấy, chanh bông tím… giá chỉ bằng phân nửa.
“Mới hồi đầu tháng 4.2014, giá bán chanh không hạt tại vườn tăng lên mức 17.000 – 18.000 đồng/kg, nhà vườn tụi tui muốn lộn ruột hết vì mỗi tháng chỉ hái được một đợt chanh”, ông Kía nói. Nhưng nhà vườn trồng chanh mới thật sự “sốc” giá trong vòng khoảng một tháng nay. Giá chanh tăng từng ngày, hiện đang ở mức kỷ lục và chuẩn bị “soán ngôi” cả trái bưởi da xanh.
Áp lực từ phía cầu khiến nhiều đầu mối cung ứng lùng sục, mua vét các vườn chanh với giá 38.000 – 40.000 đồng/kg. Sức hấp dẫn giá cả cộng với sự dễ dãi trong thu mua đã buộc nhà vườn phải thu hoạch trái sớm hơn. Nếu như trước kia mỗi tháng nhà vườn thu hoạch trái một lần, thì hiện tại chu kỳ hái trái chỉ khoảng 22 – 25 ngày.
Theo đông đảo nhà vườn miền Tây, đây là tín hiệu tốt tạo sức hấp dẫn cho các vùng đất chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên giá cả đầu ra vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Mức giá hiện tại theo đánh giá của nhà vườn, các đầu mối cung hàng xuất khẩu thường tiên phong trong việc đẩy giá tăng lên cao để gom hàng nên chợ trong nước thiếu hụt.
Có thể bạn quan tâm

Những tháng đầu năm 2014, giá tôm liên tục giảm và hiện chỉ còn 85.000-100.000 đồng/kg loại 100 con/kg; cộng với nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam bị đối tác Nhật, EU cảnh báo, thậm chí trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép đã gây hoang mang cho nhiều người.

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được khởi xướng cách đây 5 năm. Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả, song dường như vẫn chỉ tập trung cho hàng của các doanh nghiệp, còn hàng nông sản của nông dân vẫn bị bỏ ngỏ trong cuộc vận động lớn và nhiều ý nghĩa này.

Hằng năm, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cung cấp ra thị trường trên 850 tấn rau màu các loại. Tuy nhiên, khâu đóng gói, bảo quản rau màu của HTX còn hạn chế nên sản phẩm của HTX giá bán còn bấp bênh. Việc đầu tư hoàn thiện quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản được xem là yêu cầu cấp bách để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm rau màu của HTX.

Cũng như ngư dân cả nước, ngư dân Đà Nẵng mong chờ chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt khai thác và đánh bắt xa bờ trong gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ sớm được triển khai để ngư dân đóng tàu vỏ sắt vươn khơi bám biển đánh bắt thủy, hải sản cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi hộ nhận vay số tiền hỗ trợ từ 10 - 35 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng, thời hạn vay 24 tháng. Nguồn vốn này giúp các hộ tu sửa hệ thống đê bao bảo vệ xoài, xây dựng kho và đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sản xuất xoài theo hướng GAP như máy bơm, túi bao trái, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.