Trợ Lực Cho Nông Dân Nuôi Bò Chất Lượng Cao Ở Bến Tre

Bến Tre là một trong những địa phương thực hiện tốt việc cải tạo đàn bò hướng thịt, đạt trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt ngon... Kết quả này là nhờ công tác thụ tinh nhân tạo, lai tạo ra những giống bò có giá trị kinh tế cao. Trong đó, huyện Ba Tri được xem là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò…
Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre với trên 70.000 con. Nghề nuôi bò nơi đây được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân. Chính vì vậy, nuôi bò được người dân chú trọng, và luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đàn bò đạt giá trị kinh tế cao. Khi các dự án về cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai, nông dân Ba Tri nhanh chóng tiếp cận và áp dụng đại trà.
Hiệu quả nhất là dự án "Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010" giữa Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre triển khai. Dự án được nông dân Ba Tri nhiệt tình hưởng ứng, góp phần lai tạo ra những giống bò có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, đa phần hộ dân nuôi bò ở Ba Tri áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra những con bê lai có từ 50 đến trên 75% máu nhóm bò Zebu (Brahman) và bò siêu thịt (Red Angus). Ưu điểm của các giống bò này là trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với bò địa phương. Bò đực giống Limousine, trọng lượng từ 1.000 – 1.300 kg; tỷ lệ thịt xẻ đạt 68 – 71%. Bò đực giống Red Angus, trọng lượng trên 1.000 kg; tỷ lệ thịt xẻ trên 70%. Bò cái giống lớn gấp đôi so với giống bò lai Sind địa phương.
Các giống bò này tốc độ sinh trưởng nhanh và có giá cao hơn bò phối giống trực tiếp từ 4 – 5 triệu đồng/con (đối với bò lai Brahman khoảng 4 tháng tuổi giá từ 8 - 10 triệu đồng/con; bê lai Red Angus từ 12 - 14 triệu đồng con). Thụ tinh nhân tạo cho đàn bò những năm qua được người dân Ba Tri tích cực hưởng ứng, từng bước thay đổi cơ cấu giống bò địa phương, loại bỏ dần đàn bò vàng hoặc bò cái lai không đạt tiêu chuẩn.
Nhờ lai tạo ra được giống bò tốt, trọng lượng lớn mà hộ chị Hồ Thị Rậm, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri đạt thu nhập khá cao. Năm 2006, chị Rậm thực hiện phối giống cho 2 bò cái lai sind với giống bò Limousine. Kết quả, bò mẹ sinh ra 2 nghé cái lai Limousine có hình dáng đẹp, lớn con. Với thành công ban đầu này, những năm qua chị Rậm đã chuyển hẳn sang phối giống đàn bò của gia đình bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, gồm các giống bò Limousine (nguồn gốc từ Pháp), Red Angus (nhập từ Úc và Canada).
Từ 2 con bò Limosine ban đầu, đến nay đã sinh sản 12 con bò giống Limosine, Red Angus. 3 năm nay, mỗi năm, chị nuôi khoảng 6 bò cái, 2 bò đực, bán từ 2 đến 4 con bò đực thịt, bò giống, thu nhập trên 80 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2011, chị bán 1 bò lứa 17 tháng tuổi giá 42 triệu đồng; riêng bò đực, sau thời gian nuôi 2 năm, chị bán trên 40 triệu đồng/con. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống đàn bò, 8 con bò của chị Rậm hiện có giá trị gần 300 triệu đồng. Chị Rậm phấn khởi cho biết: "Nuôi các giống bò này mỗi lần bán là cầm bạc chục triệu trong tay, ham lắm. Thu nhập từ con bò giúp tôi có đủ điều kiện để nuôi con cái học hành tới nơi tới chốn".
Huyện Ba Tri cũng là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng phương pháp thụ tinh giới tính trên đàn bò thịt. Kết quả bước đầu đã tạo ra bò lai như mong muốn của người nông dân trong việc chủ động chọn cho bò cái sinh ra bê đực, hoặc bê cái. Tháng 10-2011, anh Nguyễn Văn Khanh, ở ấp Gò Chùa, xã Mỹ Chánh tham gia Đề tài so sánh con lai F1 giữa các giống bò Red Angus, Rahmanh, Red Angus phân biệt giới tính, bò đực lai Sind với bò cái nền địa phương do Sở Khoa học Công nghệ phối hợp Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre thực hiện.
Anh Khanh chọn thụ tinh nhân tạo giống bò Red Angus phân biệt giới tính. Kết quả, đầu tháng 8-2012, bò mẹ sinh ra một bê lai Res Angus đực như mong muốn ban đầu. Anh Khanh cho biết: "Mặc dù chi phí cho phương pháp thụ tinh nhân tạo phân biệt giới tính trên 700 ngàn đồng là khá cao, nhưng nông dân sẵn sàng áp dụng để tạo ra bê con đực hoặc cái như sở thích. Bê lai đực Red Angus của tôi được lai tạo bằng phương pháp thụ tinh giới tính sau 6 tháng nuôi sẽ bán được trên 15 triệu đồng".
Giúp nông dân tiếp tục đạt hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi bò, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre vừa triển khai Dự án phát triển bò thịt chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Bến Tre giai đoạn 2012 – 2015. Dự án sẽ nhập 18.000 liều tinh bò giống siêu thịt, trong đó có 16.000 liều giống bò Angus (Mỹ, Canada), 2.000 liều giống bò Charolais (Pháp) cung cấp cho các dẫn tinh viên thực hiện gieo tinh cho đàn bò nền địa phương.
Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình bò lai F1 hướng thịt bằng các giống bò thịt chất lượng cao có nguồn gốc nước ngoài (chủ lực là bò Angus) với bò nền qua bình tuyển (có từ 50 – 75% máu nhóm bò Zebu trở lên) để tạo ra con lai 3 máu có tỷ lệ thịt xẻ trên 60%; tỷ lệ thịt tinh từ 48 đến 50% (so với tỷ lệ thịt xẻ trên 50% và thịt tinh khoảng 38 đến 42% như hiện nay).
Kỹ sư Nguyễn Văn Chấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết: "Dự án sẽ tiếp tục góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho nông dân Bến Tre. Qua đó, cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt, góp phần thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành sản xuất chăn nuôi bò thịt chất lượng cao…".
Có thể bạn quan tâm

Mấy tuần gần đây, nông dân nuôi cá điêu hồng làng bè tỉnh Tiền Giang phấn khởi do giá cá liên tục tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường mạnh. Hiện nay, giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 39.000 - 40.000 đồng/kg cao hơn 6.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.

Những năm 80 của thế kỷ 20, chính quyền và nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) đã bắt đầu hình thành những vùng chuyên canh, xen canh giữa cây lúa và ngô (bắp) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực tại đây, với năng suất lên đến 13, 14 tấn/ha, mở hướng phát triển bền vững cho việc tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Giồng Riềng là huyện thuộc vùng đất thấp trũng (Tây sông Hậu) của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mô hình trồng tiêu trên đất vườn của huyện Giồng Riềng được nhiều nông dân quan tâm đầu tư nhân rộng. Điểm đặc trưng nổi bật của mô hình trồng tiêu trong huyện là trồng trên đất liếp vườn dùng cây tràm sống làm trụ.

Mùa rộ trái cây ĐBSCL thường “đụng hàng” mùa thu hoạch tập trung ở miền Đông, Tây Nguyên và miền Bắc, nên lượng cung ra thị trường khá lớn gây khủng hoảng thừa, rớt giá. Do vậy, việc điều chỉnh mùa vụ, sản lượng trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường là vấn đề rất cần thiết.

Sả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, chỉ 6 tháng đầu năm 2014 diện tích sả tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã tăng thêm gần 100 ha. Tính đến nay, Tân Phú Đông có gần 600 ha sả, tăng gần 200 ha so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân...