Trở Lại Vùng Sản Xuất Giống Thuỷ Sản Chất Lượng Cao

Trở lại vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải (Ninh Phước), tôi chợt bâng khuâng nhớ về một ngày cách nay 20 năm, khi lần đầu tiên cùng một đồng nghiệp đi ngang qua đây để đến Phú Thọ, một thôn hẻo lánh thuộc phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm).
Con đường thuở ấy thuộc tuyến An Thạnh-Hoà Thạnh lổn ngổn đá và bụi mù mịt, có ai ngờ ngày nay đường đã được bê-tông nhựa nóng phẳng phiu, đặc biệt tuyến đường ven biển đang hoàn thành xuyên qua. Sau nhiều năm phát triển, dù còn những vấn đề cần khắc phục nhưng vùng sản xuất giống thuỷ sản An Hải vẫn đang dẫn đầu cả nước về sản phẩm chất lượng cao.
Khởi đầu từ một vùng cát khô cằn, hoang hoá, từ năm 2005, tiềm năng của dãi đất ven biển Hoà Thạnh này đã được đánh thức bằng Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung mang tên An Hải-Ninh Phước. Dự án sau nhiều lần điều chỉnh, cuối năm 2008 đã hoàn thành với tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, kè bảo vệ bờ, trạm bơm cấp nước biển, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, Trung tâm quản lý kiểm định…Ngay từ lúc một số hạng mục của dự án chưa hoàn thành, vùng đất này đã nhanh chóng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư, qua làm ăn bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dần dần các cơ sở sản xuất được xây dựng lấp kín cả diện tích 125 ha của vùng dự án, làm cho bộ mặt cảnh quan khu vực khang trang hẳn lên. Nhiều đại gia là các Tập đoàn, Công ty TNHH trong lĩnh vực thuỷ sản như Minh Phú, Globert & Imei Việt Nam, Uni-President Việt Nam, CP Việt Nam đã sớm có mặt hoạt động.
Trong thu hút đầu tư, đáng chú ý là việc xây dựng con đường vào vùng dự án đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là hạ tầng thiết yếu gắn liền với Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung Ninh Phước mà còn được coi như “tấm thảm trải” mời gọi các nhà đầu tư đến. Là đường giao thông cấp IV, dài 5.288 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng, ngay sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008 đã làm hài lòng một số nhà đầu tư mới tìm đến. Trước năm 2007, vùng đất ven biển An Hải có tổng số 233 trại với 4.052 hồ nuôi ấu trùng của các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, sản lượng tôm giống sản xuất đạt thấp, chỉ vào khoảng 700-800 triệu tôm post/năm. Nhưng trong năm 2008, chỉ mới đầu tư của các Công ty CP và Minh Phú, do có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, kinh doanh tiếp thị trình độ cao, đã nâng sản lượng tôm giống toàn khu vực lên 2,5 tỷ con/năm, đặc biệt về chất lượng đã được kiểm soát chặt chẽ. Có thể nói đây là đóng góp lớn trong việc cung cấp nguồn tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh cho nghề nuôi tôm trong và ngoài tỉnh, nâng cao uy tín và thương hiệu tôm giống của tỉnh ta.
Nhìn lại chặng đường đã qua, không chỉ ngành Thuỷ sản mà người dân trong tỉnh rất tự hào trước bước phát triển ngoạn mục của vùng sản xuất giống thuỷ sản An Hải. Theo quy hoạch trước đây của tỉnh, đến năm 2010 sẽ phấn đấu sản xuất và tiêu thụ giống thuỷ sản sạch bệnh đạt 6,55 tỷ Post, thế nhưng chỉ tính riêng khu vực này đã có khả năng đạt 7-8tỷ con giống/năm. Hiện nay nơi đây được đánh giá là một trong những khu quy hoạch mang lại hiệu quả không những trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư, mà còn hiệu quả trong việc thu hút công nghệ tiên tiến của nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất giống, góp phần tạo ra con giống chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu nuôi thả trong cả nước. Năm 2012, dù chỉ đạt 92,4% kế hoạch năm, vùng sản xuất giống tập trung An Hải vẫn xuất bán được 7,117 tỷ con tôm giống post.15. Thấy được tiềm năng lợi thế sản xuất giống chất lượng cao, Ninh Phước khi công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng từ 8-10 tỷ con giống thuỷ sản.
Sản xuất giống từ khi được xác định là chủ lực đã thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Thuỷ sản tỉnh ta, đặc biệt trong đó có đóng góp quan trọng của vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vấn đề cung ứng nguồn nước ngọt và hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện đang gây băn khoăn cho các doanh nghiệp. Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành đã xác định nếu muốn tránh nguy cơ đánh mất vị trí số 1 cả nước về giống thuỷ sản, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thuỷ sản. Vì vậy trong năm nay cùng với vùng An Hải, ngành đang xúc tiến chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cả vùng sản xuất giống đã được quy hoạch ở Ninh Hải.
Có thể bạn quan tâm

Trong khuôn khổ Dự án Legato “Kỹ thuật thâm canh và công nghệ sinh thái- Công cụ đánh giá rủi ro và cơ hội của hệ thống sản xuất lúa nước” của Đức và các quốc gia Đông Nam Á khác, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng với Viện Chính sách và Quản lý - Trường đại học KHXH&NV – đại diện ban điều phối Dự án đã thiết lập “Mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa nước” triển khai tại 3 tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc và Lào Cai.

Vĩnh Long đang bước vào cao điểm thu hoạch rộ lúa Đông Xuân 2014 - 2015. Tính đến trung tuần tháng 2, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 16.000/61.000ha gieo sạ, năng suất bình quân 6,7 tấn/ha. Diện tích còn lại tập trung giai đoạn từ đòng trổ đến chín.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lương. Tuy đang bận bịu với vụ mùa nhưng ông vẫn dành thời gian say sưa kể cho chúng tôi nghe về kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây lạc đạt năng suất, chất lượng cao. Một quy trình bài bản từ làm đất, chọn giống, bón phân cho đến chăm sóc lạc thời kỳ sinh trưởng, thu hoạch… ông đều thuộc nằm lòng.

Giá hiện tại ở địa phương là 3.000 đồng/kg, 1 sào khoai lang giống mới này bà con có lãi khoảng 2,5 triệu đồng, cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, thời gian canh tác ngắn và đầu tư ít hơn. Nông dân ở các địa phương lân cận có chất đất tương tự như xã Tân Dân sẽ được hội nông dân, phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn để trồng đại trà vào vụ xuân năm 2015, đây mới là chính vụ.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) cho biết, thời điểm này việc thu hoạch hoa màu trên địa bàn xã trầm lắng, bởi giá cả nhiều loại hoa màu giảm mạnh (từ 40 - 50%) so với thời điểm cận Tết. Giá hoa màu giảm là do nguồn cung vượt cầu, trong khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Người dân trồng hoa màu đang hy vọng giá cả sẽ tăng lên trong những ngày tới vì trúng vào dịp rằm tháng Giêng năm 2015.