Triệt Sản Ruồi Để Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Thanh Long

Trái thanh long sẽ có thêm cơ hội để mở rộng thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan nếu như các nhà khoa học có thể kiểm soát được bệnh ruồi đục quả.
Từ trước tới nay, việc xuất khẩu trái thanh long bị hạn chế vì trái chín thường bị ruồi đục, không thể bảo quản dài ngày để vận chuyền tới các thị trường xa. Để bảo quản sau thu hoạch, nhà vườn thanh long hoặc phải chiếu xạ cho từng lô hàng, hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tốn kém vừa có nguy cơ sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Xử lý bệnh ruồi đục trái thanh long bằng các phương pháp sinh học không ảnh hưởng tới chất lượng trái và sức khỏe người tiêu dùng, do vậy, là một yêu cầu cấp thiết của nhà vườn và các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nhằm tăng lượng xuất khẩu và mở rộng thị trường. Một trong những giải pháp như vậy đang được nghiên cứu tại Viện Bảo vệ Thực vật.
Theo thông tin từ Viện Bảo vệ Thực vật, hiện Viện này đang cùng với các nhà khoa học nghiên cứu đề tài làm "bất hoạt sinh dục" ruồi đực đục quả trước khi thả ra môi trường để giao phối với ruồi cái. Cách làm này khiến trứng ruồi đục trái không thể nở thành dòi và ruồi con.
"Bất hoạt sinh dục" được hiểu là ruồi đực nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ được chiếu xạ và mất khả năng sinh sản nên khi giao phối với ruồi cái sẽ không thể cho ra ruồi con. Để có hiệu quả, các nhà khoa học sẽ thả ruồi đực (bất hoạt sinh dục) với số lượng lớn gấp nhiều lần ra ngoài tự nhiên để cạnh tranh với ruồi đực ngoài tự nhiên.
Dĩ nhiên, trước khi thả ruồi đực bất hoạt sinh dục, các nhà khoa học sẽ tiến hành thống kê để ước định số lượng ruồi đực, cái sống ngoài tự nhiên, và từ số liệu thu được sẽ tính toán số ruồi đực bất hoạt sinh dục sẽ thả ra.
Tiến sĩ Lê Đức Khánh, Trưởng bộ môn Côn trùng, Viện Bảo vệ Thực vật, cho biết cách làm này sẽ giúp hạn chế số lượng ruồi đục trái thanh long mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2013, trong số gần 400.000 tấn thanh long được thu hoạch chỉ có 2.600 tấn xuất khẩu qua Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) giải thích, sở dĩ số lượng thanh long Việt Nam xuất qua những thị trường này ít như vậy là do yêu cầu khắt khe về bảo vệ thực vật.
Theo Vinafruit, mỗi ki lô gam thanh long khi xuất khẩu qua các thị trường khó tính kể trên thường có giá cao hơn nhiều lần so với xuất sang Trung Quốc nhưng đổi lại, để trái thanh long vào được Mỹ, doanh nghiệp phải đem sản phẩm này đi chiếu xạ, còn vào Nhật phải xử lý hơi nóng và một khi trong lô hàng bị phát hiện một trái vẫn còn ruồi đục trái lập tức cả lô bị trả về.
Vì thế, trong số 400.000 tấn thanh long sản xuất mỗi năm, có khoảng 90% là xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây, Tổng cục giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cho biết, đã có một số lô hàng trái cây, trong đó, có thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định.
Theo Vinafruit, để đa dạng thị trường, có thêm thị trường mới, điều bắt buộc trái thanh long phải xử lý được sâu đục trái. Vì thế, người trồng thanh long kỳ vọng một khi Việt Nam có thể kiểm soát được ruồi đục trái nhờ biện phát chiếu xạ như nói ở trên sẽ giúp trái thanh long sẽ có mặt ở những thịt trường mới, số lượng xuất khẩu cũng lớn hơn.
Có thể bạn quan tâm

Ít nhất khoảng 70 container chè của Việt Nam xuất qua thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đang “bị treo”- chưa được thông quan chỉ vì nguồn tin thất thiệt… khiến hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu chè điêu đứng.

Chuyện ít ai ngờ nhưng đang là hiện thực ở đồng đất huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Mỗi hecta gừng thương lái vào tận rẫy bỏ cọc và đồng ý thu mua với giá khoảng 1,5 tỉ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Tân Châu (Tây Ninh) vừa xuất hiện bệnh trắng lá mía trên cây mía giai đoạn mía gốc 1 năm tuổi và mía tơ 2 - 3 tháng. Bệnh gây hại cho 39 ha mía ở mức 15 - 20%.

Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.