Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển vọng và thách thức

Triển vọng và thách thức
Ngày đăng: 27/11/2015

Cá rô phi có thể tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với những ưu thế này, cá rô phi được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL và cả nước.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, năm 2014, tổng sản lượng nuôi cá rô phi của cả nước đạt gần 152.000 tấn; trong đó, vùng ĐBSCL có khoảng 55.500 tấn.

Cũng trong năm này, sản phẩm từ cá rô phi của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 27 triệu USD với giá xuất khẩu: cá rô phi nguyên con đông lạnh khoảng 2,5USD/kg và cá rô phi phi lê đông lạnh 4,5USD/kg.

3 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn sản phẩm cá rô phi của Việt Nam là Mỹ (trên 5,8 triệu USD), Tây Ban Nha (trên 3 triệu USD) và Colombia (trên 3 triệu USD)… Hiện nay, theo đánh giá của ngành hữu quan, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trong và ngoài nước còn rất lớn, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm.

Sản phẩm chế biến từ cá rô phi đang tăng trưởng không chỉ ở thị trường Mỹ mà trên toàn thế giới.

Số liệu tổng hợp từ Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có trên 600 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp với công suất đạt khoảng 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm.

Các cơ sở này đều có thể chuyển đổi sang chế biến cá rô phi phục vụ nội địa và xuất khẩu.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vùng ĐBSCL đã quan tâm đến việc nuôi, chế biến, xuất khẩu cá rô phi.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản Hoàng Long (Đồng Tháp), Công ty Cổ phần Nam Việt (An Giang) với công suất chế biến xuất khẩu đạt khoảng 25.000 tấn/năm…

Với giá bán từ 35.000 – 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm, cá rô phi khá phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng ở ĐBSCL và cả nước.

Đó là những cơ hội tốt mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi, chế biến cá rô phi xuất khẩu.

Nhưng, việc phát triển loài thủy sản này cũng gặp không ít thách thức.

Bởi, trong ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá rô phi, Việt Nam là nước đi sau.

Theo Tổng cục Thủy sản, thị trường nhập khẩu lớn lượng cá rô phi trên thế giới đã có nhà cung cấp nên doanh nghiệp phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh, như: Trung Quốc, Indonesia…

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn: sản lượng cá rô phi ít, chưa có thương hiệu, chưa tạo được những sản phẩm đặc trưng…

Trong sản xuất, khó khăn cũng không kém! Đó là: chất lượng con giống cá rô phi chưa đáp ứng; quy mô nhỏ, thời gian nuôi dài, dịch bệnh còn xảy ra…

Đặc biệt, ở phía Nam, 70% đàn cá rô phi bố mẹ đã và đang có dấu hiệu thoái hóa, tốc độ sinh trưởng chậm; còn ở phía Bắc mới cung cấp được 30% nhu cầu nuôi…

Định hướng sản xuất, Việt Nam sẽ phát triển cá rô phi trở thành một trong những loài thủy sản nuôi chủ lực được kiểm soát, giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu để đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.

Việc phát triển này ưu tiên tăng giá trị hơn tăng sản lượng và sản xuất phải đảm bảo an toàn, bền vững.

Theo đó, đến năm 2020, cá rô phi của Việt Nam được nuôi theo mô hình thâm canh khoảng 20.000ha, sản lượng từ 400.000 – 500.000 tấn; nuôi bán thâm canh 10.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 – 150.000 tấn và nuôi khoảng 1 triệu m3 lồng trên hồ chứa, sông với sản lượng khoảng 60.000 – 80.000 tấn.

Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu của con cá rô phi đem lại dự kiến đạt khoảng 150 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai thực hiện dự án phát triển nuôi cá rô phi chất lượng cao xuất khẩu; quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng 2030 và hoàn thành việc hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP cho nuôi cá rô phi thương phẩm.

Từ đó, từng bước tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng nguồn nguyên liệu và sản phẩm cá rô phi phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành chức năng cần có những quy định điều kiện vùng nuôi cá rô phi tập trung; đề ra những quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật (môi trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm…) đối với các cơ sở sản xuất giống và nuôi cá rô phi thương phẩm.

Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường cho người dân và doanh nghiệp để định hướng sản xuất, tiêu thụ và tháo gỡ các rào cản kỹ thuật của từng thị trường;

Đưa chương trình xúc tiến thương mại cá rô phi vào chương trình xúc tiến thương mại thủy sản hằng năm và dài hạn; tiến tới xây dựng thương hiệu cá rô phi Việt Nam…

Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, truy nguyên nguồn gốc cá rô phi nuôi để chủ động cân đối cung cầu và đảm bảo lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị…

Có như vậy, con cá rô phi của ĐBSCL và cả nước mới có những bước phát triển căn cơ và chắc chắn.


Có thể bạn quan tâm

Công Nghệ Chế Biến, Bảo Quan Nông Sản Sau Thu Hoạch Còn Bỏ Ngỏ Công Nghệ Chế Biến, Bảo Quan Nông Sản Sau Thu Hoạch Còn Bỏ Ngỏ

Chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện mua bán, thu hoạch bằng phương thức cũ, không theo quy trình nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản phẩm nông sản.

29/10/2014
Đẩy Mạnh Thực Hiện Chương Trình Tái Canh Cà Phê Đẩy Mạnh Thực Hiện Chương Trình Tái Canh Cà Phê

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 117.357 ha, sản lượng ước đạt trên 230.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh chưa mang tính bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng.

29/10/2014
Khi Giá Mủ Cao Su Xuống Thấp Nhiều Nông Dân Vẫn Chú Trọng Chăm Sóc Vườn Cây Khi Giá Mủ Cao Su Xuống Thấp Nhiều Nông Dân Vẫn Chú Trọng Chăm Sóc Vườn Cây

Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, giá cao su trong nước liên tục giảm, hiện nay, giá cao su được tư thương thu mua trên địa bàn cũng chỉ mức 5.000 đồng-6.000 đồng/kg mủ nước dạng chén nên năm nay coi như gia đình thất thu. Nhưng không vì thế mà chị bỏ bê việc chăm sóc vườn cây.

29/10/2014
Hỗ Trợ Trên 24 Tỷ Đồng Phát Triển Kinh Tế Tập Thể Hỗ Trợ Trên 24 Tỷ Đồng Phát Triển Kinh Tế Tập Thể

Số tiền này được bổ sung vào nguồn vốn sản xuất kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp, đan lát xuất khẩu; sản xuất cơ khí phụ trợ; cung ứng vật tư nông nghiệp; bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; thu gom rác thải sinh hoạt, san lấp mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; đưa rước công nhân khu công nghiệp; trồng trọt; chăn nuôi gia súc-gia cầm-thủy sản (số dư nợ trợ vốn đến cuối tháng 9 là trên 34 tỷ đồng).

29/10/2014
Xoài Nghịch Vụ Tăng Giá, Nhà Vườn Mỹ Xương Phấn Khởi Xoài Nghịch Vụ Tăng Giá, Nhà Vườn Mỹ Xương Phấn Khởi

Với diện tích 0,3ha đất vườn trồng xoài cát chu và cát Hòa Lộc, anh Đỗ Văn Tới, một xã viên trồng xoài nhiều năm liền tại ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương cho biết, thời tiết năm nhuần tương đối thuận lợi cho việc trồng xoài nghịch mùa, chi phí bỏ ra cho vườn xoài khoảng 40 triệu đồng, ước tính nếu thu hoạch hết, anh có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

29/10/2014