Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Tổng Hợp Ở Đức Hạnh (Bình Thuận)

Những ngày này về vùng đất xã Đức Hạnh (Đức Linh - Bình Thuận), chúng tôi nghe nói nhiều về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Diệu, ở thôn 1. Bởi ông là một trong những gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Chính mô hình này đã giúp ông có cuộc sống ổn định, quan trọng hơn mô hình này đã minh chứng cho cách thức sản xuất tương đối mới, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ở tuổi “gần thất thập”, nhưng ông Nguyễn Diệu vẫn say mê, cần cù bên mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp, với nhiều loại cá khác nhau. Những ngày này, gia đình ông Diệu đang khẩn trương thu hoạch các loại cá, phục vụ thị trường dịp đầu năm. Qua chuyện trò mới biết, ông chính là “lão nông lâu năm” gắn với việc nuôi cá nước ngọt trên địa bàn xã Đức Hạnh. “Hiện mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp được thực hiện trên diện tích gần 1 ha diện tích mặt nước, với 5 ao thả nuôi. Trên diện tích các ao, phân ra thành từng ao nhỏ vừa phải, thả nuôi nhiều loại cá khác nhau như: cá mè, cá trắm cỏ, cá tai tượng, cá rô phi, cá tra… Với cách làm này tôi đã chủ động trong quá trình thả nuôi, nguồn thức ăn dễ kiếm, cá thích hợp với điều kiện tự nhiên cũng như môi trường nước, nên dễ phát triển”, ông Nguyễn Diệu cho biết.
Theo ông Diệu, bình quân 1 năm thả nuôi 2 lứa cá nước ngọt, bằng cách nuôi này ông đã phân thời gian chăm sóc, cho ăn và thu hoạch cá hợp lý từng thời điểm. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự tạo, ông đã tiết kiệm được một khoản chi phí. Cá lại nhanh lớn, ít khi bị bệnh, giúp ông yên tâm phát triển nghề nuôi của mình.
Đặc biệt thời gian gần đây, ông Diệu áp dụng đưa con cá tra vào nuôi thử nghiệm trên diện tích hơn 100 m2. Đây là lứa nuôi thứ hai được ông thực hiện. Lần thả nuôi cá tra đầu tiên cách đây chưa đầy một năm, ông thả nuôi 1.500 con giống, khi thu hoạch lãi hơn 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả, lứa nuôi này ông thả 1.700 con cá tra giống, hiện được hơn 5 tháng tuổi, trọng lượng mỗi con đạt trên 1 kg. Hiện ông đang xuất bán thương phẩm. Với giá từ 22.000 đồng/kg trở lên, ông tin chắc mình sẽ lãi hơn 20 triệu đồng. Từ khi đưa con cá tra vào nuôi, ông đã có bước chuyển biến mới từ mô hình của mình.
Cách làm của ông Diệu khiến nhiều người phải thán phục. Bằng nguồn vốn tự có, ông tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức chọn giống và kỹ thuật nuôi cá sao cho hiệu quả, lại tiết kiệm chi phí một cách thấp nhất. “Hiện nay, việc phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi mới luôn được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ để các hộ nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Và mô hình kinh tế tổng hợp của ông Diệu là khá hay, tạo nguồn thu ổn định, ít rủi ro”. Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh nói.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 4-12, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình phối hợp với UBND hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hộ nuôi thủy sản.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức chiều 2/12 tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết kết quả một số biện pháp ngăn chặn hoa quả độc hại và gia cầm thải loại nhập lậu vào Việt Nam.

Ngành chăn nuôi được coi là mũi nhọn, tạo giá trị lớn trong nội ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, tuy nhiên việc chưa chủ động được nguồn giống cung cấp trong nội tỉnh đã tạo ra trở lực kìm hãm hướng phát triển này.

Chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo, gà trên địa bàn huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đang rất được chú trọng. Nhờ nắm bắt các yếu tố kỹ thuật, ngành chăn nuôi tạo nên những bước tiến quan trọng theo hướng bảo vệ môi trường.

Dự án “Xây dựng và mở rộng mô hình chọn lọc, cải tạo và phát triển chăn nuôi trâu theo hướng lấy thịt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai trong 3 năm (từ tháng 01 - 2011 đến tháng 12 -2013). Thông qua dự án chất lượng đàn trâu được được cải thiện; năng lực, trình độ quản lý, kỹ thuật chăn nuôi… của cán bộ tham gia dự án và người nông dân được nâng cao.