Triển Vọng Từ Mô Hình Cua Xanh Thương Phẩm Ở Tiến Tới (Quảng Ninh)

Thời gian gần đây, dịch bệnh xảy ra liên tiếp làm tôm chết hàng loạt khiến bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không khỏi lo lắng, hoang mang. Trước thực trạng này, trong khi nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục bám trụ với tôm thẻ chân trắng thì số khác lại chuyển sang nuôi giống cua xanh thương phẩm...
Vốn là một trong những xã ven biển của huyện Hải Hà có lợi thế về phát triển kinh tế biển, nhiều năm qua, người dân xã Tiến Tới luôn xác định nghề nuôi trồng thuỷ sản là hướng đi vững chắc để phát triển kinh tế một cách có hiệu quả. Trong đó, cua xanh thương phẩm đang là mô hình mang lại giá trị cao cho người lao động, được nhiều hộ lựa chọn để đưa vào sản xuất. Gia đình ông Hoàng Văn Dần (thôn 2, xã Tiến Tới) là một trong những hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cua xanh thương phẩm.
Năm 2011, ông Dần thả hơn 4.000 con giống trong khu đầm có diện tích gần 4 ha để nuôi thí điểm theo hình thức quảng canh. Sau 6 tháng nuôi, không những cua xanh phát triển nhanh, khoẻ mạnh mà hiệu quả mang lại khá cao. Với hơn 4 tạ cua thu được, trừ chi phí, gia đình ông Dần còn lãi gần 100 triệu đồng. Ông cho biết, cua xanh thương phẩm là loại thuỷ sản rất dễ nuôi. Từ khi thả giống xuống ao đầm đến khi thu hoạch, ngoài việc cho ăn, người nuôi chỉ cần kiểm tra lượng thức ăn thường xuyên để tránh tình trạng cua bị thiếu thức ăn, đồng thời luôn nhớ thay nước để đảm bảo nước sạch.
Sau 4 - 6 tháng nuôi, cua có thể thu hoạch theo cách thu tỉa những con đạt cỡ thương phẩm để giảm mật độ cua ở trong ao và tránh tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau. Ông Dần nói: “Nuôi cua thương phẩm trong đầm như thế này chi phí đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế lại rất lớn, đặc biệt rủi ro ít hơn so với nuôi tôm. Từ thành công trong lần nuôi thử nghiệm đầu tiên này, tôi đã quyết định tăng tiền đầu tư cải tạo lại toàn bộ ao đầm để mở rộng quy mô đầm và nuôi với số lượng nhiều hơn”.
Cũng như gia đình ông Dần, hộ gia đình ông Hoàng Văn Quang (thôn 3, xã Tiến Tới) cũng chuyển đổi diện tích đất nuôi tôm sang nuôi cua xanh thương phẩm. Trong mùa đầu tiên, gia đình ông Quang thu hoạch được gần 2 tấn sản phẩm, mỗi con trung bình nặng từ 4 đến 8 lạng, thu nhập của gia đình ông hơn 300 triệu đồng từ mô hình nuôi cua biển…
Thấy công việc tỏ ra có hiệu quả, ông Quang cùng 10 hộ gia đình khác đã thành lập tổ hợp sản xuất cua xanh thương phẩm và đề xuất dự án nuôi cua xanh thương phẩm tập trung tại địa bàn xã Tiến Tới và đã được UBND huyện cho tiến hành triển khai dự án trên diện tích 8 ha tại thôn 2 và thôn 3. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những hộ gia đình tham gia dự án đã được hỗ trợ với tổng số vốn đầu tư là hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 4 tháng kể từ khi thả cua giống, cua xanh thương phẩm đã phát triển khá nhanh, khoẻ mạnh, sản lượng ước tính đạt 4,2 tấn/ha.
Ông Đinh Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiến Tới, phấn khởi cho biết, vùng dự án nuôi cua thực hiện thành công sẽ là bước chuyển biến tích cực trong cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của xã. Đồng thời, mô hình sẽ là nhân tố quan trọng để thu hút và chuyển dần số ngư dân dùng tàu cá có công suất nhỏ để đánh bắt thuỷ sản ven bờ sang nuôi trồng thuỷ sản. Việc sản xuất được sản phẩm hàng hoá tập trung sẽ góp phần tạo ra của cải vật chất, cải thiện đời sống người dân và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1 ngàn hécta lúa hè - thu bị nhiễm ốc bươu vàng, tăng hơn 500 hécta so với giữa tháng 5-2012. Diện tích lúa hè - thu bị nhiễm ốc bươu vàng tăng nhanh, đa số đang trong thời kỳ mạ, đẻ nhánh, là do thường xuyên có mưa lớn, ốc theo nguồn nước mưa lây lan ra các ruộng. Các huyện có diện tích lúa bị nhiễm ốc bươu vàng nhiều là: Xuân Lộc, Tân Phú và Trảng Bom.

Ba năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên). Trong thôn hiện có 20 hộ trồng, hộ trồng ít nhất 100 cây, hộ nhiều nhất 350 cây. Đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác như sắn, ngô… ở những chân đất cao, thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới

Ngân hàng Phát triển (VDB) ủng hộ các đề nghị của VASEP về gói hỗ trợ khẩn cấp cho DN cá tra Việt Nam. Trên cơ sở này, ngày 7/6/2012, VDB đã gửi Công văn hỏa tốc số 1812/NHPT-TDXK tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra theo Nghị quyết số 13/NQ-CP.

Tôm khoẻ mạnh vỏ thường có màu xanh lá cây, hoạt động (di chuyển, bắt mồi) nhanh nhẹn. Màu xanh da trời ở tôm khoẻ thường có ngay sau khi lột xác, một thời gian sau chuyển sang màu xanh lá cây. Cũng có giống tôm do di truyền hoặc do thức ăn, điều kiện nuôi dưỡng mà có màu xanh da trời ngay cả khi tôm khoẻ mạnh, cơ thể không lột xác.

Chiều 9.6, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch đi thăm mô hình trồng quýt của anh Trần Văn Bảo ở ấp 8, xã Tấn Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.