Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển vọng từ khoai sáp

Triển vọng từ khoai sáp
Ngày đăng: 29/09/2015

Niềm vui được mùa

Theo người dân xã Ninh Lộc, vụ khoai sáp năm nay, nông dân thu hoạch đều có lãi khá vì khoai đạt sản lượng, bán được giá.

Tìm đến cánh đồng khoai sáp ở thôn Vạn Khê, nơi có số hộ nông dân trồng loại cây này nhiều nhất ở xã, chúng tôi bắt gặp không khí thu hoạch rộn rã. Lụi cụi nhổ từng gốc khoai giữa trưa nắng, ông Nguyễn Thành Sơn cho biết:

“Hôm trước, nhà tôi mới nhổ được một nửa đám ruộng, nay tranh thủ nhổ cho xong để kịp bán cho thương lái. Nhà tôi có hơn 2,5 sào khoai. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, thu hoạch hơn 1,5 tấn củ, giá bán tại ruộng dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Trừ chi phí, vụ khoai này gia đình tôi lãi khoảng 20 triệu đồng”.

 

Ông Nguyễn Thành Sơn đang thu hoạch khoai sáp

Hộ ông Nguyễn Văn Thân, thôn Vạn Khê cũng vừa thu hoạch hơn 5 sào khoai với khoảng 2,5 - 3 tấn củ, trừ chi phí ban đầu, gia đình ông lãi hơn 40 triệu đồng.

Theo ông Thân, những năm trước, giá khoai sáp không cao, chỉ từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng cũng đủ để người trồng khoai có lãi và trang trải cuộc sống. Năm nay, có thể thị trường ưa chuộng, giá bán khá cao nên nông dân phấn khởi, tiếp tục đầu tư cho vụ sau.

Được biết, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước cung cấp cho việc sản xuất khan hiếm, nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn xã chỉ trồng được 1 vụ, thậm chí phải bỏ hoang.

Với tình hình nắng hạn, cộng với tình trạng thiếu nước thường xuyên ở đập Trường Bơi và hồ chứa nước Sở Quan (nằm trên địa bàn xã), từ năm 2013, xã triển khai chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang trồng khoai sáp và dần được nhiều người dân lựa chọn.

Ông Hồ Đức Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết:

“Ban đầu, mô hình trồng khoai sáp được triển khai thí điểm ở 2 hộ, có sự theo dõi và chuyển giao kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp tỉnh và thị xã. Kết quả cho thấy, cây khoai sáp hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết địa phương nên phát triển khá tốt và cho thu nhập ổn định”.

Theo tính toán của các hộ dân, nếu so với trồng lúa 1 vụ như trước đây, trồng khoai sáp dễ hơn, ít lo bị sâu bệnh hay thiếu nước tưới và lãi thu được cao gấp 2 - 3 lần.

Mong được hỗ trợ để mở rộng diện tích

Hiện xã Ninh Lộc có 14ha diện tích trồng cây hoa màu, trong đó có khoảng 10ha trồng khoai sáp, số còn lại là các cây họ đậu với khoảng 30 hộ trồng.

Sau vụ khoai năm 2013, xã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh, thị xã triển khai hội thảo về hiệu quả trong việc chuyển đổi mô hình từ trồng lúa 1 vụ sang trồng khoai sáp đạt giá trị kinh tế cao.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với chính quyền địa phương về việc nhân rộng mô hình trồng cây khoai sáp. Nếu được đầu tư theo hướng tập trung, xã Ninh Lộc hoàn toàn có điều kiện hướng tới việc phát triển loại cây trồng này.

Ông Trịnh Văn Trí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ninh Lộc cho biết, với tình hình thiếu nước tưới như hiện nay, xã gặp không ít khó khăn trong việc định hướng mở rộng diện tích cũng như tạo đầu ra ổn định cho loại nông sản này.

Do vậy, xã mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ trong việc cải tạo hồ chứa nước Sở Quan để giúp người dân địa phương yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích, tăng thu nhập.

Xã sẽ chỉ đạo Hội Nông dân rà soát, kiểm tra, đánh giá chính xác tính hiệu quả của mô hình, từ đó tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia nhóm, tổ liên kết nhằm giúp nông dân có đầu ra ổn định, tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận trồng ồ ạt và bị tư thương ép giá.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Trắm Đen Ở Đông Triều (Quảng Ninh) Nuôi Cá Trắm Đen Ở Đông Triều (Quảng Ninh)

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, xã Yên Đức (huyện Đông Triều - Quảng Ninh) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật để đưa các con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Dự án nuôi cá trắm đen thương phẩm được triển khai thí điểm ở xã Yên Đức là một trong những mô hình mới như vậy.

07/04/2014
"Triệt Sản" Ruồi Để Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Thanh Long

Từ trước tới nay, việc xuất khẩu trái thanh long bị hạn chế vì trái chín thường bị ruồi đục, không thể bảo quản dài ngày để vận chuyền tới các thị trường xa. Để bảo quản sau thu hoạch, nhà vườn thanh long hoặc phải chiếu xạ cho từng lô hàng, hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tốn kém vừa có nguy cơ sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

30/07/2014
Tôm Nuôi Có Nguy Cơ Bùng Phát Dịch, Ngành Thú Y Gặp Khó Tôm Nuôi Có Nguy Cơ Bùng Phát Dịch, Ngành Thú Y Gặp Khó

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã tăng hơn 1.400 ha nuôi tôm công nghiệp, chủ yếu là ngoài vùng quy hoạch. Việc tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch kéo theo nhiều hệ luỵ về kiểm soát dịch bệnh.

07/04/2014
Tái Cơ Cấu Để Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Bền Vững Tái Cơ Cấu Để Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Bền Vững

Chính vì thế, tái cơ cấu (TCC) ngành Nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 là vấn đề cần thiết. Trong đó, NCN cũng phải tính đến phương án TCC phát triển bền vững.

30/07/2014
Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng Thủy Sản Lạng Sơn Đã Qua Những Trầm Lắng

Song hành với các chính sách hỗ trợ, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động bổ sung nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Từ thả cá hữu nghị với Trung Quốc trên sông Kỳ Cùng, đến thả cá bổ sung cho hồ thủy lợi.

07/04/2014