Triển vọng từ khoai sáp

Niềm vui được mùa
Theo người dân xã Ninh Lộc, vụ khoai sáp năm nay, nông dân thu hoạch đều có lãi khá vì khoai đạt sản lượng, bán được giá.
Tìm đến cánh đồng khoai sáp ở thôn Vạn Khê, nơi có số hộ nông dân trồng loại cây này nhiều nhất ở xã, chúng tôi bắt gặp không khí thu hoạch rộn rã. Lụi cụi nhổ từng gốc khoai giữa trưa nắng, ông Nguyễn Thành Sơn cho biết:
“Hôm trước, nhà tôi mới nhổ được một nửa đám ruộng, nay tranh thủ nhổ cho xong để kịp bán cho thương lái. Nhà tôi có hơn 2,5 sào khoai. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, thu hoạch hơn 1,5 tấn củ, giá bán tại ruộng dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Trừ chi phí, vụ khoai này gia đình tôi lãi khoảng 20 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Thành Sơn đang thu hoạch khoai sáp
Hộ ông Nguyễn Văn Thân, thôn Vạn Khê cũng vừa thu hoạch hơn 5 sào khoai với khoảng 2,5 - 3 tấn củ, trừ chi phí ban đầu, gia đình ông lãi hơn 40 triệu đồng.
Theo ông Thân, những năm trước, giá khoai sáp không cao, chỉ từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng cũng đủ để người trồng khoai có lãi và trang trải cuộc sống. Năm nay, có thể thị trường ưa chuộng, giá bán khá cao nên nông dân phấn khởi, tiếp tục đầu tư cho vụ sau.
Được biết, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước cung cấp cho việc sản xuất khan hiếm, nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn xã chỉ trồng được 1 vụ, thậm chí phải bỏ hoang.
Với tình hình nắng hạn, cộng với tình trạng thiếu nước thường xuyên ở đập Trường Bơi và hồ chứa nước Sở Quan (nằm trên địa bàn xã), từ năm 2013, xã triển khai chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang trồng khoai sáp và dần được nhiều người dân lựa chọn.
Ông Hồ Đức Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết:
“Ban đầu, mô hình trồng khoai sáp được triển khai thí điểm ở 2 hộ, có sự theo dõi và chuyển giao kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp tỉnh và thị xã. Kết quả cho thấy, cây khoai sáp hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết địa phương nên phát triển khá tốt và cho thu nhập ổn định”.
Theo tính toán của các hộ dân, nếu so với trồng lúa 1 vụ như trước đây, trồng khoai sáp dễ hơn, ít lo bị sâu bệnh hay thiếu nước tưới và lãi thu được cao gấp 2 - 3 lần.
Mong được hỗ trợ để mở rộng diện tích
Hiện xã Ninh Lộc có 14ha diện tích trồng cây hoa màu, trong đó có khoảng 10ha trồng khoai sáp, số còn lại là các cây họ đậu với khoảng 30 hộ trồng.
Sau vụ khoai năm 2013, xã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh, thị xã triển khai hội thảo về hiệu quả trong việc chuyển đổi mô hình từ trồng lúa 1 vụ sang trồng khoai sáp đạt giá trị kinh tế cao.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với chính quyền địa phương về việc nhân rộng mô hình trồng cây khoai sáp. Nếu được đầu tư theo hướng tập trung, xã Ninh Lộc hoàn toàn có điều kiện hướng tới việc phát triển loại cây trồng này.
Ông Trịnh Văn Trí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ninh Lộc cho biết, với tình hình thiếu nước tưới như hiện nay, xã gặp không ít khó khăn trong việc định hướng mở rộng diện tích cũng như tạo đầu ra ổn định cho loại nông sản này.
Do vậy, xã mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ trong việc cải tạo hồ chứa nước Sở Quan để giúp người dân địa phương yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích, tăng thu nhập.
Xã sẽ chỉ đạo Hội Nông dân rà soát, kiểm tra, đánh giá chính xác tính hiệu quả của mô hình, từ đó tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia nhóm, tổ liên kết nhằm giúp nông dân có đầu ra ổn định, tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận trồng ồ ạt và bị tư thương ép giá.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Tổng diện tích thả nuôi hiện nay là 1.040 ha; trong đó, tôm sú 40 ha, tôm thẻ chân trắng 1.000 ha, tổng sản lượng đạt gần 9.000 tấn/năm. Nghề nuôi tôm nước lợ đang ngày càng phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Tuy nhiên, điểm hạn chế là vẫn còn nhiều hộ sản xuất mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng tôm thịt thấp.

Do ở vụ nuôi năm 2014, thời tiết diễn biến phức tạp, nên bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm xảy ra khá nhiều, làm cả vụ nuôi có gần 50% diện tích bị thiệt hại. Cho nên vụ nuôi này bà con vẫn rất lo lắng về chất lượng con giống, môi trường ô nhiễm và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Từ tháng 11.2014 đến nay, ngư dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã đánh bắt được trên 45.000 con tôm hùm giống (THG) các loại, tăng gấp 3 lần so với cùng vụ năm trước, cao nhất từ trước tới nay ở địa phương. Trong đó, chủ yếu tôm sao, chiếm trên 90%.

Năm qua, toàn tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi thủy sản trên 47 ngàn héc-ta, đạt 106%. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đã thả giống quay vòng được gần 10,7 ngàn héc-ta (tôm sú gần 1,5 ngàn héc-ta; tôm chân trắng trên 9,2 ngàn héc-ta); diện tích nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa trên 25 ngàn héc-ta, đạt 100% kế hoạch năm.

Anh Hưng kể: “Khi thả cần được một lúc thì cá cắn câu với một lực rất mạnh. Theo kinh nghiệm, biết đây là cá lớn nên tôi đã gọi nhóm anh em đi câu cùng đến giúp; và phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ “vật lộn”, nhóm tôi mới lôi được con cá lên khỏi mặt nước”.