Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Cây Đậu Đen Xanh Lòng Ở Triệu Vân

Triển Vọng Từ Cây Đậu Đen Xanh Lòng Ở Triệu Vân
Ngày đăng: 24/07/2014

Xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là xã biển bãi ngang nhưng những năm trở lại đây lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm phát triển và từng bước mang lại hiệu quả cao. Ngoài cây lúa và một số loại cây hoa màu khác thì khoảng 5 năm trở lại đây, cây đậu đen xanh lòng được trồng nơi đây đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, mở ra hướng làm ăn mới đầy triển vọng.

Về vùng bãi ngang xã Triệu Vân bây giờ không chỉ thấy hình ảnh những chiếc thuyền ra khơi bám biển mà còn là những cánh đồng hoa màu các loại xanh tươi trên vùng cát bạc màu ngày nào.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng trồng màu của xã, ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Hướng phát triển của xã là cân bằng giữa ngư nghiệp với nông nghiệp.

Bởi ngoài nghề biển thì địa phương còn có diện tích đất cát rộng lớn. Tuy vậy hầu hết vùng đất này đều là đất cát cằn khô. Việc tìm ra hướng đi nào thích hợp trong sản xuất nông nghiệp là điều chúng tôi trăn trở từ nhiều năm nay”.

Theo ông Đức, để hiện thực hóa hướng mở phát triển về nông nghiệp, địa phương đã rà soát lại toàn bộ diện tích đất trên toàn xã để quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại cây trồng. Vùng thấp thì có thể trồng lúa, cao hơn thì dành để trồng màu và phát triển một số mô hình chăn nuôi tập trung.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của toàn xã đã đạt là 292 ha. Trong đó, cây lúa đã tăng mạnh, lên đến 117 ha, hàng năm mang lại sản lượng trên 491 tấn, đảm bảo an ninh lương thực của địa phương và còn bán ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, địa phương còn phát triển mạnh các loại cây trồng chủ lực khác như khoai lang, sắn, lạc, vừng, rau đậu các loại, hoa cây cảnh, ớt… Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), thâm canh tăng vụ nên hầu hết các loại cây trồng này đều tăng diện tích canh tác và năng suất hàng năm.

Trong số những loại cây trồng trên thì thời gian qua cây đậu đen xanh lòng đã tỏ rõ tính hiệu quả kinh tế cao và được nông dân quan tâm. Cây đậu đen xanh lòng được người dân thử nghiệm canh tác cách đây khoảng 7-8 năm, nhưng phát triển mạnh kể từ khoảng năm 2010.

Cũng trong thời gian này, dự án Biến đổi khí hậu, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế) đã hỗ trợ phát triển mô hình trồng đậu đen xanh lòng cho người dân với mong muốn sản xuất loại nông sản này theo hướng hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Theo đó, dự án đã hỗ trợ về nguồn giống, phân bón, tập huấn KHKT cho 65 hộ dân tại địa phương canh tác đậu đen xanh lòng theo quy trình biến đổi khí hậu. Trong số 65 hộ này, dự án đã chia thành nhiều tổ, nhóm sản xuất để thuận tiện giúp đỡ nhau trong việc canh tác.

Cùng với số hộ được dự án hỗ trợ, người dân tại địa phương cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng xen canh đậu đen xanh lòng trên một số diện tích hoa màu khác để nâng cao thu nhập. Hiện tại xã Triệu Vân đã có khoảng 70% số hộ có tham gia trồng đậu đen xanh lòng với bình quân từ 3-5 sào/hộ, có hộ trồng đến 9 sào.

Anh Hồ Văn Phùng, cán bộ khuyến nông xã Triệu Vân cho biết: “Cây đậu đen xanh lòng đặc biệt thích nghi và phát triển tốt ở vùng cát địa phương, sức chống chịu hạn cao.

Cây đặc biệt ít bị nhiễm sâu bệnh, cho trái dày, hạt đều. Ngoài việc thích nghi tốt với vùng đất cát địa phương thì việc áp dụng tốt các tiến bộ KHKT, trong chăm sóc, thu hoạch nên đã mang lại chất lượng nông sản tốt, năng suất, sản lượng tăng đều qua từng năm”.

Anh Hồ Thanh Minh, ở thôn 9 làm 5 sào đậu đen xanh lòng phấn khởi nói: “Liên tiếp 3 năm trở lại đây cây đậu đen xanh lòng vừa trúng mùa vừa trúng giá nên bà con vui lắm.

Hiện tại, giá đậu đen xanh lòng đang dao động từ 32-35.000 đồng/kg, mỗi sào bình quân cho năng suất từ 90-100 kg, tính ra mỗi sào như vậy cho thu nhập trên 3 triệu đồng mà vụ trồng chỉ kéo dài chừng hơn 2 tháng, chi phí sản xuất lại thấp. Đầu ra của loại nông sản này hiện rất ổn, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu nên bà con rất phấn khởi”.

Cũng như gia đình anh Minh, hộ anh Trần Bình Công ở thôn 8 canh tác trên 3 sào đậu đen xanh lòng nói thêm: “Trồng giống đậu này tương đối dễ.

Chỉ cần chịu khó chăm sóc là được, còn sâu bệnh rất ít. So với các loại cây khác thì đậu đen xanh lòng có thu nhập cao và ổn định hơn cả. Chỉ làm chừng 3 sào là mỗi vụ kiếm được chục triệu đồng, mà mỗi năm có thể làm hơn 2 vụ ăn chắc”.

Khi vị thế của cây đậu đen xanh lòng ngày càng được khẳng định trên vùng cát Triệu Vân thì dự án Biến đổi khí hậu tính đến chuyện đăng ký xây dựng nhãn hiệu cho nông sản này. Và sau hơn 2 năm làm các thủ tục cần thiết, đến đầu tháng 7/2014, đậu đen xanh lòng xã Triệu Vân đã được cấp nhãn hiệu và chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Ngô Văn Chung, cán bộ phụ trách dự án Biến đổi khí hậu tại Quảng Trị cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi thì thị trường hiện khá ưa chuộng đậu đen xanh lòng, nhất là được trồng ở vùng cát.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với Nhà máy chế biến Nông sản Đông Hà để chế biến và đưa loại nông sản này ra thị trường, trước mắt là đưa vào siêu thị và một số địa điểm kinh doanh hàng lớn ở thành phố Đông Hà để tiếp cận người tiêu dùng.

Với giá bán hiện thời ở tại địa phương đã cao như vậy nhưng khi đã có nhãn hiệu, nếu vào được siêu thị thì giá cả sẽ tăng gấp đôi, lúc đó thu nhập từ đậu đen xanh lòng của người dân chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn nữa”.

Theo ông Lê Hữu Triển, Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Triệu Vân thì hiện địa phương đang tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích canh tác cây đậu đen xanh lòng.

Hiện diện tích cây đậu đen xanh lòng của toàn xã đã đạt trên 55 ha. Tính bình quân mỗi héc ta cho năng suất 1,8 tấn thì tổng diện tích này cũng cho sản lượng gần 100 tấn/vụ. Nếu mở rộng diện tích và tăng cường thâm canh, xen canh thì sản lượng chắc chắn còn tăng hơn nữa.

Đầu ra những năm gần đây của loại nông sản này là rất ổn định với giá cao nên rất yên tâm. Mục tiêu của HTX là trong vài năm tới phải xây dựng được khu sản xuất đậu đen xanh lòng tập trung quy mô, tạo ra được sản phẩm chất lượng, “sạch” và từng bước tạo được thương hiệu trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Năm 2014 Phấn Đấu Tổng Sản Lượng Khai Thác Đạt 1,582 Triệu Tấn Năm 2014 Phấn Đấu Tổng Sản Lượng Khai Thác Đạt 1,582 Triệu Tấn

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Vụ cá Bắc năm 2013 – 2014 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường; giá xăng, dầu tiếp tục tăng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản; giá bán các sản phẩm khai thác không tăng; tình hình an ninh trên biển vẫn còn diễn biến phức tạp.

01/04/2014
Đã Ngăn Chặn Thương Nhân Trung Quốc Mua Lá Khoai Lang Đã Ngăn Chặn Thương Nhân Trung Quốc Mua Lá Khoai Lang

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí thông báo kết quả xác minh việc thương nhân Trung Quốc thu gom các loại nông, lâm sản và "những mặt hàng khác lạ"... sau khi yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát.

01/04/2014
Giá Trị Sản Xuất Ngành Thủy Sản Tăng Bình Quân Hơn 4%/năm Giá Trị Sản Xuất Ngành Thủy Sản Tăng Bình Quân Hơn 4%/năm

Sáng nay 30-3, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản”.

01/04/2014
Hậu Hậu "Cơn Bão Tu Hài" Cái Kết Khó Gỡ

Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...

01/04/2014
Miền Trung Lại Ồ Ạt Nuôi Tôm Miền Trung Lại Ồ Ạt Nuôi Tôm

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.

01/04/2014