Triển Vọng Trồng Măng Tây Xanh

Sau khi mô hình trồng măng tây xanh ở xã Điện Hòa bước đầu thành công, tháng 8.2014, Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Điện Bàn tiếp tục triển khai mô hình trồng loại cây này tại thôn Hà My Trung (xã Điện Dương) nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.
Tham gia mô hình có 2 hộ nông dân Lê Thanh Phong (diện tích 1.000m2) và Nguyễn Thìn (800m2). Đây là cây trồng mới, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm thay thế một số loại rau kém hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất.
Trước khi thực hiện, Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện phối hợp với Công ty Hưng Trung Việt (Tam Kỳ) mở lớp tập huấn cho các hộ tham gia mô hình và những hộ dân có nhu cầu trồng cây măng tây xanh. Qua hơn 2 tháng triển khai với vốn đầu tư khoảng 10 triệu đồng mỗi hộ (gồm giống, hệ thống ống tưới nước, vật tư, phân bón)…, đến nay cây sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Ông Nguyễn Thành Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân, Phó ban Kinh tế xã Điện Dương cho biết: “Măng tây thích hợp với các loại đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ tơi xốp của Điện Dương. Tuy nhiên măng tây xanh là một loại rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thân mềm, thích hợp với độ ẩm cao nên đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc.
Sau 6 tháng cây măng tây sẽ bắt đầu cho thu hoạch, giá bán vào khoảng 50 nghìn đồng/kg, tuy nhiên sau này khi gốc măng đã phát triển hoàn thiện thì sản lượng sẽ đạt hơn 120kg. Theo tính toán, chỉ trong vòng 1 năm cho thu hoạch, các gia đình này sẽ thu hồi được số vốn đầu tư ban đầu và 5 năm tiếp theo sẽ cho thu nhập khá cao.
Theo một tài liệu, cây măng tây xanh là loại cây đa niên thuộc họ măng xuất xứ ở châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Ngày nay cây măng tây được trồng nhiều nơi, dùng trong ẩm thực. Đây là loại rau thực phẩm cao cấp giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng với nhiều mục đích hữu dụng: chồi măng non làm rau thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, cành lá làm kiểng trang trí hoa cắt cành, rễ, thân, lá làm dược liệu và nước giải khát, phế liệu làm thức ăn gia súc…
Ông Lê Thanh Phong, một trong 2 hộ tham gia mô hình, cho biết, ông muốn thử nghiệm trồng giống măng tây xanh trên diện tích đất vườn. Hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống trồng, và tự làm hệ thống tưới nhỏ giọt, phân bón...
“Đây là đối tượng cây trồng đòi hỏi trình độ thâm canh cao, do mới tiếp cận nên ban đầu chúng tôi gặp không ít khó khăn, tuy nhiên được trạm khuyến nông huyện và công ty thu mua cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, phân loại, bảo quản. Hiện cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi rất mừng, hy vọng nó sẽ trở thành nguồn thu nhập chính, ổn định của gia đình mình” – ông Phong nói.
Ông Phạm Thành Chung, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn cho biết thêm, măng tây là đối tượng cây trồng mới có thị trường tiêu thụ khá lớn trong và ngoài nước, cho giá trị kinh tế cao, bước đầu tỏ ra thích nghi sinh trưởng phát triển tốt với điều kiện thổ nhưỡng đất cát pha của vùng đất Điện Hòa, Điện Dương.
Để triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đã đi học tập mô hình ở Ninh Thuận, Củ Chi, áp dụng giống mới vào địa phương. Điện Dương thuộc vùng sẽ lên đô thị trong tương lai không xa, đây là cây trồng rất triển vọng, phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng đô thị bởi giá trị cao, khả năng tiêu thụ lớn tại vùng đô thị.
Có thể bạn quan tâm

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định, đến nay nông dân các địa phương trong tỉnh đã sử dụng trên 1.681 ha mặt nước để nuôi tôm, trong đó diện tích mặt nước thả nuôi tôm thẻ chân trắng 483,3 ha, tôm sú 1.197,7 ha.

Dù đang vào mùa đánh bắt chính nhưng nhiều ngư dân đành cho tàu nằm bờ vì một số mặt hàng hải sản rớt giá, trong khi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lại tăng cao.

Ngày 29/5/2015, tại huyện Phước Long, Phân viện Nuôi trồng thủy sản Minh Hải phối hợp Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Bạc Liêu và UBND huyện Phước Long tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Tìm giải pháp khắc phục tình trạng tôm chết mô hình quảng canh cải tiến”. Có hơn 100 bà con nông dân vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản của huyện Phước Long tham dự.

Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ thả nuôi 9.615ha tôm các loại, trong đó diện tích nuôi tôm sú 6.814ha; diện tích nuôi tôm chân trắng 2.801ha. Phấn đấu đạt sản lượng 9.638 tấn. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh đã thu hoạch xong tôm nuôi vụ thu - đông và đã cơ bản thả tôm giống nuôi vụ xuân - hè.

Hiện nay, việc nuôi xen canh sò huyết và cua trong vuông tôm được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Trần Thới và Đông Thới (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro nhưng mang tính bền vững, rất phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân.