Triển Vọng Nuôi Thủy Sản Tiêu Chuẩn VietGAP

Nuôi cá trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu tiên được triển khai tại Quảng Nam đã đem lại kết quả khả quan, qua đó mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
Thành công bước đầu
Tháng 4.2014, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam triển khai mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 250m3 tại hồ Khe Tân do ông Trương Văn Siêng (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, Đại Lộc) làm chủ hộ nuôi.
Để mô hình đạt hiệu quả, sau khi khảo sát chọn đối tượng và địa điểm nuôi, ngành thủy sản đã trang bị chu đáo về kỹ thuật nuôi cho hộ gia đình triển khai. Quá trình nuôi đã được tiến hành đồng bộ các khâu về giống, mật độ thả cá, thức ăn, chăm sóc và quản lý.
Cụ thể, cá giống được mua ở Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đồng đều kích cỡ, có màu sắc tươi sáng và được tắm nước muối (10%) trước khi thả. Mật độ thả cá là 100 con/m3. Lượng thức ăn bằng 3 - 5% trọng lượng cá có trong lồng.
Quá trình cho cá ăn chỉ diễn ra lúc sáng sớm và chiều mát... Ông Siêng cho biết, trong quá trình nuôi, gia đình thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và định kỳ dùng túi chứa vôi bột để hạn chế mầm bệnh xảy ra. “Môi trường sống của cá được đảm bảo bằng cách khống chế các tác nhân gây bệnh và vệ sinh lồng trước các bữa ăn của cá.
Cứ đều đặn mỗi tháng, chúng tôi kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá qua các thay đổi về chiều dài, trọng lượng, tỷ lệ sống của cá. Từ đó, lượng thức ăn cũng được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển của cá” - ông Siêng nói.
Sau hơn 4 tháng thả nuôi, đến thời điểm này, tỷ lệ sống trung bình của cá đạt 70%, trọng lượng bình quân của cá là 600g/con.
Kết quả, gia đình ông Siêng thu được gần 11 tấn cá. Với giá bán cá điêu hồng vào thời điểm hiện tại đạt 43.000 đồng/kg, gia đình ông Siêng thu được hơn 450 triệu đồng. Giá thành sản xuất được tính là 360 triệu đồng gồm các khoản cá giống (37 triệu đồng), thức ăn (gần 300 triệu đồng), đầu tư lồng bè (10 triệu đồng), men vi sinh, thuốc, hoá chất và thuê công lao động.
Như vậy, sau hơn 4 tháng thả nuôi, gia đình ông Siêng thu lãi khoảng 90 triệu đồng. Ông Siêng cho biết: “Mặc dù phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe nhưng nuôi cá điêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế tương đối cao. Trước đây, sản xuất nông nghiệp, chúng tôi chỉ “cầm cự” qua ngày thì nay đã dư dả và sẽ mở rộng sản xuất trong thời gian đến”.
Mở rộng sản xuất
Ông Võ Ngọc Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Chánh khẳng định, mức lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/tháng khi nuôi cá điêu hồng trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP vượt trội hẳn so với mức thu nhập bình quân của người dân địa phương. Áp dụng rộng rãi mô hình này giúp người dân phát triển kinh tế là điều nên làm. “Hạn chế về kỹ thuật đã được khắc phục thông qua việc tổ chức những buổi tập huấn cho người nuôi.
Điều quan trọng là giúp người dân huy động nguồn vốn đầu tư và khơi thông thị trường, đảm bảo đầu ra của sản phẩm” - ông Huệ nói. Về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc khẳng định: “Trước đây khi mở rộng sản xuất trồng đa dạng các loại rau, củ, quả ở Bàu Tròn (xã Đại An) người nông dân cũng rất lo sợ đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua nhiều kênh kết nối, sản phẩm được bán rất chạy, đem lại thu nhập cao cho các nông hộ. Điều đó cho thấy đối với sản phẩm cá sạch, việc tiêu thụ không phải là vấn đề, bởi khi sản phẩm đã đạt được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ có đầu ra đảm bảo”.
Theo kinh nghiệm sản xuất của ông Trương Văn Siêng, khi triển khai mô hình gia đình gặp khó với 2 vấn đề. Thứ nhất là không thể kiểm soát được lượng thức ăn bị hao hụt do lượng cá tạp trong vùng nuôi chiếm lấy; thứ hai là quá phụ thuộc vào thời tiết.
Vào mùa khô, mưa dông bất chợt sau những ngày nắng nóng kéo dài khiến môi trường nước bị thay đổi đột ngột nên cá dễ bị chết do bệnh tấn công.
Vào mùa mưa, nếu lũ đến bất ngờ sẽ khiến lượng cá bị thất thoát lớn. Trong khi đó, hễ khi cá có dấu hiệu bất thường thì người nuôi rất bị động xử lý khi xã không có cán bộ phụ trách thủy sản giúp đỡ còn cấp huyện và cấp tỉnh thì quá xa, rất khó liên hệ ngay. Nếu nhân rộng mô hình, cần bố trí cán bộ chuyên trách thủy sản để hỗ trợ người dân kịp thời.
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP làm thay đổi nhận thức của các nông hộ, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản tại Quảng Nam.
Sở NN-PTNT cần quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí nhằm tiếp tục nhân rộng quy mô thực hiện mô hình nuôi cá lồng bè theo tiêu chí VietGAP để nông dân địa phương rộng rãi tiếp cận mô hình”.
Có thể bạn quan tâm

Hiện ở Tiên Yên (Quảng Ninh), nhiều người dân đã đổi đời, trở thành triệu phú từ nghề nuôi tôm. Không chỉ đơn thuần là những vùng nuôi quảng canh, bán thâm canh, nơi đây đã dần xuất hiện, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tránh phát sinh vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga và Liên minh Hải quan. Trong đó đặc biệt lưu ý đến sản phẩm được phép xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu, nhà nhập khẩu được VPSS công nhận.

Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích việc chế biến và tồn trữ thức ăn khô từ cỏ, rơm rạ, thân đậu, bắp và áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo, trong đó có phương pháp gieo tinh phân biệt giới tính để nâng cao chất lượng và sản lượng khai thác.

Tập quán lâu đời của người dân miền sông nước là chăn nuôi vài con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn hằng ngày, hay nuôi cặp heo để tận dụng thức ăn thừa và để giải quyết khó khăn lúc túng bấn.

Anh Khá cho biết: “Nếu như mọi năm, sau khi thỏa thuận được giá cả, thương lái sẽ giao hết tiền và nhanh chóng thu hoạch hết mía chỉ trong 1 - 2 ngày. Năm nay, thương lái chỉ đặt cọc khoảng 70% và sau cả tuần lễ họ cũng chưa chặt hết mía trên ruộng”.