Triển Vọng Nuôi Cá Gáy Biển

Đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển tại Khánh Hòa” vừa được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá đã mở ra triển vọng về một loại đối tượng nuôi mới.
Đề tài do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, kỹ sư Lê Thị Như Phượng (Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải Nha Trang) làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài là hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nâng cao tỷ lệ sống của cá giống để chuyển giao công nghệ cho người nuôi ở Khánh Hòa.
Cá gáy biển thịt trắng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, được khai thác nhiều ngoài tự nhiên. Ngư dân tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và đảo Phú Quốc đã nuôi cá gáy thương phẩm từ nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, Công ty thủy sản Hoằng Ký đã cho sinh sản nhân tạo thành công cá gáy biển tại Khánh Hòa với tỷ lệ ương nuôi cá bột là 5% và ương nuôi cá giống ở ao đất đạt cỡ con giống 8 - 10cm xuất bán ra thị trường.
Trên cơ sở đó, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh đã phê duyệt đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển tại Khánh Hòa”. Nhóm nghiên cứu đề tài gồm những người đã tham gia trực tiếp sản xuất và thực hiện quy trình sản xuất giống cá gáy biển ở Công ty thủy sản Hoằng Ký và cộng tác viên là những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc sản xuất giống nhân tạo cá biển.
Theo nhóm thực hiện đề tài, đây là đối tượng mới, chưa có các công trình nghiên cứu đã công bố về đặc điểm sinh học và sản xuất giống nhân tạo loài cá này. Dựa trên kinh nghiệm về sản xuất giống một số loài cá biển ở Việt Nam như cá mú, cá chẻm, cá hồng bạc… nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo với cá gáy biển.
Kỹ sư Lê Thị Như Phượng đưa chúng tôi đến khu lồng bè của Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải Nha Trang tại Vũng Ngán (Vĩnh Nguyên, Nha Trang), nơi có các lồng cá bố mẹ đang được nuôi vỗ và cho sinh sản. Đàn cá bố mẹ này được tuyển chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm, có nguồn gốc từ tự nhiên.
Theo Kỹ sư Phượng, cá gáy biển là đối tượng mới, người dân đã nuôi thương phẩm nhưng số lượng ít vì phụ thuộc con giống ngoài tự nhiên. Để mở rộng quy mô nuôi thương phẩm cần có nguồn giống ổn định. Vì vậy, chị chọn nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển nhằm đáp ứng nhu cầu về giống đối tượng nuôi này trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá gáy tương đối dễ sinh sản do loài cá này từ nhỏ đã phân rõ con đực, con cái, không phải chuyển giới tính; cá bố mẹ không cần trọng lượng lớn (2 - 4kg), nuôi khoảng 2 năm tuổi là cho sinh sản được. Tỷ lệ thành thục của cá cái cao (trung bình 82%, cao nhất vào tháng 6), nếu nuôi vỗ tốt có thể cho đẻ quanh năm.
Kỹ sư Phượng cho biết, trong quá trình ương giống (cá bột) có gặp khó khăn khi tìm thức ăn phù hợp cho cá ở giai đoạn đầu. Khi cá gáy biển mới mở miệng, do kích thước miệng nhỏ nên nó không ăn luân trùng siêu nhỏ như hầu hết các loài cá biển khác mà ăn trứng hàu. Còn các giai đoạn sau cơ bản như nuôi các loài cá biển khác.
Đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển, bao gồm tuyển chọn, nuôi vỗ đàn cá gáy bố mẹ và cho đẻ nhân tạo, xác lập chế độ cho ăn và mật độ ương cá bột mới nở đến 1,5 - 2cm; kỹ thuật ương nuôi cá gáy từ 1,5 - 2cm đến cỡ 4 - 5cm và sơ bộ hạch toán kinh tế.
Kết quả, tỷ lệ sống của cá bố mẹ được tuyển chọn từ đàn cá nuôi đạt 90%; cá đẻ 6 đợt trong năm, tỷ lệ thụ tinh đạt hơn 60%, tỷ lệ nở gần 92%. Với 1 trại sản xuất giống nhân tạo, mỗi đợt sản xuất được 50.000 con cá giống cỡ 4 - 5cm, giá thành 1.200 đồng/con. Với giá thị trường 2.000 đồng/con, cho lãi khoảng 40 triệu đồng. Đề tài cũng đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển cho 8 đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tuy đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển tại Khánh Hòa nhưng để phát triển đối tượng nuôi này cần tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm.
Có thể bạn quan tâm

“Từ gần 10 năm nay, bên cạnh nghề trồng rau, hoa, nuôi cá ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu) đã trở thành một nghề. Với diện tích 65,27ha mặt nước, nhiều gia đình đã trở thành hộ khá, giàu từ phát triển kinh tế thủy sản” - chị Lò Thị Thìn, cán bộ Trạm Khuyến nông xã San Thàng cho biết.

Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, do giải quyết “bài toán” quy hoạch vùng nuôi tôm giống còn dang dở khiến cho các doanh nghiệp vùng tôm danh tiếng ở Tuy Phong đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Nghề nuôi và khai thác nghêu ở các bãi bồi ven biển là nguồn sinh kế quan trọng đối với cộng đồng dân cư ven biển. Đó là thông tin tại hội thảo “Mối liên hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp cùng Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) vừa tổ chức tại TP HCM.

Là loài cá nước mặn, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, nhưng cá bống bớp đã “bén duyên” và gắn bó trong “ao nhà” ở vùng đất Nghĩa Hưng (Nam Định) từ hơn 20 năm trước, khi những ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom góp lại nuôi trong ao.

Sản lượng tôm của Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) là nguyên nhân chính dẫn tới NK tôm từ 2 nước này giảm sút. Theo đó, các nguồn cung khác như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia tận dụng cơ hội này mở rộng thị trường. NK tôm Indonesia vào Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng tới 311,7%.