Triển vọng mô hình trồng nấm rơm trong nhà

Ưu điểm của nghề trồng nấm là sản xuất quanh năm, chỉ cần đảm bảo được nhiệt độ thích hợp, để nấm phát triển. Sản xuất nấm vừa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, vừa tận dụng được sức lao động nông nhàn giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, tỉnh ta lại là vùng có diện tích trồng lúa rộng lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho việc trồng nấm của bà con nông dân. Nhưng những năm gần đây, do thời tiết diễn biến thất thường, sản phẩm nấm rơm làm ra không đảm bảo chất lượng, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Từ những khó khăn đó, ngành Khoa học - Công nghệ tỉnh An Giang đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm trong nhà cho nông dân, giúp bà con chủ động hơn trong việc sản xuất nấm, mà không sợ ảnh hưởng của thời tiết. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng nấm và mang lại lợi nhuận cho nông dân.
Thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà từ năm 2012, anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) cho biết, đến nay, anh có tổng diện tích đất của hai nhà trồng nấm gần 150m2. Việc trồng nấm rơm trong nhà không khó hơn so với việc trồng nấm ngoài trời và chất lượng, sản lượng tốt hơn so với trồng ngoài trời. Trồng nấm trong nhà tiết kiệm được nguồn nguyên liệu khoảng 30 - 40% so với việc trồng nấm truyền thống như trước kia (không cần tốn rơm phủ). Quan trọng là chủ động được thời tiết về ẩm độ, nhiệt độ vì có máy che và thắp đèn vào buổi tối để điều chỉnh nhiệt độ giúp cây nấm phát triển tốt hơn.
Nhà trồng nấm chủ yếu được bà con nông dân tận dụng những cây sẵn có như tre, bạch đàn để dựng lên nên không tốn nhiều chi phí. Trong vụ vừa qua, anh Tùng trồng 200 mét mô nấm trong nhà, với diện tích hơn 50m2. “Mỗi đợt thu hoạch từ 15 đến 20 ngày, bán được từ 8 đến 10 triệu đồng. Nếu bán vào những tháng có giá như tháng giêng, tháng 10 hoặc những ngày rằm hay cuối tháng thì thu nhập mang lại có thể cao hơn”- anh Tùng cho biết.
Mặc dù trồng nấm rơm không khó, nhưng vì nấm là giống rất ưa sạch nên để đạt hiệu quả cao đòi hỏi người trồng nấm phải có kỹ thuật. Đây là khâu quan trọng quyết định năng suất và chất lượng nấm rơm. Để trồng nấm thành công phải tuân thủ đầy đủ các khâu trong xử lý nguyên liệu.
Từ việc ủ rơm đến khâu chọn meo giống đều ảnh hưởng lớn đến năng suất nấm. Nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý kỹ rơm, rạ trước khi ủ sẽ dễ bị các loại nấm ký sinh cạnh tranh dinh dưỡng, gây bệnh, làm cho nấm rơm không phát triển và chết. Đồng thời, việc chọn được meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt; nếu chất lượng meo nấm không đảm bảo sẽ dễ bị nhiễm nấm dại. Bên cạnh đó, các yêu cầu kỹ thuật trong các khâu sản xuất nấm như điều chỉnh nhiệt độ thích hợp trong các giai đoạn sinh trưởng của nấm cũng là yếu tố quan trọng của mô hình trồng nấm rơm trong nhà.
Từ những hiệu quả mang lại và do nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp huyện Thoại Sơn đang vận động nông dân để mở rộng mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại các xã, thị trấn trong huyện. Đến nay, huyện Thoại Sơn đã có trên 10 nhà trồng nấm rơm, với diện tích bình quân mỗi nhà khoảng 70m2.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay được coi là năm thành công đối với những nông dân trồng ớt. Vào thời điểm thu hoạch vụ ớt Đông Xuân thì giá ớt luôn nằm từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg ớt tươi. Trừ chi phí thì mỗi công (1.000m2) ớt, người nông dân lời trên dưới 10 triệu đồng.

Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã Quang Lộc ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã tăng cường vận động nhân dân du nhập thêm những đối tượng nuôi mới. Nuôi chồn nhung là mô hình đang có triển vọng và đạt hiệu quả kinh tế cao người dân.

Cây đậu phộng bám rễ khá lâu trên vùng đất gò cao, đồi dốc, triền núi của huyện Tri Tôn (An Giang) nói chung, xã Núi Tô nói riêng, là cây trồng thích hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lắp vụ và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Khmer sở tại.

Khoai lang là cây trồng lấy củ, vốn rất quen thuộc với nông dân ở các vùng, miền. Trong nhiều năm gần đây, cây khoai lang đã trở thành cây trồng hàng hóa, đem lại hiệu quả cao cho người trồng. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là đơn vị không chỉ chọn tạo được nhiều giống cây có củ tiến bộ mà còn có nhiều kĩ thuật tiên tiến tác động lên các cây trồng này.

Ngày 19.7, UBND xã Bình Minh vừa phối hợp Hội Nông dân xã (Thị xã) tổ chức lễ trao bò cho 9 hội viên nông dân. Đây là các hội viên thuộc Tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản của xã tại ấp Giồng Cà.