Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Giống Gà Ri Lai Lương Phượng

Triển Vọng Mô Hình Sản Xuất Giống Gà Ri Lai Lương Phượng
Ngày đăng: 26/09/2014

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu các hộ chăn nuôi ở địa phương, tháng 5/2014, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất gà giống thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”.

Mô hình lần đầu triển khai với sự tham gia của 14 hộ dân tại các đội 3, 4, 5, bản Pá Nậm (xã Pom Lót) và các bản Yên Bình, Yên Cang, Chiềng Xôm, bản Yên và đội 3a (xã Sam Mứn) huyện Điện Biên; tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng triển khai, đàn gà bố mẹ phát triển tốt, hứa hẹn nhiều thành công.

Ông Nguyễn Ngọc Chung, Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Khảo sát thực tế cho thấy, 2 xã Pom Lót, Sam Mứn nói riêng và các xã khác trong toàn tỉnh nói chung đều cách xa nơi cung cấp con giống, giao thông không thuận tiện, gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển và giá thành cao.

Xuất phát từ thực tiễn đó, mô hình sản xuất gà giống được triển khai nhằm mục tiêu từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các hộ chăn nuôi tại địa phương; từ đó, góp phần tránh tình trạng nhập khẩu các loại gia cầm không rõ nguồn gốc qua biên giới, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, người dân rất nhiệt tình tham gia mô hình.

Các hộ dân tham gia mô hình được cấp phát 1.770 con gà LV (gà lương phượng) mái, 230 con gà ri trống để tạo ra giống gà ri lai lương phượng.

Đây là giống được nuôi theo phương thức bán chăn thả, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, phát huy được lợi thế của hai giống gà trên cả về chất lượng và trọng lượng, như: thịt vàng thơm, năng suất trứng đạt 165 – 170 quả/mái/năm, khả năng cho thịt từ 1,9 – 2kg/con/70 ngày tuổi, sức đề kháng tốt, dễ nuôi.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% con giống, 50% thức ăn, thuốc thú y, hóa chất sát trùng tính từ khi bắt đầu nuôi đến khi gà được 45 tuần tuổi; đồng thời, dự án còn hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư hệ thống máy ấp công suất 11.500 trứng/mẻ, 1 máy nở công suất 3.000 trứng/mẻ, 1 máy phát điện, 1 máy phun hóa chất sát trùng.

Công tác tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng trị các loại bệnh ở gà sinh sản được cán bộ kỹ thuật của dự án đặc biệt chú trọng.

Sau hơn 3 tháng triển khai, đàn gà bố mẹ bước đầu phát triển khả quan. Tỷ lệ sống hơn 98%, trọng lượng gần 1,9kg/con. Các hộ tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi nên không xảy ra tình trạng dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đình Kiên, đội 5, xã Pom Lót - một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất gà giống chia sẻ: Gia đình tôi được cấp gần 150 con gà giống, đến nay, trọng lượng đạt trung bình từ 1,8 – 2 kg/con. Đây là giai đoạn quan trọng nên phải chăm sóc, cho ăn theo đúng định mức, không để gà quá béo, tích mỡ, ảnh hưởng đến quá trình đẻ trứng về sau.

Dự kiến, đầu tháng 12 lứa gà này bắt đầu đẻ trứng. Hiện nay, gà giống từ 1 – 2 ngày tuổi có giá bán trên thị trường từ 10.000 – 15.000 đồng/con, nếu úm khoảng 1 tuần và nhỏ vắc xin thì giá sẽ cao hơn, khoảng 20.000 đồng/con.


Có thể bạn quan tâm

Quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản Quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản

Kể từ ngày 06/8/2015, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trên lãnh thổ Việt Nam cần áp dụng các quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2015 của Bộ NN và PTNT về quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

15/07/2015
Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng) Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng)

Thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn xã Gia Hiệp (Di Linh - Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi tằm, nuôi bò, nuôi heo kết hợp với trồng trọt… và mới đây, xuất hiện thêm trang trại nuôi dê. Đây là mô hình chăn nuôi hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng.

15/07/2015
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, hưởng ứng phong trào “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn TNCSHCM, nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong vào mảnh đất đầy khó khăn thuộc các xã biên giới Quảng Trực, Quảng Tân, huyện Tuy Đức hiện nay để khai khẩn vùng đất mới. Từ đó, nhiều TNXP đã quyết định gắn bó lâu dài với vùng đất Đắk Nông.

15/07/2015
Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó

6 tháng đầu năm 2015, dù kinh tế còn khó khăn nhưng ngành Công thương tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao. Tình hình xuất khẩu dù có nhiều sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn đang đối diện với tình hình xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm. Đây là nhận định của Sở Công thương tại Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 được tổ chức vào ngày 13-7.

15/07/2015
Anh Nguyễn Thành Tân giàu lên nhờ nuôi cá tai tượng Anh Nguyễn Thành Tân giàu lên nhờ nuôi cá tai tượng

Anh Nguyễn Thành Tân (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những người gặt hái thành công từ nghề ương, nuôi cá giống, cá tai tượng thịt. Anh Tân cho biết, gắn bó với nghề này đã hơn 15 năm nay, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn.

15/07/2015