Triển Vọng Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh

Mô hình nuôi tôm càng xanh dưới ruộng lúa được nhà nông huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau manh nha rồi áp dụng đại trà trong khoảng 5 năm gần đây. Tập trung nhiều ở các xã Thới Bình, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Trí Phải, Tân Bằng.
Ông Lương Minh Toàn ở ấp Bình Minh, xã Biển Bạch Đông, cho biết nuôi tôm càng xanh từ năm 2012. Năm ấy, Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình hỗ trợ gia đình ông nuôi thí điểm 3.000 con tôm càng xanh trên đồng lúa hơn 1ha. Sau hơn 3 tháng nuôi, tức ngay thời điểm lúa chín, ông tát ruộng thu hoạch được hơn 170kg tôm bán được 140.000 đồng/kg.
Vụ ấy, sau khi trừ chi phí ông Toàn còn lãi hơn 20 triệu đồng. Thành công bước đầu ấy là tiền đề để ông mạnh dạn thả tôm càng xanh vào những vụ tiếp theo với diện tích và số con giống gấp đôi. Như vụ 2014, ông thả 6.000 tôm càng xanh giống trên đồng lúa 2ha vừa lời gần 40 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Thoàng ở ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Đông cũng vừa thu hoạch xong 2ha lúa và tôm càng xanh. Ông Thoàng cho hay, bán lúa lời 20 triệu đồng. Còn tôm càng bán giá được 150.000đồng/kg, lời 60 triệu đồng. "Sau khi được tập huấn kỹ thuật, tôi thấy tôm càng xanh dễ nuôi, thích nghi tốt với môi trường nước lợ địa phương, tỷ lệ sống tới khi thu hoạch trên 80%" – ông Thoàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Đen, cán bộ khuyến nông, khuyến ngư xã Biển Bạch Đông, cho biết: Nhà nông địa phương rút kinh nghiệm từ những năm trước đây nên bước vào vụ lúa-tôm năm 2014, nông dân địa phương rửa mặn, xổ phèn đồng ruộng và cả khâu chọn giống lúa, tôm càng xanh rất kỹ.
Gặp thời tiết thuận lợi nên cả tôm càng xanh và lúa đều trúng. Mô hình tôm càng xanh dưới ruộng lúa không chỉ tăng nguồn thu trên cùng diện tích canh tác mà còn tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa sạch. Bởi nuôi tôm càng xanh bắt buộc người dân không được sử dụng thuốc trừ sâu, nếu dùng thuốc sẽ làm chết tôm.
Thới Bình là huyện có diện tích sản xuất lúa-tôm lớn nhất ở Cà Mau. Ngoài vùng nuôi tôm sú kết hợp trồng một vụ lúa vào mùa mưa, tại những đồng đất chuyên canh tác lúa, nông dân còn nuôi xen canh tôm càng xanh dưới chân ruộng để tăng thu thu nhập. Mô hình này được ngành chức năng huyện khuyến cáo, nhân rộng trong 3 năm vừa qua.
Riêng vụ 2014, nông dân huyện Thới Bình thả tôm càng xanh đến hơn 2.000ha, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Đến gần cuối tháng 1 năm 2015, hầu hết đồng lúa có nuôi tôm càng đã thu hoạch, năng suất 150 - 200 kg/ha, giá ổn định khoảng 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, nhà nông cho hay còn lời từ 15 - 25 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết: Không những trúng tôm càng, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 năng suất cũng đạt khá. Cụ thể, vụ tôm-lúa năm 2014, toàn huyện xuống giống trên 24.700ha (gần 90% chỉ tiêu kế hoạch), tăng gần 600ha so cùng kỳ. Trung tuần tháng 1-2015, hơn phân nửa diện tích lúa trên đất nuôi tôm đã thu hoạch, năng suất bình quân từ 4,5 - 5 tấn/ha, nhiều nơi năng suất đạt gần 6 tấn/ha.
Có thể bạn quan tâm

Do thu họach rộ nên giá chanh rất rẻ, có khi chỉ 500-600 đ/kg. Trong khi vào dịp Tết Nguyên đán, Nam bộ khô nóng, nhu cầu nước giải khát rất nhiều mà chanh lại ít, lúc này giá chanh rất cao (7-8.000 đ/kg, có năm 12-13.000 đ/kg).

Những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Liên Minh (Vụ Bản - Nam Định) đã mạnh dạn đưa một số con nuôi vào sản xuất như nuôi dế giống, dế thương phẩm, nuôi hươu lấy nhung và lợn rừng cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc trồng xen canh cây màu với rừng trồng 1 - 2 năm tuổi nên trong những năm qua, nhiều hộ gia đình tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã mở rộng hình thức canh tác này. Trong đó lớn nhất là tại các xã phía nam của huyện như: Lãng Ngâm, Trung Hoà, thị trấn Nà Phặc, Hương Nê…

Đây là những quả trứng của những gà mái được nuôi chăn thả tự do trên đồng cỏ, ăn thức ăn hạt sản xuất tại địa phương và sử dụng năng lượng của mặt trời và gió thay cho năng lượng hoá thạch trong toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh của trại nuôi gà.

Trước bối cảnh cả 3 dịch bệnh nguy hiểm: LMLM, cúm gia cầm và tai xanh đồng loạt xuất hiện, việc TP HCM xây dựng thành công nhiều vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm làm “bức tường lửa” đang trở thành mô hình điểm cho các địa phương khác học làm theo.