Triển Vọng Giống Lúa AP 2010

Được chọn từ những cây lúa tốt nhất của giống IR 50404, giống lúa AP 2010 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú với nhiều đặc tính vượt trội hơn đã cơ bản thay thế được giống lúa IR 50404 truyền thống của nông dân An Giang nói riêng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú cho biết, những năm qua, diện tích sử dụng giống lúa IR50404 để sản xuất trong vụ đông xuân, hè thu và thu đông trên toàn tỉnh An Giang nói chung, huyện An Phú nói riêng đã vượt xa tỷ lệ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, điều này làm nảy sinh nhiều hệ lụy cho bà con nông dân.
Nhằm thay đổi thói quen sản xuất lúa phẩm cấp thấp, năm 2010, Phòng NN&PTNT huyện An Phú đã chọn dòng từ giống lúa IR 50404 tốt nhất, tiến hành phục tráng cho ra một giống lúa mới mang tên AP 2010 (tên viết tắt của huyện An Phú và năm bắt đầu làm thử nghiệm).
Đến nay, giống lúa mới đã chứng tỏ được nhiều ưu điểm và hoàn toàn có thể thay thế giống IR 50404 đang trồng phổ biến. Đặc điểm nổi bật của giống lúa AP 2010 là đề kháng cao với các bệnh: Đạo ôn, lem lép hạt và cháy bìa lá, đồng thời cũng chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết khác nhau, chất lượng gạo mềm, ngon, không bạc bụng và thời gian sinh trưởng cũng tương đương như loại IR 50404.
Đặc biệt, giống lúa này có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất. Phòng NN&PTNT An Phú đã thử nghiệm tại các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu, qua 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông vừa qua, kết quả cho thấy giống lúa AP 2010 rất thích hợp, năng suất vượt trội hơn IR 50404, có thể cao hơn từ 1 - 3 tấn/héc-ta.
Ông Tâm cho biết thêm, giống lúa này nếu được trồng trên vùng đất có độ phèn hoặc độ muối cao, năng suất sẽ cao hơn so với trồng bình thường. Đặc biệt, các vùng canh tác như Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, lúa đạt năng xuất cao hơn từ 100 - 200 kg/1.000 m2 so với canh tác ở An Phú.
Theo thống kê trong quá trình nghiên cứu, diện tích đất sử dụng giống lúa AP 2010 của toàn huyện chiếm khoảng 12%, trong khi tại huyện Cái Bè (Tiền Giang), diện tích đất canh tác giống lúa này lên đến trên 90%... Hiện nay, giống lúa này đang “cháy hàng”, các nhà phân phối ở các tỉnh bạn đang hối thúc việc chuyển giao giống xuống địa bàn để kịp thời chuẩn bị cho vụ mùa tới.
Ông Nguyễn Hòa Nam (ấp An Thạnh, thị trấn An Phú) bắt đầu canh tác giống lúa AP 2010 từ khi giống lúa này được triển khai trồng thử nghiệm.
Bản thân ông trước đây đã từng sử dụng qua các giống lúa IR 50404, OM 4218, HT 6… nhưng từ khi chuyển qua sử dụng giống lúa này ông vô cùng tâm đắc: “Nói về ưu điểm, tôi thấy giống lúa AP này “ăn đứt” giống lúa IR 50404 vì năng suất cao hơn từ 1 tấn - 2 tấn/héc-ta, cây lúa cao và cứng hơn, ít nhiễm rầy nâu, vàng lùn, kháng bệnh đạo ôn rất tốt… nên công chăm sóc và chi phí phân thuốc cũng nhẹ. Lúa nhà tôi hiện nay đã hơn 50 ngày nhưng chưa thấy sâu bệnh gì nên rất an tâm”.
Tuy nhiên, có một đặc điểm mà nông dân trong huyện An Phú thiếu mặn mà với giống lúa này là sản phẩm “nhẹ ký” hơn so với giống lúa IR 50404.
Lý giải vấn đề trên, chú Nam so sánh: “Về trọng lượng lúa trong một bao, lúa AP 2010 sẽ nhẹ hơn so với giống IR 50404, nhưng nếu xét về số lượng bao lúa/công, lúa AP 2010 sẽ nhiều hơn. Do đó tính sản lượng chung lúa AP 2010 vẫn có năng suất cao hơn”.
Sắp tới, giống lúa này sẽ tiếp tục được Phòng NN&PTNT An Phú lai tạo để thêm mùi thơm nhẹ nhằm tăng giá trị và chất lượng. Đây sẽ là sự thay thế xứng đáng cho giống lúa IR 50404, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân chuyên canh cây lúa ở vùng đồng bằng.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 6/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương làm việc với Công ty TNHH MTV sản xuất và cung ứng tôm càng xanh Bá Tòng về việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giống tôm càng xanh.

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai), cho biết tại các lễ hội “Trái cây Nam bộ năm 2013” đang diễn ra ở Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) và “Lái Thiêu mùa trái chín” khai mạc sáng 8-6, ông đều mang đến giới thiệu trái bưởi hồ lô. Đây là nhà vườn đầu tiên ở Vĩnh Cửu tạo được trái bưởi hồ lô bán trên thị trường.

Thông qua mô hình SX thử nghiệm ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thường Xuân, Thiệu Hóa... (Thanh Hóa), những tưởng giống ngô nếp lai tím Fancy 111, Fancy 212 do Cty Advanta phân phối sẽ phát triển rầm rộ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nhưng sau một thời gian, giống ngô này gần như “chết yểu”.

Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.

Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.