Triển Vọng Cây Cao Su Trên Vùng Đất Lang Chánh

Là địa phương có tiềm năng, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với điều kiện phát triển cây cao su, sau một thời gian đưa vào trồng thử nghiệm, đến nay loại cây này đã được trồng trên diện tích hơn 300 ha, bước đầu sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Ông Phạm Hùng Sanh, thôn Xuốm, xã Đồng Lương, cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng được sự hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, gia đình tôi quyết định chuyển đổi một số diện tích vườn tạp và cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới 1,5 ha cao su.
Để lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi còn trồng xen sắn và các loại cây màu khác trong những năm đầu đã cho hiệu quả kinh tế. Hay như gia đình ông Lương Văn Thiệp, làng Oi, xã Quang Hiến cũng mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất kém hiệu quả sang trồng cao su với kỳ vọng sau khi đưa cây cao su vào khai thác mủ, sẽ góp phần đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Lê Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Quang Hiến, cho biết: Xác định cao su là cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, vì vậy xã đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng loại cây này.
Đặc biệt, xã tạo mọi điều kiện để bà con chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp, đất màu kém hiệu quả sang trồng cao su tiểu điền. Hiện xã đã quy hoạch được 60 ha đất bãi, đất trồng luồng, mía kém hiệu quả sang trồng cao su, phấn đấu từ nay đến hết năm 2014 trồng mới được 15 ha.
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi, Ban Thường vụ Huyện ủy Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết số 15 về “Phát triển cây cao su trên địa bàn huyện năm 2014-2015, định hướng đến năm 2020”.
Sau khi nghị quyết được ban hành, UBND huyện Lang Chánh đã nhanh chóng xây dựng đề án, kế hoạch triển khai đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình mở rộng diện tích trồng cao su. Đồng thời, tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về phát triển cây cao su cho hơn 300 lượt người.
Trước khi bắt đầu triển khai trồng cao su, huyện đã tổ chức một số đoàn đi khảo sát, tham quan, học tập kinh nghiệm tại các huyện: Thạch Thành, Như Xuân (Thanh Hóa); Gio Linh (Quảng Trị)...; tiến hành điều tra, rà soát diện tích đất đủ điều kiện, xây dựng bản đồ quy hoạch chi tiết.
Khảo sát, nghiên cứu lựa chọn giống cao su phù hợp, thích nghi với địa phương; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH một thành viên Cao su Thanh Hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc trồng mới cao su 2 năm đầu là 9 triệu đồng/ha, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su, huyện Lang Chánh còn hỗ trợ 700.000 đồng/ha trồng mới.
Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; tích cực huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác như Chương trình 135, 30a, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, các chính sách về khuyến nông cũng được đẩy mạnh, cán bộ khuyến nông cơ sở ngoài nhiệm vụ thường xuyên theo quy định còn tập trung tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật toàn diện cho bà con nông dân từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc đến kỹ thuật khai thác. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác trồng cao su.
Đến đầu tháng 7-2014 đã có 8 xã đăng ký trồng 230 ha cao su, gồm: Đồng Lương, Quang Hiến, Tân Phúc, Trí Nang, Giao An, Giao Thiện, Yên Thắng, Yên Khương. Hiện, các xã đã trồng được 35 ha và đang tập trung làm đất, đào hố để trồng cao su, phấn đấu hết năm 2014 toàn huyện trồng mới 200 ha cao su, năm 2015 trồng mới 400 ha cao su...
Hy vọng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện trồng cây cao su, sẽ mở ra triển vọng, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7.5, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai phối hợp UBND tỉnh tổ chức diễn đàn “Khuyến nông và Nông nghiệp lần 1/2012”. Tại đây, nhiều nhà khoa học khuyến khích nên áp dụng giải pháp chăn nuôi bằng thảo dược.

Là loại cây dễ trồng, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao, cây táo được nông dân ở Ninh Thuận chọn trồng rộng khắp, thay thế cho nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Với diện tích trồng gần 1.000 ha, cây táo đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận. Cùng với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, sự chung tay liên minh sản xuất, đến nay nghề trồng táo ở Ninh Thuận đã phát triển theo hướng bền vững, nhiều hộ thành triệu phú nhờ trồng táo.

Ông Phạm Phó, ở thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), rời quê hương Mộ Đức, Quảng Ngãi vào sinh sống ở Châu Đức từ năm 1959. Năm nay, ông Phó đã 82 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh và say mê lao động. Ngoài việc trồng tiêu và các loại cây trái trong vườn, gần đây ông Phó còn thử nghiệm thành công mô hình nuôi nhím.

Nhờ mạnh dạn liên kết làm ăn theo mô hình Câu lạc bộ (CLB) mà thời gian qua, nông dân thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi) không chỉ "né" được những rủi ro, nâng cao chỉ số lợi nhuận mà còn tạo sức lan tỏa trong phong trào phát triển chăn nuôi ở địa phương.

Thái Lan và Việt Nam hiện chiếm khoảng một nửa trong tổng số 35 triệu tấn gạo được buôn bán trên thế giới trong năm 2011, nhưng nhìn chung xuất khẩu gạo của hai nước này có phần giảm sút do Ấn Độ đang nắm giữ một thị phần ngày một ngày lớn trên thị trường gạo thế giới.