Trên 900 Ha Nhãn Ở Vĩnh Long Bị Đốn Bỏ Vì Bệnh Dịch

Vĩnh Long đã đầu tư trên 31 tỉ đồng dập dịch chổi rồng trên cây nhãn nhưng bệnh vẫn tái phát, nông dân phải đốn bỏ trên 900 ha nhãn bị bệnh để bán củi.
Bà Đỗ Thị Cẩm (ngụ ấp An Thạnh, xã An Bình, H.Long Hồ) nhìn thợ cưa hạ từng cây nhãn trên 20 năm tuổi trong khu vườn 4 ha chua chát nói: “Chúng tôi không ai muốn thấy cảnh này, nhưng đã cố gắng dập dịch chổi rồng mà không có kết quả. Mấy năm nay thất thu, chẳng lẽ đứng nhìn chờ đói. Trước mắt chỉ biết đốn nhãn làm củi bán lấy tiền xài, còn tương lai chưa biết chọn cây gì để trồng thay thế”.
Còn anh Nguyễn Văn Sang (ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh) nói: “Dịch chổi rồng đã làm vườn nhãn của tôi thất thu 4 - 5 năm liên tiếp. Thà đốn bỏ trồng chuối, trồng rau chứ để đó mà không thu được đồng nào thì để làm gì. Đã vậy, hiện củi nhãn cũng giảm liên tục. Tuần trước, giá khoảng 550.000 đồng/m3, nay chỉ còn 450.000 đồng/m3...”.
Theo Phòng NN-PTNT H.Long Hồ, toàn huyện có 3.890 ha nhãn, chủ yếu là nhãn da bò, đã có 653 ha nhãn bị bà con đốn bỏ và hiện đang có nhiều nhà vườn chuẩn bị đốn nhãn để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện có trên 900 ha nhãn da bò phải đốn bỏ vì dịch chổi rồng tái phát, chiếm trên 10% diện tích nhãn toàn tỉnh. Để ổn định sản xuất và đời sống của bà con, Sở đang trình UBND tỉnh kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi đến năm 2020, trong đó có cây nhãn.
Theo đó, nếu cây nhãn dưới 10 năm tuổi sẽ khuyến khích bà con chăm dưỡng, còn trên 10 năm tuổi thì bà con nên mạnh dạn đốn bỏ, trồng cây khác như nhãn Indo và chôm chôm. Mặc dù 2 loại này cũng đang có dịch chổi rồng nhưng chỉ ở mức dưới 10%, kiểm soát được. Nếu kế hoạch được phê duyệt, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ giống để chuyển đổi.
Có thể bạn quan tâm

Gia đình chị Nguyễn Thị Thạch ở thôn Chùa, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thực hiện mô hình trồng gừng trâu dưới tán vải thiều. Hiệu quả là tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất.

Mới đây, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Đắk Nông đã tổ chức đoàn kiểm tra chất lượng giống cây mắc ca tại các cơ sở gieo ươm, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, nguồn giống tại các cơ sở này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người dân mua giống về trồng.
Tốt nghiệp Trung cấp cơ khí và là thợ sửa chữa máy trong thời bao cấp nhưng ông Đoàn Đắc Miên tại xã Sơn Nguyên - huyện Sơn Hòa – tỉnh Phú Yên được biết đến với tên gọi là ông Miên “mía”. Biệt danh Miên “mía” gắn chặt với cuộc đời lão nông tri điền này đã hơn 20 năm.

Phát huy sự năng động của tuổi trẻ, anh Nguyễn Xuân Liêm (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã thành công trong việc trồng bưởi da xanh.

Trái cây của vùng ĐBSCL tuy có năng suất, sản lượng đạt cao nhưng chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã chưa đạt yêu cầu.