Trao cần câu cho nông dân

Tập huấn theo nhu cầu
Theo Hội Nông dân xã Hòa Kiến, toàn xã hiện có khoảng 150ha đất trồng hoa màu. Thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn trồng hành lá, dưa leo, khổ qua, bầu, bí, ớt… cho hội viên. Bình quân mỗi năm, hội tổ chức ít nhất 7 lớp tập huấn, mỗi lớp thu hút từ 30 đến 40 người tham gia.
Ông Lương Công Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Kiến, cho biết: Trước khi mở lớp tập huấn, chúng tôi họp hội viên; trên cơ sở những ý kiến đóng góp và nhu cầu cần học của người dân, chúng tôi xây dựng kế hoạch và phối hợp với ngành chức năng để mở lớp. Chính vì được đào tạo theo nhu cầu nên các lớp tập huấn thu hút nhiều người dân tham gia.
Chị Nguyễn Thị Lý ở thôn Cẩm Tú, cho hay: Tôi trồng hành lá được hơn 2 năm nay nhưng chủ yếu là học hỏi kinh nghiệm trên đồng ruộng qua nhiều mùa vụ. Năm ngoái nhờ tham gia lớp tập huấn tôi đã biết được liều lượng và cách vô phân theo chu kỳ sinh trưởng một cách hợp lý, tránh lạm dụng.
Để không ảnh hưởng đến công việc của người dân, Hội Nông dân xã Hòa Kiến chọn ban đêm để dạy lý thuyết, đồng thời trong khóa học 3 tháng, các học viên cũng được thực hành trồng các loại rau trên chính mảnh đất của mình. Với cách dạy này, nhiều người dân đã nhanh chóng nắm bắt quy trình từ khâu làm đất, cách chăm sóc, khắc phục sâu bệnh…
Ông Phan Ngọc Hưng, Chi hội trưởng nông dân thôn Sơn Thọ, cho biết: “Toàn thôn có 121 hội viên. Thời gian qua, đa số hội viên tham gia tập huấn các lớp trồng rau xanh; trong đó hơn một nửa hội viên chuyên trồng hành, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống hội viên được nâng lên rõ rệt”.
Hiệu quả rõ rệt
Theo ông Lương Công Thinh, gần 10 năm trước, người dân trong xã chỉ biết trồng lúa một vụ nên hiệu quả chưa cao. Mấy năm trở lại đây, Hội Nông dân xã phối hợp với một số ngành chức năng tập huấn cho bà con cách trồng rau xanh, từ đó người dân chuyển qua trồng hành, khổ qua, dưa leo… mang lại hiệu quả cao.
Trong đó, cây hành đã được người dân chọn trồng nhiều nhất vì có giá, đầu ra ổn định và cho thu nhập cao. Điển hình như gia đình ông Phan Ngọc Hưng ở thôn Sơn Thọ. Gia đình ông có 5 sào đất, sau khi được tập huấn, ông Hưng chuyển sang trồng hành nên có năm, gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.
Ông Hưng cho biết: “Để tránh tình trạng hành thu hoạch đồng loạt, dễ bị ép giá, tôi trồng rải đều vụ trên 5 sào đất, mỗi sào cách nhau 1 tháng. Nhờ vậy, tháng nào tôi cũng có hành bán, rủi ro về sâu bệnh cũng được hạn chế. Với giá 11.000 đồng/ký hành đỏ thì mỗi sào hành trừ chi phí cho lãi từ 4 đến 5 triệu đồng. Mấy năm nay, gia đình tôi không còn vất vả như trước, đời sống gia đình được nâng cao”.
Còn gia đình ông Trần Kim Quang ở thôn Sơn Thọ mới đây thu hoạch 1,5 sào hành trắng được hơn 2 tấn và bán với giá 15.000 đồng/ký, sau khi trừ chi phí, ông Quang lãi khoảng 20 triệu đồng.
Ở xã Hòa Kiến, hiện có hàng chục hộ gia đình có cuộc sống khấm khá nhờ trồng rau xanh. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Kiến Lương Công Thinh nói: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Hòa Kiến tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Các lớp tập huấn phải theo nhu cầu của người dân để bà con áp dụng vào cây trồng, vật nuôi của mình”.
Có thể bạn quan tâm

Theo kế hoạch, năm 2015, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đưa vào nuôi tôm trên diện tích hơn 2 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 1.941 ha, diện tích nuôi tôm thẻ là 150 ha. Năm nay, nhiều hộ nuôi tôm đầu tư lớn để cải tạo ao đầm cũng như mua giống tôm của những công ty có uy tín, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh về nuôi.

Hai con cá lăng lớn, một con nặng 20 kg, con khác nặng 18 kg, cả 2 con đều dài gần 1 mét đã được bà Lê Thị Hồng Cẩm (59 tuổi) - chủ nhà hàng Phương Dung tại TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak mua.

Năm 2014, sản xuất tôm nuôi đóng góp 50% giá trị xuất khẩu thủy sản và 13% giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp lớn, nuôi tôm vẫn gặp nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để tháo gỡ khó khăn, nuôi tôm theo VietGAP đang ngày càng phổ biến ở nhiều nơi.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xây dựng 10 mô hình nuôi trồng thủy sản tại các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Châu Đức và TP. Vũng Tàu.

Quý I-2015, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang gần 545 héc-ta (tăng 2,3% so cùng kỳ), trong đó, diện tích nuôi cá tra gần 340 héc-ta (tương đương cùng kỳ). Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 52.000 tấn (tăng 4,8% so cùng kỳ), trong đó, sản lượng cá tra 44.000 tấn (tăng 2,1% so cùng kỳ).