Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Trại Yến Sào

Trang Trại Yến Sào
Ngày đăng: 24/10/2014

Một trang trại nuôi chim yến có quy mô lớn, được đầu tư bài bản đã được hình thành ngay trung tâm nuôi yến ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Đây là trang trại nuôi chim yến đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Chủ của trang trại này là ông Trần Văn Thiết, nhiều người gọi thân mật là ông Mười Thiết, một trong những người đầu tiên gây nuôi và khai thác tổ yến trên địa bàn tỉnh.

Mấy mươi năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, mái tóc đã lấm chấm bạc, ông Mười Thiết kể lại rằng, từ những năm 1980, gia đình làm nghề thợ mộc, một số chim yến đã vào nhà ông lưu trú. Những ngày đầu ông chưa biết đó là chim yến và hiển nhiên chưa biết giá trị của tổ yến mang lại. Vì vậy, có đôi lúc ông cùng anh em làm thợ bắt những con chim lưu trú ở nhà ông để bỏ đi.

“Nhưng có điều lạ là, chim đến lưu trú ngày càng đông đúc hơn và tui phát hiện ra tổ ở những góc khuất của nhà mình. Mãi đến vài năm sau tui mới biết đó là tổ của chim yến. Việc gây nuôi chim yến của gia đình bắt đầu từ đó. Cứ thế chim yến về lưu trú ở khu vực Long Bình ngày càng đông, trong đó có khu vực gia đình nhà tui” - ông Mười Thiết cho biết.

Tổ yến khai thác được ngày càng nhiều đã giúp ông cải thiện được kinh tế gia đình và mở rộng quy mô nuôi. Và cứ thế những ngôi nhà nuôi chim yến của gia đình ông Mười Thiết cứ “lù lù” mọc lên ngay chính quê hương ông.

Không những ông, mà những người con của ông cũng đã theo nghề nuôi chim yến để lấy tổ. Muốn đầu tư lớn ông bắt đầu tìm hiểu về cơ chế tồn tại, sinh trưởng và đặc biệt là cách dẫn dụ sao cho có hiệu quả nhất. Ông đã đi nhiều nơi để tìm hiểu mô hình các ngôi nhà nuôi chim yến để học hỏi kinh nghiệm.

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông Mười Thiết nghiệm ra rằng, người ta ví nghề nuôi yến giống như việc đi “xây mỏ vàng trắng” là không sai. Bởi nghề này cần vốn đầu tư rất lớn, mà đến khi có sản phẩm rồi thì lãi cũng rất cao. Vấn đề là thời gian nhanh hay chậm và kinh nghiệm của nghề. Bởi vốn để xây dựng mỗi căn nhà nuôi chim yến tùy theo quy mô nhưng thấp nhất cũng không dưới 1 tỷ đồng.

Theo ông Mười Thiết, việc xây dựng nhà dẫn dụ yến vào ở đã khó, tạo môi trường cho chim yến sinh sôi, nảy nở lại càng khó hơn. Bởi sự thành công của người nuôi yến được quyết định bởi tốc độ tăng đàn trong ngôi nhà yến của mình. Yến ở nhiều, sinh sản nhanh thì có nhiều tổ yến, mà điều này cần khoảng thời gian từ 3 - 5 năm trở lên. Những người có vốn ít, cầm cự thời gian lâu không nổi, rất dễ phải bỏ cuộc.

“Ở đây cũng có vài hộ mới xây nhà yến xong đã phải bán lại cho người khác do thiếu vốn. Mặc dù nuôi yến chỉ dành cho những người có vốn, nhưng thật ra những hộ nghèo, ít vốn cũng kiếm sống được quanh năm từ những nghề phụ xung quanh nghề yến này. Những người làm nghề phụ hồ, những nhà thầu xây dựng nhỏ cũng có cuộc sống ổn định hơn nhờ nhận xây nhà yến” - ông Mười Thiết cho biết.

Nuôi yến tại xã Long Bình, nhưng hơn 10 năm nay, ông Mười Thiết đã dời về cơ ngơi mới tại TX. Gò Công. Mỗi ngày 2 lượt đi về, ông cùng các con luân phiên vào Long Bình trông coi những ngôi nhà yến. Ông cho biết, mỗi tháng định kỳ thu hoạch tổ yến 3 lần, mỗi lần cách đều nhau 10 ngày để tránh làm kinh động đến chim yến.

Tổ yến của gia đình được bán dưới 2 dạng: tổ yến thô, chưa làm sạch và tổ yến đã làm sạch. Giá cả cũng chênh nhau khá xa. Ông Mười Thiết cho biết, thực tế từ cuối năm 2013 đến nay tổ yến đã 3 lần giảm giá, chứ vào cuối năm 2013 giá tổ yến loại 1 còn trên 30 triệu đồng mỗi kg. Còn khi chim yến mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, giá tổ yến có thể lên đến trên 50 triệu đồng/kg.

Những ngày gần đây, chúng tôi được ông dẫn tham quan trang trại nuôi chim yến của ông khi đang trong quá trình xây dựng mở rộng. Trên khu đất rộng lớn, trang trại nuôi chim yến được thiết kế nuôi ngay cả ở dưới tầng hầm. Ông Mười Thiết cho chúng tôi biết, thay vì tầng hầm cũng phải san lấp bằng cát nên tốn không ít chi phí và làm cho ngôi nhà phải chịu tải lớn, nên ông thiết kế để chim yến vào ở.

Và thực tế đã mang lại hiệu quả. Trang trại nuôi chim yến của ông hiện có gần 3 triệu con, với số lượng tổ yến được thu hoạch hàng năm trên 100 kg và trở thành khu liên hợp nuôi chim yến có quy mô lớn nhất, nhì của tỉnh. Dù không được tiết lộ tổng vốn đầu tư cho trang trại nuôi chim yến, nhưng ước tính sơ bộ ít nhất cũng vài tỷ đồng. Vừa qua, ông cũng đã đăng ký với ngành chức năng về mô hình trang trại nuôi chim yến của gia đình.

Chúng tôi cũng được giới thiệu cơ sở sơ chế yến sào của gia đình tại TX. Gò Công. Theo ông Mười Thiết, tổ yến màu trắng như thường thấy gọi là yến quan, loại này rất phổ biến. Riêng yến huyết thì rất hiếm gặp và vì hiếm nên giá cũng rất cao, có thể gấp rưỡi tổ yến bình thường. Tổ yến tuy đắt tiền nhưng rất nhẹ, mỗi tổ thường nặng khoảng 7 - 8 gram, có loại trên 10 gram.

Bản thân yến sào đã là thực phẩm bổ dưỡng, không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chưng cách thủy với đường phèn là có thể dùng được. Với giá trị dinh dưỡng được lưu truyền từ cổ chí kim, yến sào ngày càng được ưa chuộng trong ẩm thực cũng như trong y học.

Từ khi nghề nuôi chim yến được hình thành, người ta bắt đầu phân chia chim yến thành 2 loại khác nhau là yến đảo và yến nhà. Yến nhà là thành tựu của những quốc gia nuôi yến hàng đầu trên thế giới như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… trong việc thuần dưỡng và dẫn dụ yến đảo về nuôi trong đất liền. Ở Việt Nam, Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng thành công việc nuôi yến nhà. Từ đó, các tỉnh, thành khác cũng bắt đầu phát triển nghề nuôi này…


Có thể bạn quan tâm

Hội Của Những Người Trồng Cam Hội Của Những Người Trồng Cam

Được Hội ND tỉnh tư vấn, hỗ trợ phân bón, khoa học kỹ thuật… nhiều hộ thành viên hội trồng cam sành huyện Hàm Yên, Tuyên Quang có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

14/03/2014
Gà Đông Cảo Mô Hình Mới Trên Đất Chợ Gạo Gà Đông Cảo Mô Hình Mới Trên Đất Chợ Gạo

Ông Minh cho biết, gà Đông Cảo - giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đặc điểm nổi bật của loại gà này là đôi chân rất to, xù xì, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 6kg, gà mái từ 3,5 - 5kg.

18/02/2014
Người Thương Binh Mê Nuôi Lợn Ngoại Người Thương Binh Mê Nuôi Lợn Ngoại

Là thương binh hạng 2/3, nhưng nói về làm kinh tế trang trại thì ít người lành lặn làm được như ông Nguyễn Hoàng Kim ở xã Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình).

14/03/2014
Kế Hoạch Ứng Phó Khẩn Cấp Với Vi Rút Cúm Nguy Hiểm Kế Hoạch Ứng Phó Khẩn Cấp Với Vi Rút Cúm Nguy Hiểm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa ký quyết định Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người.

18/02/2014
Khoai Mỳ Kiên Giang Trúng Lớn Khoai Mỳ Kiên Giang Trúng Lớn

Xã Bình Giang là địa phương có diện tích trồng khoai mỳ lớn nhất huyện Hòn Đất. Khoảng 5 năm trước, nông dân trong xã trồng trên 500 ha khoai mỳ nhưng do đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định nên đã chuyển sang trồng lúa. Do đó, diện tích khoai mỳ hiện nay của xã chỉ còn khoảng 200 ha, tập trung nhiều tại ấp Kênh 9.

14/03/2014