Trang Trại Chăn Nuôi Lợn Thịt Đầu Tiên Của Tỉnh Được Cấp Chứng Nhận VietGAHP

Trang trại Hà Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên - Hà Giang) vừa được Trung tâm Chất lượng nông, lâm – thủy sản (NL–TS) vùng 1 (Cục Quản lý Chất lượng NL- TS) cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình sản xuất lợn thịt. Đây là trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận ý nghĩa này.
Trang trại Hà Huy có diện tích đất 5,5 ha, trong đó 2 ha xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, 3 ha vườn cam và 0,5 ha ao nuôi cá; là một trong những trang trại lớn của tỉnh đảm bảo quy mô và điều kiện như: Phát triển chăn nuôi lợn thịt theo hướng hàng hóa, có sự đầu tư bài bản và áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học; vị trí phù hợp với tổng thể khu vực và cách xa khu công nghiệp, đường giao thông, công sở; có nguồn nước sạch và đủ dự trữ... Hàng năm, trang trại xuất chuồng khoảng 22.000 con lợn, tương đương khoảng 180 tấn lợn hơi.
Đồng chí Phạm Đức Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NL– TS tỉnh, cho biết: “Nhằm xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa đảm bảo chất lượng, từ đầu quý I năm nay, Chi cục phối hợp với huyện Vị Xuyên chọn trang trại để hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAHP; tiến hành hướng dẫn lấy mẫu, kiểm nghiệm kim loại nặng, vi sinh vật trong nước, hoocmol tăng trưởng, chất lượng bảo quản trong thức ăn, nhằm kiểm soát về vệ sinh, an toàn thực phẩm; cách ghi chép hồ sơ, sổ sách theo dõi con giống, quản lý đàn lợn, thức ăn và dịch bệnh; thực hành và khắc phục những phần yêu cầu thuộc quy trình VietGAHP mà trang trại chưa đáp ứng”.
Trang trại Hà Huy đã thực hiện nghiêm túc các quy trình cụ thể để được công nhận sản phẩm lợn thịt đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Về con giống, đảm bảo sản xuất chất lượng, đúng quy trình hiện hành và quản lý phù hợp với quy trình kỹ thuật. Con giống bố, mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và tiêm phòng đầy đủ.
Chuồng trại chăn nuôi có lối đi riêng đảm bảo hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, đồng thời được tiêu độc khử trùng bằng thuốc sát trùng, vôi bột đối với nền, tường, xung quanh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, có đầy đủ thông tin về số lượng, tên hàng, nguồn gốc. Hệ thống nước uống, nước vệ sinh sạch sẽ, không ô nhiễm.
Việc quản lý thuốc thú y, thuốc kháng sinh và thực hiện kế hoạch tiêm phòng, theo dõi tình hình dịch bệnh được đảm bảo và thực hiện nghiêm túc. Công tác ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguồn gốc và thu hồi sản phẩm được thực hiện đầy đủ. Công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải thực hiện theo quy trình, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường...
Sau gần 10 tháng được tư vấn áp dụng quy trình chăn nuôi và hướng dẫn làm thủ tục, trang trại đảm bảo 100% chỉ tiêu loại A, 95% chỉ tiêu loại B, chính thức được cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình chăn nuôi lợn thịt từ ngày 5.10.2013.
Điều này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Trang trại Hà Huy. Đồng thời là nơi nông dân trong tỉnh đến học tập kinh nghiệm để hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn, đảm bảo môi trường tự nhiên bền vững. Qua đó, tạo hướng đi cho sản xuất chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông Tây Sơn (Bình Định) vừa triển khai mô hình (MH) “Nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở giai đoạn bê con” tại hộ ông Hồ Xuân Dũng ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh với quy mô 5 con bê lai F1 thuộc giống bò BBB - giống bò siêu thịt của Bỉ.

Lựa chọn giống gà Bình Định nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, anh Hồ Phú ở khu phố 2, phường Thác Mơ (Phước Long, Bình Phước) đang dần gầy dựng thương hiệu gà uy tín, chất lượng với các hệ thống nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã.

Sau hơn 1 năm đưa vào sản xuất ở 2 xã Đức Hương và Hương Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), cây chanh leo đang khẳng định giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác với mức thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi nhiều nông dân ở Cà Mau đang vỡ nợ vì nuôi tôm công nghiệp, phải cầm cố ruộng đất hoặc bỏ xứ đi làm ăn xa thì không ít người vẫn thành công từ con tôm nhờ áp dụng mô hình nuôi lót bạt trên ao nhỏ.

Khi mới khởi nghiệp nghề nông, anh Nguyễn Thành Cung ở thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã thất bại và mất một khoản tiền lớn. Thế nhưng, nhờ bền chí, anh quyết tâm làm lại từ đầu và đến nay cuộc sống gia đình đã trở nên khấm khá.