Trang Trại Bò Sữa Đầu Tiên Tại Đông Nam Á Được Chứng Nhận Đạt Tiêu Chuẩn Quốc Tế

Ngày 18/7, tại Nghệ An, Trang trại chăn nuôi bò sữa (CNBS) của Vinamilk chính thức được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực hành Nông nghiệp tốt toàn cầu (Global G.A.P). Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P chứng nhận và là 1 trong 3 trang trại đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P của châu Á.
Ông Richard De Boer - đại diện Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion cho biết, Global G.A.P. là công cụ quản lý trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế về chất lượng sản phẩm, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm từ đó sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp, góp phần làm giàu cho người nông dân và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường và cảnh quan chung. Trang trại của Công ty Bò sữa Việt Nam (thuộc Vinamilk) bắt đầu triển khai tiêu chuẩn Global G.A.P từ tháng 9/2013, sau 8 tháng thực hiện đã được tổ chức này đánh giá đạt chuẩn và chứng nhận.
Bà Nguyễn Thị Như Hằng - Giám đốc điều hành, phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk cho biết, Công ty đang tiếp tục triển khai đánh giá tiêu chuẩn Global G.A.P cho toàn bộ các trang trại còn lại của Vinamilk trên toàn quốc. Trước đó, hệ thống 5 trang trại của Vinamilk đều đã đạt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 do Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas (Pháp) cấp.
“Việc trang trại Nghệ An của Vinamilk áp dụng và đạt chứng nhận quốc tế Global G.A.P sẽ giúp Vinamilk ngày càng tạo được niềm tin cho khách hàng, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng ở những thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ” - đại diện Vinamilk chia sẻ.
Cũng theo đại diện Vinamilk, để ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững, Vinamilk luôn cố gắng chủ động được nguồn sữa nguyên liệu đạt về số lượng và chất lượng. Từ năm 2006, Vinamilk đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp, với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và hiện nay đã tăng đến 1.600 tỷ đồng (năm 2013).
Tính đến thời điểm này Vinamilk có 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng. Trong kế hoạch năm 2014-2015, thêm 4 trang trại quy mô lớn đang được Vinamilk xây dựng và đưa vào hoạt động như các trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa), Như Thanh (Thanh Hóa), Hà Tĩnh và Tây Ninh. Trong giai đoạn 2014-2016, Vinamilk dự kiến sẽ tiếp tục nhập bò giống cao cấp từ các nước Úc, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới.
Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3.000.000 (3 triệu) ly sữa.
Và với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và khoảng 120.000-140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, là 1.000-1.200 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Ủy viên hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Chủ Tịch hội chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Sự thành công của các trang trại Vinamilk đã góp phần minh chứng tính khả thi và đúng đắn của Nhà nước và Chính phủ về chiến lược phát triển CNBS trong nước, tự túc và chủ động nguồn sữa nguyên liệu cho chế biến và cho sự phát triển tầm vóc của người Việt Nam”.
Có thể bạn quan tâm

Nằm phơi mình trên bãi cát dài của làng chài Mân Thái (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) là hàng trăm thuyền thúng của rất nhiều hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt gần bờ.

Tại buổi làm việc với ngành nông nghiệp ngày 30-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ lậu, bơm nước vào heo, bò. Ngoài ra, ngành cần đẩy nhanh việc thực hiện các cánh đồng lớn trên lúa, mía, bắp, điều... và đẩy cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh. Ngành cũng cần làm cầu nối để liên kết doanh nghiệp với nông dân, tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản, thực phẩm.
Sau hơn 10 năm áp dụng phương pháp trồng hoa hồng trên đất lúa, đến nay mô hình trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đã mở rộng gần 4.000m2 và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ khi cây nhãn tiêu Huế bị bệnh “chổi rồng”, ông Trương Văn Nghiệp ở ấp Tân Thái, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) đã cùng với nhiều nông dân trong xã chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Nhờ sự nhanh nhạy này, mỗi năm trên 1 ha nhãn xuồng cơm vàng cho ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy vừa tổ chức ra mắt Tổ hợp tác “Nuôi heo sinh sản”, với 30 thành viên là hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của xã Bình Phú.