Trăn Trở Chè VietGAP Ở Lộc Thanh (Lâm Đồng)

Năm 2012, các thôn Tân Bình 1, Tân Bình 2, Thanh Xuân 1 và Thanh Xuân 2 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) được chọn làm vùng quy hoạch để triển khai Dự án sản xuất chè VietGAP của tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay, những khó khăn của dự án đã bắt đầu nảy sinh.
Sau khi Dự án sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng triển khai tại 4 thôn của xã Lộc Thanh, thì nơi đây chính thức trở thành vùng chuyên canh chè theo hướng an toàn của tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay, toàn xã Lộc Thanh đã có 77 hộ được cấp Giấy chứng nhận chè VietGAP, với tổng diện tích khoảng 40ha. Như vậy, không thể phủ nhận những mặt tích cực mà Dự án chè VietGAP đã và đang mang lại cho người dân vùng “xứ đạo”.
Dự án sản xuất chè VietGAP ở Lộc Thanh có vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, Ban Quản lý Dự án đã xây dựng được 6,2km đường giao thông nội đồng để phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển sản phẩm, phân bón. Trong năm 2014, theo kế hoạch, Ban quản lý Dự án sẽ triển khai xây dựng thêm hồ thủy lợi tại thôn Tân Bình 1, với diện tích 7ha và xây 30 hố xử lý rác thải nông nghiệp ngay tại vùng sản xuất chè.
Sau khi được hoàn thành, hồ thủy lợi này sẽ đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho khoảng 30ha chè. Ngoài ra, đối với những khu vực xa hồ thủy lợi, dự án sẽ đầu tư thêm 3 giếng khoan để giúp người dân chủ động nguồn nước tưới cho chè.
Bên cạnh những hạng mục công trình của dự án đã và đang gấp rút được triển khai, thì những hộ dân tham gia sản xuất chè VietGAP còn được hỗ trợ mua máy hái chè giá rẻ với mức đối ứng 15%.
Cùng với đó, người dân vùng dự án còn được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo hướng VietGAP. Nhờ vậy, Dự án sản xuất chè VietGAP không chỉ giúp thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn mở ra hy vọng đổi mới tư duy sản xuất cho nông dân xã Lộc Thanh.
Ông Nguyễn Văn Lịch, một nông dân đang trồng 0,5ha chè VietGAP tại thôn Tân Bình 1, chia sẻ: “Trước đây, khi gia đình tôi còn trồng chè theo cách truyền thống, thì sau mỗi lần thu hoạch là phải phun thuốc trừ sâu ngay. Nhiều khi sâu chẳng có, nhưng do hiểu biết còn hạn chế nên tôi cứ nghĩ phun cho chắc.
Nhưng, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất chè an toàn do dự án tổ chức, thì tư duy của bà con chúng tôi đã thay đổi hẳn. Hiện nay, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn chè của chúng tôi vẫn luôn cho năng suất cao mà không cần lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”.
Tuy nhiên, khi vườn chè VietGAP của người dân cho thu hoạch, thì cũng là lúc những khó khăn về giá cả “đầu ra” cho sản phẩm bắt đầu xuất hiện đối với người trồng chè. Anh Nguyễn Văn Sơn, một hộ dân sản xuất chè VietGAP tại thôn Tân Bình 2, phản ánh: “Khi được tỉnh chọn làm vùng triển khai Dự án sản xuất chè VietGAP, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi đăng ký tham gia.
Hai năm qua, năm nào chúng tôi cũng đăng ký và đều được cấp Giấy chứng nhận chè VietGAP. Nhưng, trong suốt chừng ấy thời gian, chúng tôi chưa từng thấy một doanh nghiệp hay cơ sở nào đứng ra thu mua chè, nên ai nấy đều băn khoăn lo ngại.
Hiện nay, chè của chúng tôi thu hoạch phải bán cho các lái buôn thu mua nhỏ lẻ, nên bị “đánh đồng” với giá chè thông thường ở mức từ 8 - 8,2 ngàn đồng/kg. Do không có đầu ra cho sản phẩm, nên hầu hết bà con tham gia dự án đều không còn “mặn mà” với vườn chè VietGAP”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các giống chè được người dân xã Lộc Thanh lựa chọn để sản xuất chè VietGAP đều là những giống chè cành có năng suất cao, chất lượng tốt như TB14 và LD97. Trung bình mỗi năm, các giống chè này cho năng suất từ 22 - 25 tấn búp tươi/ha.
Song, giờ đây, do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nên hầu hết người dân không mặn mà để tái đầu tư vườn chè VietGAP của mình. Ông Vũ Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh, cho hay: “Chúng tôi nhận thức rõ, cùng với cây cà phê thì chè là 1 trong 2 loại cây trồng chủ lực của địa phương.
Vì vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm chè VietGAP, nhưng chúng tôi vẫn chủ động tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn để tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng chè của địa phương.
Song, chúng tôi vẫn lo lắng, nếu sản phẩm của người dân làm ra, giá bán không đúng với giá trị của nó sẽ trở thành “bình phong” để lái buôn trục lợi và làm ảnh hưởng tới dự án. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng cần có giải pháp để sản phẩm chè VietGAP của xã Lộc Thanh được khẳng định”.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2013, sau khi thành công vụ đầu thu hoạch 4 ao, diện tích 1,5 ha, sản lượng 10 tấn/ha, anh Tri tiếp tục đầu tư tiếp vụ 2 trên hai khu sản xuất của mình tại thôn Hồng Thắng, xã Hòa Thắng. Với 8 ao tôm diện tích 5 ha, sau 83 ngày tuổi tôm đạt 60 con/kg, được 30 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg. Tổng hai vụ nuôi diện tích 5 ha, anh thu hoạch gần 50 tấn tôm thẻ chân trắng, bình quân năng suất trên 10 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư anh thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.

Ngày 25.8, ông Trần Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện đã có 10ha sắn thuộc 4 xã tại huyện Hướng Hóa bị rệp sáp bột hồng (rệp châu Phi) tấn công, trong đó nhiều nhất là xã A Dơi với 5ha.

Hơn 10 năm nay, phong trào nuôi cá sấu ở miền Tây phát triển khá rầm rộ. Theo số liệu thống kê, tổng đàn cá sấu nuôi tại Đồng Tháp, An Giang và Long An từ năm 2011 đến nay lên đến 72.000 con. Riêng tại Bạc Liêu lên tới 320.000 con, đứng đầu các tỉnh.

Bắc Giang có diện tích nuôi trồng thuỷ sản vào khoảng 12. 000 ha, sản lượng đạt trên 27 nghìn tấn/năm và là địa phương có diện tích và sản lượng thuỷ sản lớn thứ 2 trong số 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, sau Quảng Ninh. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề tiêu úng đối với các vùng nuôi trồng thuỷ sản vẫn bộc lộ những bất cập.

Ngày 30-8, UBND huyện An Phú tổ chức lễ phát động và thả 1.500kg cá giống, với số lượng khoảng 1,2 con giống, thuộc 20 loại cá bản địa có nguồn gốc từ tự nhiên xuống Búng Bình Thiên, nhằm bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đến dự và tham gia lễ thả cá.