Tràn Lan Thuốc Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi

Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.
Trang trại heo của anh Đỗ Đình Sỹ, ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) áp dụng quy trình an toàn sinh học ít dùng kháng sinh.
Hiện nay, thời tiết giữa ngày và đêm chênh nhau đến hơn 10 độ C khiến gia súc hay mắc những bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Để phòng bệnh, không ít hộ chăn nuôi đã sử dụng kháng sinh phối trộn trong cám để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
* Ma trận kháng sinh
Theo khuyến cáo của ngành thú y, thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp đàn gia súc, gia cầm bị bệnh. Còn lại không nên dùng để phòng bệnh vì về lâu dài, sử dụng kháng sinh quá nhiều có thể gây kháng thuốc. Cảnh báo mới đây của WTO là lạm dụng thuốc kháng sinh đối với vật nuôi sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh. Và khả năng kháng thuốc tiếp tục tồn tại khi vi khuẩn tấn công sang người, gây khó khăn trong điều trị.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, thừa nhận: “Vì hiểu chưa kỹ nên không ít hộ chăn nuôi đã lạm dụng kháng sinh để trộn trong cám phòng bệnh cho đàn heo, gà. Đây là việc không nên vì góp phần đẩy giá thành chăn nuôi lên cao, đồng thời có thể gây ra các hệ lụy khó lường”.
Thực tế, ngoài mục đích chữa bệnh, lâu nay nhiều hộ chăn nuôi còn dùng thuốc kháng sinh để tăng sức đề kháng của con vật và kích thích tăng trưởng. Đây là một thói quen có hại cho chăn nuôi và cả người tiêu dùng, được nhiều nước trên thế giới cảnh báo.
Tại thị trường Việt Nam, hiện có hàng ngàn loại kháng sinh dùng cho gia súc, gia cầm. Nếu người chăn nuôi không có hiểu biết nhất định, tin theo quảng cáo sẽ dễ rơi vào “mê cung” của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y dẫn đến lạm dụng kháng sinh. Chị Quan Thủy Tiên, phụ trách kinh doanh tại Công ty TNHH Cường Lộc Phát ở KP.4, phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa), cho hay: “Hiện nay, công ty đang nhận làm đại lý phân phối, bán lẻ thuốc kháng sinh thú y cho khoảng 50 công ty. Trong đó, công ty ít cũng có 50 loại sản phẩm thuốc kháng sinh, còn nhiều khoảng 500 sản phẩm”.
Ông Nguyễn Công Khanh, chủ trang trại heo ở ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, nói: “Riêng phòng trị bệnh hô hấp cho heo, trên thị trường có hàng ngàn loại kháng sinh, loại nào cũng quảng cáo cực tốt. Do đó, tôi đành sử dụng thử thấy loại nào hiệu quả mới dùng”. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho hay, không sử dụng kháng sinh không thể phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm được, nhưng hiểu rõ về các loại kháng sinh và tác dụng của nó với đàn heo, gà thì rất ít.
* Hướng đến chăn nuôi an toàn
Dù mỗi năm, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đều ban hành danh mục các loại kháng sinh hạn chế và cấm sử dụng, song các loại kháng sinh vẫn sử dụng rất nhiều và quảng cáo, khuyến mãi khá rầm rộ thường gây ngộ nhận, dẫn đến không ít người chăn nuôi lạm dụng kháng sinh cho vật nuôi.
PGS.TS Phùng Quốc Chướng, Viện trưởng Viện Thú y quốc gia, nhấn mạnh: “Quan điểm của viện là không ủng hộ dùng kháng sinh trong chăn nuôi, vì gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Hiện trên thị trường có bán nhiều loại chế phẩm sinh học chiết xuất từ thực vật có khả năng phòng bệnh tốt và không bị kháng thuốc”.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho hay: “Sử dụng thuốc sinh học có nguồn gốc thực vật giá rẻ, hiệu quả không nhanh như thuốc kháng sinh nhưng có tác dụng lâu dài. Gần đây, các trang trại lớn trong tỉnh có xu hướng hạn chế kháng sinh, chuyển qua dùng những chế phẩm sinh học. Kết quả năng suất, chất lượng của đàn heo, gà vẫn tăng trưởng tốt, ít xảy ra dịch bệnh”.
Theo ông Trần Văn Quang, hiện Đồng Nai có trên 100 trang trại heo, gà được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Các trang trại này rất ít dùng thuốc kháng sinh nhưng đàn heo, gà vẫn tăng trọng cao hơn các trại dùng kháng sinh kích thích tăng trưởng.
Năm 1998, Đan Mạch là một trong những nước xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và chỉ sau 5 năm, tỷ lệ dùng thuốc đã giảm 54%. Số vật nuôi của Đan Mạch có mang vi khuẩn kháng thuốc cũng giảm từ 80% xuống còn 5%.
Có thể bạn quan tâm

Lo cho “đầu cơ nghiệp” của mình bị thiếu thức ăn khi mùa đông đến, sau khi thu hoạch lúa, đồng bào vùng cao chủ động lấy rơm khô về dự trữ cho trâu, bò. Đây là nguồn thức ăn quan trọng thay thế cho cỏ tươi trong mùa rét.

Thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mấy ngày qua đã sôi động trở lại. Đây là tín hiệu tốt, sau khi Việt Nam ký được khoảng 1 triệu tấn gạo theo một hợp đồng tập trung và trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines.

Thế thượng phong của tôm, cá tra, cá basa đã làm lu mờ vị thế của con cá biển, nhưng đây lại là một hướng đi đầy tiềm năng.

Mặc dù Bộ Công Thương đã có quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất phân bón, song đến nay ngành phân bón Việt Nam vẫn là một nền sản xuất tự phát.

Cá điêu hồng được Bộ Thủy sản xác định là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới. Loài cá này có năng suất cao và mau lớn, thịt ngon nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.