Trái Cây Trồng Chậu

Trồng cây ăn trái trong chậu theo hướng tự sản xuất trái cây sạch tại nhà đang trở thành “mốt” của nhiều gia đình sống ở các thành phố đất chật, người đông.
Với cách trồng này, các loại cây ăn trái lâu năm chỉ cần một diện tích hẹp để phát triển, người trồng vừa có khoảng xanh trang trí cho không gian sống, vừa được thưởng thức trái cây an toàn.
Gần đây, dịch vụ kinh doanh giống cây ăn trái trồng chậu bắt đầu sôi động. Khách hàng có thể dễ dàng đến các điểm kinh doanh giống cây trồng trong tỉnh hoặc lên mạng để tìm hiểu thông tin và đặt mua các giống cây ăn trái trồng chậu.
* Làm trái cây sạch
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa - Đồng Nai) hào hứng giới thiệu: “Nhờ ứng dụng cách trồng cây trong chậu nên chỉ với hơn 100m2 sân vườn, tôi đã tổ chức được hẳn một vườn cây ăn trái, gồm: khế, ổi, cóc... Cây trồng chậu rất dễ chăm sóc, lại cho trái quanh năm nên lúc nào gia đình tôi cũng có trái cây sạch, ngon để thưởng thức. Tự tay chăm sóc, quan sát từ khi cây đơm hoa, kết trái đến khi trái chín là cả quá trình đầy thú vị”.
Khảo sát một số cửa hàng chuyên kinh doanh cây giống tại TP.Biên Hòa, người mua có cả một bộ sưu tập các loại giống cây ăn trái để lựa chọn.
Các giống dễ trồng, như: mận, cóc, ổi... chủ yếu là giống cây chiết cành và thường chỉ mất vài tháng đến 1 năm trồng trong chậu là có trái. Các loại cây lâu năm khác, như: me, sơ ri, vú sữa, khế... thường phải nuôi từ cây ghép, cần 2-3 năm mới cho quả. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh cây giống, hiện rất nhiều người đến mua các giống cây ăn trái trồng chậu.
Thị trường này cũng ngày càng đa dạng. Cụ thể, chỉ riêng giống ổi đã có vài loại cho khách lựa chọn, như: ổi nữ hoàng, ổi Đài Loan không hạt, ổi tím, ổi Nhật... Cây trồng trong chậu được chuộng thường là giống sớm cho trái, chất lượng trái ngon.
Bà Phạm Thị Phấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên giống cây trồng số 1 (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Hầu hết các giống cây ăn trái đều có thể trồng chậu. Trong đó, thị trường bắt đầu hình thành một số giống chuyên trồng chậu với đặc điểm sớm cho trái, siêu trái.
Các giống này được xử lý để cây hạn chế phát triển chiều cao và tán lá; người trồng cũng phải thường xuyên cắt ngọn để cây dưỡng tàn và giới hạn chiều cao cho phù hợp với điều kiện sinh trưởng trong chậu cảnh. Nếu được chăm sóc đúng cách, chất lượng trái ngon không thua kém trồng trong đất vườn, song năng suất trái thấp hơn nhiều so với cây trồng trong đất”.
* Nâng cấp thành bonsai
Cây ăn trái trồng chậu còn được nhiều gia đình xử lý, nâng cấp để tạo thành các chậu bonsai đẹp mắt đặt trong sân. Khi đó, giá trị của các cây trồng chậu tăng gấp nhiều lần.
Ông Đặng Thanh Hoàng, chủ DNTN Hai Minh (huyện Vĩnh Cửu), chuyên trồng các loại cây cảnh, chia sẻ: “Cây ăn trái trồng chậu khi được nâng cấp thành bonsai thì đã ở một đẳng cấp khác hẳn. Lúc này, nó được đánh giá với tư cách là cây cảnh, người chơi sẵn sàng trả từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/chậu nếu cây có thế đẹp”.
Cũng theo ông Hoàng, để tạo được một chậu bonsai cây ăn trái là cả quá trình rất kỳ công, từ khâu sưu tầm chọn được cây có thế đẹp đến quá trình chăm sóc để tạo dáng chuẩn cho cây.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở sản xuất giống cây trồng Tuấn Phượng (huyện Trảng Bom), vài năm trở lại đây giống cây ăn trái trồng chậu ngày càng được quan tâm.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là các khu vực trung tâm thành phố. Giá giống cây ăn trái chuyên để trồng chậu thường cao hơn hẳn so với giống cây trồng trong đất vườn. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều vườn ươm đã quan tâm sản xuất dòng cây cảnh bonsai là các loại cây ăn trái.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22.5, Trung tâm Giống thủy sản Bình Định phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (chi nhánh Bình Định) đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật ương nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà trước khi nuôi thương phẩm (còn gọi là kỹ thuật ương nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà) cho đông đảo bà con tại xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ).

Hai tổ chức chứng nhận Friend of the Sea (FOS) và GlobalGAP đã công bố cùng hợp tác trong việc dán nhãn tiêu dùng cho hơn 2 triệu tấn thủy sản nuôi.

Những năm gần đây, thường cứ vào tháng 5-6 là thời điểm dịch bệnh tai xanh lại bùng phát trên đàn lợn và diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu thiệt hai do dịch bệnh gây ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Hà Văn Rem, một trong những nông dân có nhiều thâm niên trong việc trồng môn cho biết, nhờ trồng môn mà đời sống người dân trong ấp Đại An (Trà Vinh) không ngừng được cải thiện, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên từ thu nhập “trồng môn”.

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá.