Trái Cây Trồng Chậu

Trồng cây ăn trái trong chậu theo hướng tự sản xuất trái cây sạch tại nhà đang trở thành “mốt” của nhiều gia đình sống ở các thành phố đất chật, người đông.
Với cách trồng này, các loại cây ăn trái lâu năm chỉ cần một diện tích hẹp để phát triển, người trồng vừa có khoảng xanh trang trí cho không gian sống, vừa được thưởng thức trái cây an toàn.
Gần đây, dịch vụ kinh doanh giống cây ăn trái trồng chậu bắt đầu sôi động. Khách hàng có thể dễ dàng đến các điểm kinh doanh giống cây trồng trong tỉnh hoặc lên mạng để tìm hiểu thông tin và đặt mua các giống cây ăn trái trồng chậu.
* Làm trái cây sạch
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa - Đồng Nai) hào hứng giới thiệu: “Nhờ ứng dụng cách trồng cây trong chậu nên chỉ với hơn 100m2 sân vườn, tôi đã tổ chức được hẳn một vườn cây ăn trái, gồm: khế, ổi, cóc... Cây trồng chậu rất dễ chăm sóc, lại cho trái quanh năm nên lúc nào gia đình tôi cũng có trái cây sạch, ngon để thưởng thức. Tự tay chăm sóc, quan sát từ khi cây đơm hoa, kết trái đến khi trái chín là cả quá trình đầy thú vị”.
Khảo sát một số cửa hàng chuyên kinh doanh cây giống tại TP.Biên Hòa, người mua có cả một bộ sưu tập các loại giống cây ăn trái để lựa chọn.
Các giống dễ trồng, như: mận, cóc, ổi... chủ yếu là giống cây chiết cành và thường chỉ mất vài tháng đến 1 năm trồng trong chậu là có trái. Các loại cây lâu năm khác, như: me, sơ ri, vú sữa, khế... thường phải nuôi từ cây ghép, cần 2-3 năm mới cho quả. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh cây giống, hiện rất nhiều người đến mua các giống cây ăn trái trồng chậu.
Thị trường này cũng ngày càng đa dạng. Cụ thể, chỉ riêng giống ổi đã có vài loại cho khách lựa chọn, như: ổi nữ hoàng, ổi Đài Loan không hạt, ổi tím, ổi Nhật... Cây trồng trong chậu được chuộng thường là giống sớm cho trái, chất lượng trái ngon.
Bà Phạm Thị Phấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên giống cây trồng số 1 (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Hầu hết các giống cây ăn trái đều có thể trồng chậu. Trong đó, thị trường bắt đầu hình thành một số giống chuyên trồng chậu với đặc điểm sớm cho trái, siêu trái.
Các giống này được xử lý để cây hạn chế phát triển chiều cao và tán lá; người trồng cũng phải thường xuyên cắt ngọn để cây dưỡng tàn và giới hạn chiều cao cho phù hợp với điều kiện sinh trưởng trong chậu cảnh. Nếu được chăm sóc đúng cách, chất lượng trái ngon không thua kém trồng trong đất vườn, song năng suất trái thấp hơn nhiều so với cây trồng trong đất”.
* Nâng cấp thành bonsai
Cây ăn trái trồng chậu còn được nhiều gia đình xử lý, nâng cấp để tạo thành các chậu bonsai đẹp mắt đặt trong sân. Khi đó, giá trị của các cây trồng chậu tăng gấp nhiều lần.
Ông Đặng Thanh Hoàng, chủ DNTN Hai Minh (huyện Vĩnh Cửu), chuyên trồng các loại cây cảnh, chia sẻ: “Cây ăn trái trồng chậu khi được nâng cấp thành bonsai thì đã ở một đẳng cấp khác hẳn. Lúc này, nó được đánh giá với tư cách là cây cảnh, người chơi sẵn sàng trả từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/chậu nếu cây có thế đẹp”.
Cũng theo ông Hoàng, để tạo được một chậu bonsai cây ăn trái là cả quá trình rất kỳ công, từ khâu sưu tầm chọn được cây có thế đẹp đến quá trình chăm sóc để tạo dáng chuẩn cho cây.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở sản xuất giống cây trồng Tuấn Phượng (huyện Trảng Bom), vài năm trở lại đây giống cây ăn trái trồng chậu ngày càng được quan tâm.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là các khu vực trung tâm thành phố. Giá giống cây ăn trái chuyên để trồng chậu thường cao hơn hẳn so với giống cây trồng trong đất vườn. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều vườn ươm đã quan tâm sản xuất dòng cây cảnh bonsai là các loại cây ăn trái.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững, nhiều địa phương đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2015.

“Với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 1 tỷ USD, đây là một năm rất thành công, nhưng cũng là năm đầy vất vả của cả nông dân và doanh nghiệp (DN)”, đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi gặp gỡ báo chí TPHCM ngày cuối năm 2014.

Sở KH-CN vừa nghiệm thu 2 dự án khoa học gồm: Dự án xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo nghêu giống ở tỉnh Bạc Liêu và Dự án sản xuất giống và nuôi cá sặc rằn trong ao đất và trong ruộng lúa kết hợp. Thành công mang lại từ các dự án trên mở ra cho nông dân cơ hội sản xuất nghêu giống và cá sặc rằn.

Theo nhiều người dân thôn Vinh Bình, ban đầu, nông dân chỉ nuôi cá rô đầu vuông với số lượng ít để khảo nghiệm. Do thấy cá thích nghi tốt, lớn nhanh nên một số hộ đã mạnh dạn mua thêm con giống về nuôi. Ông Hồ Nhâm Bảo - hộ nuôi cá trong thôn chia sẻ: “Trước đây, tôi đã có thời gian nuôi cá trê lai, nhưng lợi nhuận rất ít do địa hình thấp, có năm bị mất trắng do lũ lụt. Cuối năm 2013, thấy cá rô đầu vuông của một số hộ trong thôn thả nuôi lớn rất nhanh nên tôi gửi mua một ít giống về thả thử.

Năm 2015, Tiền Giang có kế hoạch tiếp tục khai thác tốt tiềm năng nuôi thủy sản trên cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn gắn với chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và tạo thêm nguồn hàng hóa chất lượng tốt, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu.