Trái Cây Thái Lan Tràn Vào Chợ Việt

Trái cây Thái Lan đang áp đảo Trung Quốc tại các chợ truyền thống Việt. Kim ngạch nhập khẩu rau củ quả 7 tháng đầu năm từ thị trường này tăng tới 63%.
Khảo sát của VnExpress.net tại các chợ TP HCM cho thấy, lượng trái cây nhập khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng.
Bà Vân, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho biết, nguyên nhân chính là do thời gian gần đây trái cây Trung Quốc ít được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, nên sức mua giảm sút.
"Thay vì lấy một lượng lớn táo, cam từ Trung Quốc như trước thì nay tôi bán hàng Thái Lan nhiều hơn. Một số loại như bòn bon, măng cụt số lượng bán ra tăng gấp đôi so với hàng Trung Quốc", bà Vân chia sẻ.
Còn cô Thanh, tiểu thương tại chợ phường 25 (Quận Bình Thạnh) cũng cho hay, hiện cô đã không còn nhập hàng Trung Quốc về bán mà thay vào đó là trái cây nội địa và một số hàng Thái như me, xoài...
Riêng anh Hoàng, tiểu thương chuyên buôn trái cây ngoại tại chợ đầu mối cho biết, sức mua các sản phẩm Thái Lan đã hơn hẳn so với các loại trái cây nhập khẩu khác. Riêng trái cây Trung Quốc, lượng hàng bán ra giảm khoảng 20%.
"Nếu trước đây, trái cây Trung Quốc bán ra tăng mạnh về số lượng thì nay giảm đi 10-20% vì người tiêu dùng đang ngày càng thiếu mặn mà với sản phẩm này. Năm trước lấy hàng về ngày nào hết ngày ấy, nhưng gần đây các loại táo, cam nhập từ Trung Quốc chúng tôi phải dự trữ trong kho lạnh lâu hơn vì khó tiêu thụ", Anh Hoàng nói.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, lượng rau quả về chợ trung bình 2.700 tấn một đêm, trong đó, có 1.300 tấn trái cây (410 tấn là trái cây nhập khẩu). Hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về sức mua. Do vậy, thời gian gần đây lượng trái cây Trung Quốc về có giảm so với trước.
"Thông tin một số rau quả nhập từ Trung Quốc có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến nhiều doanh nghiệp giảm nhập khẩu và tìm nguồn thay thế từ Thái Lan hoặc châu Âu", bà Hà cho hay.
Bà cũng cho biết thêm, tiểu thương chỉ nhập một số loại trái cây đặc trưng từ Trung Quốc như táo, cam, và nho. Riêng một số mặt hàng như sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, me, măng cụt, xoài đều từ Thái.
Giá cả các sản phẩm Thái Lan cũng đang ở mức ổn định, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Cụ thể, bòn bon Thái Lan tại chợ đầu mối dao động quanh mức 30.000-35.000 đồng một kg, chôm chôm 18.000-20.000 đồng, me 62.000 đồng, xoài 27.000 đồng...
Trong khi đó, đại diện một số siêu thị như Big C, Co.opmart cho biết hoàn toàn không bán rau, quả từ Thái Lan.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 309,5 triệu USD. Trong đó, mặt hàng đến từ Thái Lan chiếm 34,2% tổng kim ngạch nhập khẩu với 106 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn lượng hàng đến từ Trung Quốc lại giảm trên 5%, xuống còn 71,35 triệu USD, chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc luôn là nước chiếm lĩnh thị trường rau củ, trái cây nhập khẩu của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Ít cả đất lẫn vốn nhưng vẫn có thể làm giàu nhờ trồng xen các loại cây trên cùng một diện tích. Đó là cách làm của nhiều nông hộ ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) và ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước). Cách làm này vừa giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, hỗ trợ các loại cây cùng phát triển, vừa cho lợi nhuận cao, giảm được nỗi lo thất mùa, mất giá.

Sóc Trăng hiện có tổng đàn bò hơn 26.500 con, trong đó có 6.400 con bò sữa và hơn 90% được nuôi ở mô hình nông hộ; Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm đặc biệt, yếu tố chất lượng chính là đòi hỏi bắt buộc.

Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Liễu Đô (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Nông dân Hoàng Văn Cát là một trong những người như thế.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP được mở rộng, hiệu quả sản xuất chăn nuôi được nâng cao. Đó là kết quả quan trọng của Chương trình phối hợp về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phía Bắc.

Ngày 22/4/2015, tại UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), ông Kim Ngọc Thái, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành tỉnh đã nghe lãnh đạo 04 huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành báo cáo về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vùng nước mặn - lợ.