Trái Cây Mùa Nghịch Hốt Bạc

Hiện tại, giá xoài cát Hòa Lộc là 55.000 đ/kg, sầu riêng cơm vàng hạt lép 45.000 đ/kg, nhãn Ido (Thái Lan) trên 30.000 đ/kg.
Nhà vườn trồng cây ăn trái đặc sản ở ĐBSCL đang hốt bạc với trái cây mùa nghịch. Hiện tại, giá xoài cát Hòa Lộc là 55.000 đ/kg, sầu riêng cơm vàng hạt lép 45.000 đ/kg, nhãn Ido (Thái Lan) trên 30.000 đ/kg.
Ông Huỳnh Văn Định, ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Hiện nay, trái xoài cát Hòa Lộc nghịch vụ có giá cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 đ/kg và đang đứng ở mức hơn 55.000 đ/kg. Với mức giá này những nhà vườn giỏi kỹ thuật cho xoài ra hoa nghịch vụ thu lãi trên 200 triệu đồng/ha/năm. Xoài cát Hòa Lộc là loại trái ngon đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.
Chính vì vậy nhà vườn Tiền Giang đã duy trì và phát triển đến nay được gần 5.000 ha tập trung ở huyện Cái Bè, Cai Lậy. Để có số lượng lớn, Ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh trên 1.600 ha tập trung tại các xã Hòa Hưng, Đông Hòa Hiệp, Tân Thanh, Tân Hưng, An Thái Trung, Mỹ Lương thuộc huyện Cái Bè...
Đi liền đó, người trồng nhãn cũng cười tươi khi giá nhãn Ido đang dao động ở mức 30.000 - 38.000 đ/kg. Ông Trương Văn Rồi, Chủ nhiệm HTX nhãn Châu Thành (Châu Thành, Đồng Tháp) cho biết: Thời gian qua do nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng tàn phá nên nhiều nhà vườn đã chuyển đổi sang trồng giống nhãn Ido và nay lại trúng mùa, trúng giá. Bình quân, 1 ha nhãn Ido nếu nhà vườn canh tác tốt, thu hoạch được khoảng 15 - 30 tấn/ha, tùy theo độ tuổi cây nhãn.
Ông Trần Thanh Nhàn, ấp Tân Bường A, xã Tân Phong, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết thêm: Giống nhãn Ido ngoài ưu điểm cho năng suất cao, ít sâu bệnh còn rất dễ xử lý ra hoa theo ý muốn. Nhờ vậy mà bà con đã chủ động được mùa vụ nên tránh được cảnh trúng mùa rớt giá.
Ông Nhàn tính, với 4.000 m2 nhãn Ido mỗi năm thu khoảng 8 tấn trái, giá bán bình quân 30.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí có lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Kiều Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong, huyện Châu Thành, (Đồng Tháp) khẳng định: Khoảng 5 năm trở lại đây, giống nhãn Ido được nhà vườn Tân Phong chọn thay thế cho giống nhãn tiêu da bò bị thiệt hại do bệnh chổi rồng gây ra. Nhờ đó hai ấp Tân Bường A và Tân An đã hình thành được vùng nhãn Ido chuyên canh thu về mỗi năm hơn 200 triệu đồng/ha.
Còn ở tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang thời điểm này nhà vườn trồng bưởi năm roi cũng hốt bạc. Bưởi loại 1 kg trở lên 32.000 đ/kg, từ 800 gram đến 1 kg 22.000 đ/kg, tăng từ 5.000 - 10.000 đ/kg so với thời điểm sau Tết. Giá bưởi tăng cao đột biến là do mùa nghịch sản lượng cung không đủ cầu.
Trong khi đó, vú sữa sau hơn hai tháng giảm giá thì nay đã tăng gấp đôi, giá 11.000 đ/kg. Ông Nguyễn Văn Các, ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) vừa hái 550 kg vú sữa bán cho thương lái thu về 5,5 triệu đồng cho biết: Đã cuối vụ nên giá tăng mạnh, chỉ tiếc là không có nhiều mà bán.
Ở Bến tre, giá sầu riêng cũng đang tăng cao. Ông Lê Văn Hiền, ấp Sơn Lân, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang thu hoạch 3.000 m2 sầu riêng cơm vàng hạt lép tính: “Với giá bán 45.000 đ/kg sau khi trừ chi phí tôi còn lãi ròng trên 240 triệu đồng”.
Có thể bạn quan tâm

Nhiệt tình, năng nổ, luôn đi đầu trong mọi hoạt động, đặc biệt là tấm gương điển hình trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương; đó là những gì mà đoàn viên, thanh niên xã Na Khê và người dân địa phương nói về anh Lý Seo Sáng, Bí thư Đoàn xã Na Khê (Yên Minh).

Thời gian gần đây, nhiều người lạ mặt đến các vùng quê trên địa bàn tỉnh để lùng sục thu gom cau với giá cao ngất ngưởng. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng này chỉ thu mua cau non (trái cau chỉ bằng đầu ngón tay cái) và gom cả nguyên buồng nên đây được xem là việc làm rất bất thường.

Ngành chuyên môn cùng các nhà vườn ở địa bàn được xem như “thủ phủ” vườn trái cây có múi của tỉnh là huyện Châu Thành đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh vàng lá gân xanh đang hoành hành dữ dội.

Ở tổ 7, phường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), ai cũng thán phục ông Trần Thanh Cảnh là người nuôi lợn giỏi. Dù quy mô nuôi lợn không lớn, nhưng ông đã duy trì nghề nuôi lợn liên tục hơn 20 năm, không gây ô nhiễm môi trường, chưa lúc nào lỗ vốn.

Với bản chất cần cù, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh Võ Đình Chiến (SN 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã thành công và vươn lên làm giàu bằng chính đặc sản quê nhà.