Trái cây hè rộ mùa rớt giá

Nhiều loại trái cây rớt giá
Các hộ trồng thanh long tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) cho biết, vài tuần trở lại đây, giá bán thanh long rớt thê thảm. Hiện các thương lái thu mua tại vườn với thanh long ruột trắng chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 15.000 đồng/kg (loại I), giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng 5-2015.
Ông Nguyễn Thanh Đồng, ở ấp Trang Định cho biết, gia đình ông có 1ha đất trồng thanh long, trong đó một nửa diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Do vụ này thiếu nước tưới nên năng suất giảm, chỉ đạt khoảng 16 tấn/ha, giảm 1 tấn so với vụ trước. “Không những năng suất giảm mà giá bán cũng rớt mạnh trong nửa tháng trở lại đây. Nguyên nhân là hiện đang bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vụ của nhiều loại trái cây hè như chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài… nên nguồn cung đã vượt cầu” - ông Đồng cho biết thêm.
So với mọi năm, sản lượng trái cây hè năm nay trên địa bàn tỉnh giảm do nắng nóng bất thường ở giai đoạn cây ra hoa, kết trái. Theo ước tính của các nhà vườn, mỗi ha chôm chôm cho khoảng 3 - 3,5 tấn, sầu riêng và măng cụt cho khoảng 1,5 - 1,8 tấn. Trong khi đó, giá bán các loại trái cây hè cũng giảm từ 10 - 20% so với tháng trước.
Hiện tại, chôm chôm Thái và chôm chôm nhãn được thương lái thu mua tại vườn dao động ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg, chôm chôm thường giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, măng cụt giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, sầu riêng giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kg (tùy loại), dưa hấu 6.000 - 7.000 đồng/kg. Mặt khác, đây cũng là thời điểm các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang rộ mùa thu hoạch trái cây hè như vải thiều, mận, xoài, mít… Lượng trái cây này ngoài tiêu thụ ở thị trường miền Bắc, hiện cũng đang tràn ngập tại thị trường BR-VT khiến cho nguồn cung vượt cầu, giá giảm. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa cho thấy, vải thiều hiện có giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán loại trái cây này trên các xe dạo chỉ ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Bà con nông dân đang rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng về chọn giống, kỹ thuật canh tác, nhận định về thị trường. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức).
Chưa có định hướng
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000ha cây ăn quả và khoảng 8.000ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, một số loại trái cây như thanh long, mãng cầu, sầu riêng… của BR-VT được nhiều người biết đến trên thị trường. Tuy nhiên, do thiếu vùng chuyên canh nên sản lượng thấp, khả năng tiếp thị chưa cao và người nông dân hiện đang chịu thiệt vì giá đầu vào, nhân công tăng, còn giá sản phẩm thì trồi sụt tùy theo thời tiết và mùa vụ.
So với trái cây của các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, trái cây của BR-VT thua kém về mặt hình thức, sản lượng nên sức cạnh tranh kém hơn. Trước thực trạng này, ý kiến chung của người trồng cây ăn trái đều cho rằng, bà con nông dân đang rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng về chọn giống, kỹ thuật canh tác, nhận định về thị trường. Nếu không có định hướng từ cơ quan chức năng thì tình trạng “trồng rồi chặt” sẽ xảy ra khi cung vượt cầu hoặc năng suất thấp.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT, để xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái, ngành nông nghiệp đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh áp dụng quy trình Viet GAP. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ quy hoạch trồng tập trung 4.500ha cây ăn quả chủ lực của tỉnh như sầu riêng, thanh long, chôm chôm, mãng cầu, nhãn... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đang quy hoạch sản xuất cây ăn trái rải vụ gắn với sản xuất tập trung, thị trường tiêu thụ và kết nối với tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.

Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang). Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.