Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trái cây dội chợ, rớt giá mạnh

Trái cây dội chợ, rớt giá mạnh
Ngày đăng: 16/06/2015

Được mùa, rớt giá

Điệp khúc nông sản, trái cây được mùa- rớt giá lặp đi lặp lại nhiều năm nay và có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn. Rớt giá, trái cây bày bán tràn ngập khắp chợ thành, chợ huyện, chợ quê.

Cụ thể, chôm chôm Thái còn 10.000 - 15.000 đ/kg, xoài cát Hòa Lộc còn 30.000 đ/kg, măng cụt còn 20.000 - 30.000 đ/kg, trái vải 20.000 - 25.000 đ/kg, thanh long 3.000 - 5.000 đ/kg, bơ sáp 25.000 - 30.000 đ/kg, mãng cầu ta 25.000 - 35.000 đ/kg, sầu riêng Ri 6 25.000 - 30.000 đ/kg…

Mặc dù giá rẻ nhưng một số tiểu thương cho biết sức mua không tăng mạnh, mức bán ra vẫn bình thường.

Chị Trần Thị Trúc- bán trái cây chợ thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Giá trái cây lên xuống thất thường, tôi nhập trái vải vào giá gốc là 23.000 đ/kg, bán ra 25.000 đ/kg, giá này rẻ hơn 50% so với đầu mùa. Do đụng nhiều loại trái cây khác nên bán khá chậm, chỉ chừng 60 kg/ngày. Tương tự, hiện giá ổi bán tại vườn chỉ từ 500 - 1.500 đ/kg”.

Chị Nguyễn Thị Dung (xã Phước Hậu- Long Hồ) nói: “Năm nay, vườn ổi trúng mùa nhưng rớt giá quá, đến thu hoạch mà không thấy thương lái đến mua”. Chị Ngọc Điệp- sạp trái cây Ngọc Điệp (chợ Vĩnh Long) cho biết: “Mấy ngày trước ổi rẻ lắm, mua tại vườn chỉ có 500 - 1.000 đ/kg. 2 ngày nay có nhích nhẹ hơn chút đỉnh”.

Còn theo chị Mỹ Phượng- bán trái cây chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít): Năm nay trái cây trúng mùa và đang thu hoạch rộ nên rớt giá mạnh. Chôm chôm, măng cụt giảm nhiều nhất.

Giải thích nguyên nhân trái cây rớt giá, chú Lê Văn Long- bán trái cây chợ Vĩnh Long nói: Mùa chôm chôm, ở ĐBSCL cũng trùng vào mùa vải thiều ở miền Bắc, mùa thanh long ở miền Đông nên chợ tràn ngập vải thiều, chôm chôm, thanh long, măng cụt. Ngay cả một số trái cây ngon cũng giảm giá mạnh như bòn bon, bưởi Năm Roi.

Bên cạnh đó, thanh long rớt giá là do mấy năm nay vùng ĐBSCL nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long nên tới mùa thu hoạch rộ rớt giá nhanh. Ngoài ra, gần đây thương lái Trung Quốc ít ăn hàng hơn vì trong vùng có nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch nên kéo theo giá giảm.

Chị Ngọc Điệp nói thêm: Năm nào vào tháng này trái cây cũng rẻ. Nhiều loại trái cây vào mùa, dội chợ như vải, thanh long, chôm chôm, vào mùa nên lấy hàng là có, không lo hết hàng. Tôi thường lấy hàng ở Tiền Giang, Vũng Tàu.

Cần giải pháp lâu dài cho đầu ra

Thời gian qua, nhiều hệ thống, đơn vị bán lẻ đã tích cực tham gia việc “giải cứu” mặt hàng trái cây, nông sản; giúp nông dân tiêu thụ với giá bảo đảm có lời và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn vấn đề.

Để không còn chịu cảnh được mùa rớt giá, rất cần sự thay đổi thói quen sản xuất của nông dân: từ bỏ cách trồng trọt theo phong trào. Nếu thích gì trồng nấy, không đầu tư cho chất lượng cây trồng thì sẽ phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá.

Thay vào đó, nhà vườn nên tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, các hội nông dân sản xuất… để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra, giá cả.

Chú Đặng Văn Rô- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM DV Ba Rô (Mỏ Cày Bắc- Bến Tre) cho biết: Doanh nghiệp tôi chuyên kinh doanh, sản xuất bưởi da xanh, được sản xuất theo quy trình, bao tiêu sản phẩm nên giá cả luôn ổn định và cao hơn thị trường.

Nếu nông dân cứ sản xuất theo hướng đại trà, thích gì trồng nấy, không theo quy trình tiêu chuẩn nào thì khó có thể gia tăng giá trị sản phẩm và khó chen chân vào các thị trường khác. Đồng thời luôn phải chịu thiệt thòi về giá cả.

Bên cạnh đó, nhà vườn cũng cần mau mắn bắt kịp xu thế thị trường, chủ động hơn trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Một trong những cách nông dân chọn là sản xuất theo mùa nghịch, né các vụ trái cây khác cùng mùa, có thể giúp ổn định đầu ra, giá cả cũng cao hơn.

Anh Phạm Văn Đoàn- xã viên Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết: Tôi trồng được 10 công chôm chôm Java, đang cho xử lý mùa nghịch. Không riêng gì tôi mà toàn bộ bà con trong xã trồng chôm chôm cũng làm như vậy.

Trong khi vào vụ này nhiều nông dân khác lo lắng khi chôm chôm tuột giá thì vào mùa nghịch, tôi bán được 18.000 - 20.000 đ/kg. Bởi tháng này, tháng sau, nhiều loại trái cây sẽ rộ như vải, thanh long. Riêng chôm chôm mùa này sẽ đụng với chôm chôm miền Đông, chôm chôm Trà Ôn. Qua kinh nghiệm nhiều năm, trồng đụng hàng nhiều loại trái cây khác, tôi chủ động né.


Có thể bạn quan tâm

Tôm hùm ở Lý Sơn chết nhiều làm người nuôi hoang mang Tôm hùm ở Lý Sơn chết nhiều làm người nuôi hoang mang

Hơn một tháng qua, nhiều hộ nuôi tôm hùm xuất khẩu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoang mang, lo lắng do tình trạng tôm chết không rõ nguyên nhân có chiều hướng gia tăng.

03/10/2015
Đề xuất lập liên minh CSR cho thủy sản Việt Nam Đề xuất lập liên minh CSR cho thủy sản Việt Nam

Ngành thủy sản Việt Nam nên thành lập một liên minh trách nhiệm xã hội (CSR), với mục tiêu giúp ngành này phát triển bền vững thông qua việc hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm xã hội.

03/10/2015
 Đặc sản và đặc ân Đặc sản và đặc ân

Vài tháng trước, trên vỉa hè Hà Nội bán tràn ngập quả thanh mai rừng có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá từ 130.000-150.000 đồng/kg. Cũng thời điểm đó, dân Hà thành sành ăn náo nức quảng bá một thứ quả đến từ nước Pháp- quả cherry- với giá khoảng 174.000 đồng/kg.

03/10/2015
Nuôi heo trên đệm lót sinh học: Vì sao người chăn nuôi quay lưng Nuôi heo trên đệm lót sinh học: Vì sao người chăn nuôi quay lưng

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học đã được triển khai tại Hậu Giang vào giữa năm 2012. Tuy nhiên sau ba năm triển khai thực hiện, nhiều người đã quay lưng và trở về với cách nuôi truyền thống.

03/10/2015
 Cánh đồng lớn nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp Cánh đồng lớn nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp

Từ “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP vật tư nông nghiệp An Giang (AGPPS) năm 2007 chỉ 200ha, đến năm 2015, “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” đã phát triển mạnh ra nhiều tỉnh, thành với khoảng 290.000ha.

03/10/2015