Trà Vinh: Nuôi Tôm Trái Vụ Ăn... Trái Đắng!

Dọc con đường từ TX Trà Vinh đi huyện Duyên Hải, rải rác trong các ao tôm cạn queo đang xử lý đáy chờ chính vụ là những ao tôm ngập nước nhưng quạt guồng lặng im tang tóc. Anh Hải, đại lý phân phối trùn quế Tài Lộc tại Trà Vinh, người hướng dẫn chúng tôi đi thăm vùng nuôi tôm Duyên Hải giải thích: Cứ thấy ao nước mà guồng im là biết tôm vừa chết.
Một trong những hộ nuôi tôm lâu năm ở xã Long Toàn, huyện Thuận An cho biết, thời tiết năm nay nghiệt quá, sáng lạnh mà chiều lại quá nóng, tôm chịu không nổi nên chết vì "sốc môi trường".
Ông Út Phải ngồi bó gối bên bờ ao nhìn đám thợ sục đáy, miệng thở khói thuốc với khuôn mặt cay đắng. Cái ao hơn 1.000 m2 vừa thả tôm được hơn tháng thì lăn ra chết. Bà bán trùn quế an ủi: "Bữa trước chịu khó cho tôm ăn trùn quế thì nay có khi cũng đỡ". Ông Út Phải cộc cằn ngắt ngang: "Chết là chết! Ao này hơn 1 tháng chứ ao kia tôm thả mới 20 ngày đã chết. Không tôm nào lớn kịp để mà ăn trùn, ăn bọ gì ráo. Năm nay gió chướng (gió Đông Bắc) về dữ quá. Năm nào có con gió này là tôm khó sống. Chừng nào gió nồm (gió Tây Nam) về mà tôm còn thì mới yên tâm".
Ao tôm của ông Suông thả hơn tháng, khi các ao tôm trong xã chết, ông ăn ngủ ngoài ao chăm tôm từng chút một. Vậy mà tôm của ông cũng không qua khỏi. Tôm chết, ông bỏ về nhà, chẳng ngó ngàng đến chuyện vớt tôm xả ao. Tôm nổi trắng cứ dập dềnh theo con nước.
Cậu Lễ, trại cung cấp tôm giống cho các hộ tại Cầu Ngang, Duyên Hải nhận xét: Tôm năm nay chết có nhiều nguyên nhân, trước tiên là do khí hậu khắc nghiệt khiến tôm "sốc môi trường". Ngoài ra, có lẽ do làm đáy ao chưa kỹ, khiến trứng nước phát triển và phân hủy, gây thối và ô nhiễm môi trường. Rồi các hộ nuôi xả chất thải ra kênh, lắng xuống lòng kênh, hộ khác lại lấy nước kênh đó đưa vào ao tôm nhà mình…Một số hộ vừa thất vụ tôm, hết tiền, đành mua tôm giống giá rẻ. Mà chất lượng tôm giá rẻ thế nào thì ai cũng biết, họ cũng biết nhưng hy vọng…hên xui.
Tôm của 280 hộ Cầu Ngang thả trái vụ đều đã chết hết. Huyện Thuận An, Duyên Hải có bao nhiêu hộ thả tôm trái vụ tôm cũng "đi" hết rồi. Chỉ còn 200 ao của khu Tạm Giam là tôm còn sống nhưng anh Hiếu phụ trách tại đây vẫn không dám yên tâm. Chẳng riêng gì Trà Vinh, mà ở Sóc Trăng tôm trái vụ năm nay cũng chết hàng loạt.
Có thể bạn quan tâm

Nói đến Lý Sơn, người ta thường nghĩ đến nghề trồng hành, tỏi và đi biển. Còn với nghề chăn nuôi dường như ít ai để mắt đến. Ấy vậy mà, ở hòn đảo này, có một lão ngư âm thầm phát triển nghề nuôi heo từ hơn chục năm nay và được người dân mệnh danh là “vua heo” đất đảo…

Ngày 27-6, đoàn giám sát HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do ông Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn đã cùng với cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu đi thực tế khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản dọc sông Chà Và.

Đã qua rồi thời kỳ ăn nên làm ra của nghề chuyên nuôi cá giống cung cấp cho nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi rất nhiều hộ đã quyết định “treo” ao hoặc thu hẹp diện tích, chuyển sang loại hình làm ăn khác.

Trang trại nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Văn Đạt, tại tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) có quy mô mỗi lứa 20 con bò thịt. Đến nay trang trại của anh đã xuất lứa bò thịt đầu tiên, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện quy mô trang trại, hướng đến quy trình cung cấp bò thịt ổn định.

Vườn của ông Quảng rộng 1 mẫu, với khoảng 200 gốc ổi và 100 gốc nhãn. Điều đặc biệt là ông chỉ trồng cây cho quả trái vụ. Theo ông Quảng, “quả trái vụ luôn được giá và không bao giờ lo ế”.