Tổng Lực Siết Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm

Với chủ đề “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm” (VSATTP), năm 2015, Bộ NN-PTNT sẽ có kế hoạch hành động quyết liệt, với hàng loạt các giải pháp cụ thể nhằm siết chặt vấn đề vốn vẫn còn nhiều nhức nhối này.
Còn nhiều tồn tạiKế hoạch hành động năm VSATTP 2015 đã được xây dựng dựa trên sự nhất trí chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị ngày 11/12/2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.
Ngày 5/1/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có thông báo kết luận tại cuộc họp BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP, theo đó thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong kế hoạch đề ra nhằm tạo chuyển biến rõ nét về công tác đảm bảo VSATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực trong năm 2015…
Kết thúc năm 2014, một trong những tồn tại về công tác VSATTP đã được chỉ ra, đó là việc giám sát, thanh tra, kiểm tra vẫn chưa bài bản, chưa gắn kết giám sát cảnh báo với kiểm tra, thanh tra xử lí vi phạm.
Hậu quả là tỉ lệ cơ sở SX kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản xếp loại C theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT (chưa đáp ứng các quy định về VSATTP) còn cao (chiếm 23,6% đối với cơ sở SXKD sản phẩm thực vật; 34,5% đối với lò mổ; 16,2% đối với cơ sở SXKD thủy sản…). Bên cạnh đó, chỉ có 36% cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra, và sau tái kiểm tra vẫn còn tới 47,4% xếp loại C.
Qua kiểm tra giám sát, đã phát hiện tỉ lệ mẫu không đạt ATTP còn cao (6,8% mẫu thịt phát hiện nhiễm tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; 5,43% mẫu rau phát hiện thuốc BVTV vượt ngưỡng; 1,2% mẫu thủy sản vẫn còn tồn dư hóa chất cấm và kháng sinh vượt ngưỡng…). Việc công khai kết quả kiểm tra, giám sát còn chưa được thực hiện ở nhiều địa phương.
Nhiều biện pháp mạnh tay
Trước những tồn tại này, thực hiện chỉ đạo và nhất trí của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã hoàn thành dự thảo quyết định ban hành Kế hoạch hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với hàng loạt các công tác cụ thể cho toàn ngành, với mục tiêu chung là tạo sức bật, lấy lại niềm tin người tiêu dùng, giữ vững và mở rộng thị trường XK đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực.
Mục tiêu cụ thể trong năm 2015, sẽ có 100% cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực (gồm chè, rau, gạo, thịt, thủy sản nuôi) được thống kê, kiểm tra, phân loại và công khai kết quả phân loại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, DN biết. Đồng thời, 100% cơ sở xếp loại C sẽ bị tái kiểm tra, xử lí dứt điểm sau 2 lần kiểm tra.
Về tồn dư hóa chất, kháng sinh và thuốc BVTV, năm 2015 sẽ nỗ lực kiểm soát nhằm giảm 10% tỉ lệ mẫu vượt ngưỡng tồn dư đối với thịt, thủy sản nuôi, rau, chè và gạo; giảm 10% tỉ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh trong thịt lợn, thịt gà so với năm 2014.
Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ NN-PTNT sẽ có các nhóm nhiệm vụ phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT cũng như Sở NN-PTNT các địa phương.
Cụ thể đối với cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thực thi việc siết chặt quản lí VSATTP, sẽ sớm có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về quản lí chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; xây dựng thông tư về quản lí kháng sinh trong TĂCN; khắc phục các quy định bất hợp lí trong công tác kiểm dịch và thu phí kiểm dịch;
Rà soát, đơn giản hóa quy chế chứng nhận, quy định kỹ thuật VietGAP; rà soát phân công các cơ quan quản lí VSATTP tại địa phương; xây dựng quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật; xây dựng đề án tăng cường giám sát VSATTP đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lí của ngành nông nghiệp…
Đối với nhóm giải pháp giám sát, thanh kiểm tra, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể như: Thiết kế và triển khai chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, kết hợp triển khai kiểm nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối; thực hiện tổng kiểm tra các DN nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất xử lí cải tạo môi trường; kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV và sẽ xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm;
Kiểm tra giám sát chặt chẽ con giống thủy sản nhằm kiểm soát dịch bệnh; tăng cường thanh kiểm tra và kiên quyết xử lí mạnh tay đối với các trường hợp sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, chất xử lí môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Có thể bạn quan tâm
"Tôi chuyển sang nuôi gà Đông Tảo, ngoài việc chênh lệnh về thu nhập, còn bởi tôi là thằng đàn ông luôn... đam mê "của lạ" - ông Long tâm sự.

Trong thời gian qua, việc xây dựng các mô hình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân đã được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện đạt được những kết quả nhất định, góp phần giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiện nhiều loài chim, như: yến, trĩ, vịt trời, le le... đã trở thành vật nuôi mang lại lợi nhuận cao. Sản phẩm từ những vật nuôi có nguồn gốc hoang dã này đều là đặc sản được thị trường ưa chuộng.
Nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán giá sen khoảng 50 - 60 ngàn đồng/kg thì hiện nay giá sen lao dốc mạnh, chỉ còn 10 - 11 ngàn đồng/kg. Sen rớt giá trong khi năng suất mùa này khá thấp lại thêm ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên rất nhiều nông dân rất lo ngại.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Thảo luận kết quả báo cáo nghiên cứu công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.