Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Trong Ao Bằng Thức Ăn Công Nghiệp

Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.
Với 2 mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp, được thực hiện trên qui mô 1 ha, tại 2 xã Long Toàn và Long Vĩnh. Với lượng con giống thả nuôi là 15.000 con, mật độ nuôi 1,5 con/m2. Con giống được cung cấp từ Phân viện của Viện nuôi trồng thủy sản II; cá có kích cở từ 10 đến 12 cm/con; cá được thuần bằng thức ăn viên nổi và được thuần độ mặn phù hợp với ao nuôi.
Theo đánh giá của kỹ sư La Minh Trung, Trưởng Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải: Sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 800 g trở lên, tỷ lệ sống đạt trên dưới 70%; năng suất đạt bình quân 8,4 tấn/ha. Qua thực tế nuôi cho thấy, hệ số thức ăn là 1,2 tạo ra 1 kg cá; Tổng các khoản chi phí để tạo ra 1 kg cá thành phẩm là 42.000 đồng. Với giá bán dao động trên dưới 70.000 đồng/kg, thì 1 ha nuôi cá chẽm sẽ mang về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Cụ thể như mô hình trình diễn của hộ anh Châu Hoàng Ân, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, với diện tích 5.000 m2 anh thả nuôi 6.500 con cá giống. Sau 8 tháng nuôi, hiện tại đàn cá của anh tăng trọng rất nhanh từ trên 800 g đến 1 kg/con; với tỷ lệ cá sống khoảng 70% thì sản lượng đã ước đạt trên 4,5 tấn. Với giá bán như hiện nay thì anh Ân đã mang về nguồn thu cả trăm triệu đồng.
Qua tham quan thực tế tại mô hình trình diễn của hộ anh Châu Hoàng Ân, ngư dân tham dự đều ghi nhận hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá chẽm trong ao đất sử dụng bằng thức ăn công nghiệp. Qua phân tích của ngành chuyên môn, thì mô hình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp có ưu điểm là: thức ăn có độ ổn định, giúp cá phát triển tốt, rút ngắn thời gian nuôi; kích thích cá bắt mồi tốt; cung cấp đủ dinh dưỡng đảm bảo sự tăng trưởng đồng đều cho cá; chủ động nguồn thức ăn; tiết kiệm thời gian và công lao động; giá thành giảm…đồng thời, giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi.
Tuy nhiên, để nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp thành công, thì con giống là yếu tố quyết định. Do đó, người nuôi nên lựa chọn những nơi cung cấp con giống cá chẽm có uy tín về chất lượng; đồng thời nên chọn con giống có kích cở lớn để giảm hao hụt; nên sử dụng thức ăn công nghiệp và dùng quạt nước nếu thả nuôi mật độ từ 3 con/m2 trở lên.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2011, hơn 36.000 tấn thanh long Bình Thuận được xuất khẩu giúp nông dân thu về 20 triệu USD.

Năm 2010, năm phát triển mạnh nhất, diện tích atisô Đà Lạt cũng chỉ dừng lại ở 90ha. Không chỉ là cây thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng mà atisô Đà Lạt còn được Bộ Y tế đưa vào bộ hồ sơ "dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển" của quốc gia. Trong bộ hồ sơ này, atisô là một trong 6 dược liệu được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu (cùng với sâm Ngọc Linh, đại hồi, trinh nữ hoàng cung, quế và tràm).

Huyện M’Đrak là vùng trồng mía lớn nhất tỉnh Đăk Lăk. Niên vụ này (2011- 2012), toàn huyện có trên 7.000 ha mía. Hiện giá mía giảm, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, cháy… khiến người trồng mía nơi đây đang đứng trước tình cảnh khó khăn.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), đến giữa tháng 6, dịch bệnh trên tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại trên 35.000ha và đang diễn biến rất phức tạp.

Ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm đang đứng trước khó khăn hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với dịch bệnh ngày càng phức tạp, thị trường bị thu hẹp, thiếu vốn để sản xuất...