Tôm Trúng Mùa Được Giá

Huyện Thới Bình có diện tích nuôi tôm gần 45.000 ha, trong 6 tháng đầu năm 2011, sản lượng thu hoạch đạt trên 6.000 tấn. Đây là con số rất ấn tượng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu vụ với nắng nóng bất thường, nhưng do áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng tăng khá cao. Cộng với giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao, nông dân đã có được một mùa thu hoạch trọn vẹn.
Những năm qua, con tôm sú đã đem lại cho nông dân Thới Bình sự thay đổi tích cực trong nâng cao mức sống và diện mạo nông thôn. Nhờ trúng tôm, nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo khó, vươn lên khá giả. Với những hộ trúng tôm nhiều năm liền đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, mua sắm khá đầy đủ các vật dụng cần thiết cho gia đình, và từ đó, đời sống văn hóa, tình thần được nâng lên đáng kể.
Bất ngờ trúng lớn
Ông Nguyễn Minh Liệt, ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, vừa trúng đậm vụ tôm này. Ông tâm sự: "Căn nhà khang trang mà gia đình tôi đang ở cũng nhờ thắng lợi từ những mùa tôm sú mà có được. Đây là điều mà trước đây tôi không dám nghĩ tới".
Ông Liệt nuôi gần 4 ha tôm quảng canh truyền thống. Từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay, qua nhiều năm thăng trầm với con tôm, cây lúa đã đem đến cho ông rất nhiều kinh nghiệm. Lợi nhuận rất nhiều nhưng cũng lắm rủi ro. 3-4 tháng nuôi tôm cũng chính là khoảng thời gian mà ông phải "ăn - ngủ cùng với chúng" - như ông nói. Trải qua kinh nghiệm nhiều năm ứng dụng chế phẩm sinh học đúng cách mà vụ nuôi này ông trúng đậm, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Thanh Công, ở cùng ấp với ông Liệt, với gần 3 ha, anh cũng sử dụng chế phẩm sinh học. Anh chia sẻ: "Am hiểu, nắm vững kỹ thuật, siêng năng, cần mẫn và kỹ lưỡng là những đức tính không thể thiếu được cho mỗi vụ nuôi".
Anh cho biết, nhờ gốc rạ tạo thức ăn cho tôm, cộng với sử dụng chế phẩm sinh học nên môi trường sống của tôm nuôi ổn định, kháng được dịch bệnh và mau lớn. Trung bình mỗi đêm anh thu hoạch từ 20-50 kg tôm loại 30 con/kg, có đêm cao điểm anh thu hoạch gần 100 kg. Với giá bán trên 200 ngàn đồng/kg, vụ này anh thu hoạch cũng gần 200 triệu đồng.
Để có một mùa tôm nuôi thắng lợi, bên cạnh sự quan tâm của ngành chức năng trong việc lựa chọn, định hướng mô hình phát triển, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khuyến cáo lịch thời vụ và các yếu tố khách quan như thời tiết thuận lợi, môi trường nước không bị ô nhiễm, giá cả thị trường ổn định thì cũng đòi hỏi rất nhiều ở sự cần cù, chịu khó và đút kết kinh nghiệm của người nuôi.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Biển Bạch Đông, vui mừng: "Vụ mùa này nông dân trong xã tôi rất phấn khởi vì được mùa, được giá, có hộ thu nhập lên đến gần 300 triệu đồng/vụ. Ngoài ông Liệt và anh Công còn hộ ông Bảy Hùng ở ấp Bình Minh... Đa số nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đó cũng chính là nguyên nhân tạo nên sự thành công trong những mùa vụ qua".
Tại hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của huyện vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Huỳnh Quốc Hoàng nhấn mạnh, các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục định hướng và hỗ trợ người dân phát huy ưu thế của từng vùng trong việc phát triển nuôi tôm sú.
Cần định hướng việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa là động lực phát triển kinh tế của huyện, quan tâm thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, đa dạng hóa nguồn giống và kịp thời chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác phối hợp quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kiểm dịch tôm giống và thuốc phòng, trị bệnh cho tôm nuôi...
Thành công trong những năm qua trong sản xuất chính là tiền đề để nông dân Thới Bình tiếp tục làm giàu từ những vụ mùa tôm - lúa. Với giá cả thị trường ổn định và tăng cao, con tôm sú vẫn sẽ là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Và sau mỗi năm, nông dân Thới Bình lại có thêm niềm vui từ vụ mùa tôm sú thắng lợi./.
Có thể bạn quan tâm

Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên, đoàn cũng đã nhắc nhở 4 cơ sở cần phải thường xuyên kiểm tra lại hàng hóa, kịp thời phát hiện các mặt hàng đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy hoặc trả về cho doanh nghiệp, đồng thời niêm yết giá đúng theo thị trường, mua bán phải xuất hóa đơn, chứng từ rõ ràng, tránh mua bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đang liên kết tiêu thụ với Siêu thị Vinafood Mart TP.Cao Lãnh với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn các loại mỗi ngày. Đồng thời, đơn vị cũng hướng đến hợp đồng cung cấp nông sản cho Siêu thị Coop Mart TP.Hồ Chí Minh với số lượng vài chục kí rau màu mỗi ngày.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá cao su xuất khẩu giảm, đặc biệt, tại các thị trường chủ lực giảm mạnh cả khối lượng lẫn giá trị. Làm gì để “cứu” giá cao su xuất khẩu là vấn đề bức xúc hiện nay.

Năm 2014, tổng diện tích gieo trồng của huyện Chư Pưh đạt trên 22.754 ha, bằng 100,02% kế hoạch và bằng 101,51% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 26.894 tấn, bằng 102,6% so với năm 2013. Tổng sản lượng tiêu đen đạt 10.236 tấn, cà phê nhân gần 7.040 tấn. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định.

Gia đình ông Hai có 1,3ha đất ruộng nhưng do giá cả, thị trường lúa hàng hóa bấp bênh nên gia đình thường “thiếu trước hụt sau”, lại phải chăm lo cho 3 người con ăn học. Do đó, khát vọng làm giàu trên chính “mảnh vườn, thửa ruộng” của mình luôn thôi thúc trong ông. Thế là năm 2006, ông Hai tự nguyện tham gia làm hội viên Hội Nông dân với mong muốn học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm thay đổi kinh tế gia đình.