Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Trúng Mùa Được Giá

Tôm Trúng Mùa Được Giá
Ngày đăng: 18/07/2011

Huyện Thới Bình có diện tích nuôi tôm gần 45.000 ha, trong 6 tháng đầu năm 2011, sản lượng thu hoạch đạt trên 6.000 tấn. Đây là con số rất ấn tượng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu vụ với nắng nóng bất thường, nhưng do áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng tăng khá cao. Cộng với giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao, nông dân đã có được một mùa thu hoạch trọn vẹn.

Những năm qua, con tôm sú đã đem lại cho nông dân Thới Bình sự thay đổi tích cực trong nâng cao mức sống và diện mạo nông thôn. Nhờ trúng tôm, nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo khó, vươn lên khá giả. Với những hộ trúng tôm nhiều năm liền đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, mua sắm khá đầy đủ các vật dụng cần thiết cho gia đình, và từ đó, đời sống văn hóa, tình thần được nâng lên đáng kể.

Bất ngờ trúng lớn

Ông Nguyễn Minh Liệt, ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, vừa trúng đậm vụ tôm này. Ông tâm sự: "Căn nhà khang trang mà gia đình tôi đang ở cũng nhờ thắng lợi từ những mùa tôm sú mà có được. Đây là điều mà trước đây tôi không dám nghĩ tới".

Ông Liệt nuôi gần 4 ha tôm quảng canh truyền thống. Từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay, qua nhiều năm thăng trầm với con tôm, cây lúa đã đem đến cho ông rất nhiều kinh nghiệm. Lợi nhuận rất nhiều nhưng cũng lắm rủi ro. 3-4 tháng nuôi tôm cũng chính là khoảng thời gian mà ông phải "ăn - ngủ cùng với chúng" - như ông nói. Trải qua kinh nghiệm nhiều năm ứng dụng chế phẩm sinh học đúng cách mà vụ nuôi này ông trúng đậm, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Thanh Công, ở cùng ấp với ông Liệt, với gần 3 ha, anh cũng sử dụng chế phẩm sinh học. Anh chia sẻ: "Am hiểu, nắm vững kỹ thuật, siêng năng, cần mẫn và kỹ lưỡng là những đức tính không thể thiếu được cho mỗi vụ nuôi".

Anh cho biết, nhờ gốc rạ tạo thức ăn cho tôm, cộng với sử dụng chế phẩm sinh học nên môi trường sống của tôm nuôi ổn định, kháng được dịch bệnh và mau lớn. Trung bình mỗi đêm anh thu hoạch từ 20-50 kg tôm loại 30 con/kg, có đêm cao điểm anh thu hoạch gần 100 kg. Với giá bán trên 200 ngàn đồng/kg, vụ này anh thu hoạch cũng gần 200 triệu đồng. 

Để có một mùa tôm nuôi thắng lợi, bên cạnh sự quan tâm của ngành chức năng trong việc lựa chọn, định hướng mô hình phát triển, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khuyến cáo lịch thời vụ và các yếu tố khách quan như thời tiết thuận lợi, môi trường nước không bị ô nhiễm, giá cả thị trường ổn định thì cũng đòi hỏi rất nhiều ở sự cần cù, chịu khó và đút kết kinh nghiệm của người nuôi.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Biển Bạch Đông, vui mừng: "Vụ mùa này nông dân trong xã tôi rất phấn khởi vì được mùa, được giá, có hộ thu nhập lên đến gần 300 triệu đồng/vụ. Ngoài ông Liệt và anh Công còn hộ ông Bảy Hùng ở ấp Bình Minh... Đa số nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đó cũng chính là nguyên nhân tạo nên sự thành công trong những mùa vụ qua".

Tại hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của huyện vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Huỳnh Quốc Hoàng nhấn mạnh, các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục định hướng và hỗ trợ người dân phát huy ưu thế của từng vùng trong việc phát triển nuôi tôm sú.

Cần định hướng việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa là động lực phát triển kinh tế của huyện, quan tâm thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, đa dạng hóa nguồn giống và kịp thời chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác phối hợp quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kiểm dịch tôm giống và thuốc phòng, trị bệnh cho tôm nuôi...

Thành công trong những năm qua trong sản xuất chính là tiền đề để nông dân Thới Bình tiếp tục làm giàu từ những vụ mùa tôm - lúa. Với giá cả thị trường ổn định và tăng cao, con tôm sú vẫn sẽ là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Và sau mỗi năm, nông dân Thới Bình lại có thêm niềm vui từ vụ mùa tôm sú thắng lợi./.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Bắp Lai Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Bắp Lai

Thực hiện phát triển luân canh cây hoa màu trên đất lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu cho đất mà còn góp phần tăng cao thu nhập cho người nông dân.

18/07/2013
Những Triệu Phú Chuối Dưới Tán Rừng Những Triệu Phú Chuối Dưới Tán Rừng

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh có nguồn thu rất cao từ cây chuối. Đặc biệt là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Nhờ trồng chuối mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

27/06/2013
Hòa An Đẩy Mạnh Cơ Giới Hóa Sản Xuất Nông Nghiệp Hòa An Đẩy Mạnh Cơ Giới Hóa Sản Xuất Nông Nghiệp

Để khai thác hiệu quả hơn 6.900 ha đất canh tác, tăng hệ số quay vòng đất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, mấy năm gần đây, huyện Hòa An đã huy động vốn từ các chương trình, dự án và nhân dân mua các loại thiết bị, máy móc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.

27/06/2013
Điêu Đứng Vì Giống Bắp Dỏm Điêu Đứng Vì Giống Bắp Dỏm

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, đến ngày 25-6 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện gần 500 hécta bắp từ giống NK 67 phát triển không bình thường. Khả năng bị mất trắng là rất cao.

28/06/2013
Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Hèo Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Hèo

Nhiều nông dân xã Thoại Giang (Thoại Sơn, An Giang) nuôi rắn hổ hèo sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Trần Ngân Hoàng, hộ nuôi rắn trong xã, khoe: “Tôi nuôi 10 con rắn bố mẹ, sau một năm thu lời hơn 10 triệu. Hổ hèo là loại rắn dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ tìm, như: Ếch, nhái, chuột…”.

19/07/2013